Giới chức Mỹ nhiều lần đe dọa áp đặt trừng phạt kinh tế sẽ khiến Nga hứng chịu hậu quả nặng nề.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng Mỹ cùng đồng minh rất khó nhất trí thực hiện một lệnh cấm giao thương hay lệnh cấm vận bao trùm. Sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí Nga của châu Âu và diện tích địa lý lớn của Nga là 2 trong số các lý do khiến Mỹ khó áp đặt cấm vận toàn diện như đã thực hiện với Cuba, Triều Tiên, Iran. Thay vào đó họ sẽ nhắm đến một số ngành nghề và cá nhân cụ thể.
Nga không xem đây là biện pháp nặng. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuần qua cho biết luật pháp Nga cấm quan chức nước này sở hữu tài sản nước ngoài. Phía Mỹ vẫn khẳng định người bị trừng phạt sẽ mất thu nhập lẫn giá trị tài sản đáng kể (chẳng hạn như hạn chế khả năng mua sắm hay đầu tư của một nhà tài phiệt nào đó).
Tại sao nhắm đến cá nhân?
Đôi khi, sự trừng phạt phạm vi hẹp giúp tránh đem lại tác động không mong muốn đến dân thường hoặc gây ra hành động có hại ngược lại cho lợi ích châu Âu.
Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội Mỹ (CRS) trong một báo cáo công bố gần đây cho biết Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) dự định áp đặt trừng phạt theo hướng có thể khiến Nga thay đổi hành vi nhưng vẫn đảm bảo giảm thiểu thiệt hại thứ cấp với người dân Nga cũng như với lợi ích kinh tế của những quốc gia áp đặt trừng phạt.
Trước đó, giới chức Đức đã tuyên bố sẵn sàng cân nhắc áp đặt trừng phạt một số đơn vị chịu trách nhiệm vận hành đường ống khí đốt Nord Stream 2.
Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga trực tiếp sang Đức, bỏ qua Ukraine. Washington cố tránh trừng phạt dự án này vì sợ mất lòng đồng minh Đức, nhưng nếu áp đặt thì khí đốt Nga sẽ mất một thị trường quan trọng.
Nên nhắm đến những dạng cá nhân nào?
Theo CRS, một số tỷ phú Nga có quan hệ chính trị và doanh nghiệp của họ chính là mục tiêu. Bộ Tài chính Mỹ đã xác định được ít nhất 445 cá nhân cùng doanh nghiệp có thể bị trừng phạt, chủ yếu do liên quan đến tình hình bất ổn ở Ukraine, hoạt động ở Crimea và vùng Biển Đen mà Nga chiếm quyền kiểm soát từ Ukraine.
Mục tiêu hàng đầu là quan chức và người đứng đầu công ty quốc doanh, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ, giám đốc cơ quan tình báo hay cơ quan nhà nước liên bang, chủ tịch của lưỡng viện Quốc hội, giám đốc điều hành 2 công ty dầu khí Rosneft và Gazprom, công ty quốc phòng Rostec cùng vài ngân hàng.
Mỹ từng áp đặt trừng phạt gì với cá nhân Nga?
Theo Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ, sự trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga do vụ sáp nhập Crimea năm 2014 gồm có hạn chế thương mại, phong tỏa tài sản thuộc quyền kiểm soát của Mỹ, giới hạn tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Đến nay có ít nhất 735 cá nhân, tổ chức, con tàu còn chịu lệnh trừng phạt.
Trong năm 2021, Mỹ còn áp đặt trừng phạt bổ sung. Tháng 1.2022 vừa có 4 cá nhân bị trừng phạt, trong đó có 2 cá nhân là nghị sĩ Ukraine bị cáo buộc tham gia hoạt động gây bất ổn do Nga chỉ đạo. Nhà Trắng gần đây cảnh báo Tổng thống Vladimir Putin cùng các quan chức Nga hàng đầu sắp phải chịu sự trừng phạt vượt xa loạt trừng phạt áp đặt năm 2014.
Trừng phạt cá nhân hiệu quả không?
Trừng phạt cá nhân không hiệu quả bằng trừng phạt cả một ngành, nhưng chúng có thể gây ra tổn thương tâm lý và khiến mục tiêu trở thành “kẻ thù” của cộng đồng quốc tế. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa muốn trừng phạt vận động viên Alina Kabaeva - người được cho là bạn gái Tổng thống Putin.
Tài sản của Tổng thống Putin khó nhắm đến hơn, vì chúng được cất giấu ở khắp nơi, theo giáo sư Scheherazade Rehman thuộc Đại học George Washington. Điện Kremlin cảnh báo việc trừng phạt Tổng thống Putin là sự phá hoại về chính trị nghiêm trọng với quan hệ Nga - Mỹ.
Trừng phạt có thể gây ra tác động kinh tế mạnh mẽ nếu áp đặt cho những mục tiêu quan trọng về kinh tế. Vì vậy mà một số trừng phạt nhắm đến cá nhân, doanh nghiệp cũng như giao dịch cụ thể.
Hình thức trừng phạt khác
Phía Mỹ, ngoài Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao cũng có thể hạn chế cấp thị thực và viện trợ nước ngoài, Bộ Thương mại có thể hạn chế cấp giấy phép xuất khẩu, Bộ Quốc phòng thì hạn chế bán vũ khí, còn Bộ Tư pháp phụ trách truy tố những ai vi phạm luật trừng phạt. Ngoài ra, Bộ An ninh nội địa và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) có thể xét lại thị thực đến Mỹ...