Chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình chuyển đổi.
Tiên phong chuyển đổi số
Nhóm Công tác Kinh tế số VBF cho rằng đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và sự cần thiết của dịch vụ dữ liệu hơn bao giờ hết. Các tổ chức nắm bắt được công nghệ số có thể nhanh chóng thích ứng trong bối cảnh gián đoạn do đại dịch, tận dụng tính linh hoạt của công nghệ để mở rộng hoặc thu hẹp quy mô dịch vụ, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên.
Theo đó, chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ có thể áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình chuyển đổi. Ngoài những nỗ lực trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam cần quan tâm tới những lợi ích lâu dài của chuyển đổi số và hỗ trợ tối đa cho những bước tiến sắp tới.
Ví dụ, từ đại dịch, dịch vụ điện toán đám mây đã giúp nhiều chính phủ và tổ chức thích ứng và duy trì hoạt động trong những thời điểm gián đoạn nhờ khả năng tiết kiệm chi phí, mở rộng quy mô, hạ tầng tin cậy và bảo mật.
Để tăng cường khả năng phục hồi bền vững, Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra các chính sách ưu tiên sử dụng điện toán đám mây với định hướng khuyến khích các cơ quan chính phủ và các tổ chức khác áp dụng dịch vụ điện toán đám mây thương mại.
Các chính sách ưu tiên ứng dụng điện toán đám mây hiệu quả nhất thường quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các tổ chức chính phủ và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, áp dụng cách tiếp cận dựa trên rủi ro để phân loại và sử dụng dữ liệu, để tuân thủ và công nhận các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời có cơ chế đấu thầu, mua sắm theo mô hình thanh toán dịch vụ theo lượng thực sử dụng dịch vụ.
"Khi khai thác lợi ích của điện toán đám mây, các cơ quan nhà nước, tổ chức khu vực công có thể tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi là phục vụ người dân", nhóm công tác nêu.
Tăng cường đầu tư vào các startup
Ngoài ra, nhóm công tác kinh tế số cũng cho rằng trong quá trình phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, Chính phủ Việt Nam có thể đầu tư và hỗ trợ cho các ý tưởng có khả năng khởi động lại nền kinh tế. Các startup và các doanh nghiệp vừa và nhỏ là trọng tâm của các giải pháp sáng tạo này và là động lực tăng trưởng quan trọng cho Việt Nam.
Chính phủ cũng có thể tiên phong ứng dụng công nghệ mới và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp bằng cách đầu tư vào chính sách, bao gồm cả những chính sách dành riêng cho từng ngành, giúp các startup tận dụng tốt nhất lợi ích của các công nghệ mới.
Ví dụ, cho phép lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới giúp các startup và doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng quy mô và đưa các doanh nghiệp sáng tạo ra thế giới. Việc khuyến khích lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới sẽ giúp cải thiện năng suất và hoạt động thương mại, đồng thời phát triển các chính sách thúc đẩy thương mại số trong khu vực có thể thúc đẩy căn bản nền kinh tế trong nước.
Nhóm này cũng khuyến nghị các luật và quy định mới về kinh tế số, công nghệ số nên loại bỏ chế độ cấp phép đối với hạ tầng số và các dịch vụ công nghệ mới. Thay vào đó, Chính phủ có thể xem xét các chương trình khuyến khích ưu đãi đầu tư vào hạ tầng số và triển khai các dịch vụ công nghệ mới.
Ngoài ra, khuyến khích đổi mới sáng tạo và tạo ra sân chơi bình đẳng. Bất kỳ quy định mới nào cũng cần được thiết kế sao cho không hạn chế khả năng đổi mới của các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ. Các quy định mới sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả bên và hỗ trợ đổi mới trong toàn ngành.
Đồng thời tránh việc quản lý can thiệp quá sâu và chồng chéo trong các quy định để không vô tình tác động đến tất cả các lĩnh vực cùng sử dụng chung các dịch vụ công nghệ mới như: viễn thông, dịch vụ tài chính, năng lượng, ô tô, y tế, hàng không vũ trụ và các lĩnh vực khác.
Để thúc đẩy Việt Nam trở thành một trung tâm đầu tư công nghệ hấp dẫn, nhóm cũng khuyến nghị Chính phủ khuyến khích lưu chuyển tự do dữ liệu xuyên biên giới, đưa ra các hướng dẫn chuyển đổi dữ liệu an toàn và bảo mật, chẳng hạn như công nhận các chứng chỉ bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu, và các chứng chỉ quản lý thông tin của bên thứ ba có uy tín được quốc tế công nhận, (ví dụ: ISO).
Ngoài ra, nhóm cũng đề nghị Chính phủ xem xét lại các yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước hiện đang được đề xuất trong luật và các nghị định về an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân… để giải quyết các những quan ngại liên quan đến lưu trữ dữ liệu mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đã nêu lên.