Áp lực thi đua, bệnh thành tích là có thật. Và lẽ ra những cái tát đó phải “đánh” vào căn bệnh thành tích trầm kha để thầy dạy thoải mái, trò học nhẹ nhàng hơn.

Những cái tát kia có làm ngành giáo dục thức tỉnh?

29/11/2018, 13:24

Áp lực thi đua, bệnh thành tích là có thật. Và lẽ ra những cái tát đó phải “đánh” vào căn bệnh thành tích trầm kha để thầy dạy thoải mái, trò học nhẹ nhàng hơn.

Cô T. chắc chắn phải trả giá rất đắt cho sai lầm của mình

Không ai chấp nhận thói quen nói tục chửi thề của nhiều học sinh hiện nay, trong đó có em H.L.N. lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Càng không ai chấp nhận hành vi phản cảm, phi giáo dục của cô giáo N.T.P.T. khi cô ra lệnh cho cả lớp tát em N. 230 cái. Dư luận càng phẫn nộ khi cô T. “bồi thêm” cái tát thứ 231 cho em N. (mà có người chua chát đùa rằng, đây là “phát súng ân huệ” của đao phủ).

Mọi chuyện quá rõ ràng, cô T. chắc chắn phải trả giá rất đắt cho sai lầm của mình, không ai có thể bào chữa nổi cho cô trong trường hợp quá nghiêm trọng này. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Cơn “dư chấn” không chỉ xảy ra trong tâm lý của em N. và các bạn cùng lớp, mà còn ở đội ngũ nhà giáo, ở cả ngành giáo dục. Một “vết thương” khiến toàn bộ “cơ thể giáo dục” phải đau. Uy tín của ngành, hình ảnh người thầy đi về đâu nếu không chấm dứt được những “sự cố” nhức nhối như vậy?

Hết chuyện điều giáo viên đi “tiếp khách” đến chuyện cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, hết chuyện cô giáo quỳ gối xin lỗi phụ huynh đến vụ bê bối trong thi cử ở Hà Giang, Sơn La... Cái rúng động này chưa kịp lắng xuống thì cái rúng động khác lại xảy ra. Riêng chuyện giáo viên bắt cả lớp “đánh hội đồng” bạn mình thì đây là chuyện không phải lần đầu xảy ra.

Không có “giáo học pháp” nào dạy giáo viên hành xử như vậy với học trò; không lãnh đạo, đồng nghiệp nào tác động, ép giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo như vậy. Chuyện “ai làm nấy chịu” là đương nhiên. Nhưng có điều, qua nhiều vụ nghiêm trọng như vậy chưa thấy lãnh đạo nào từ trường, Phòng đến Sở, Bộ Giáo dục đứng ra nhận trách nhiệm về mặt quản lý cũng như cam kết với phụ huynh, nhân dân.

Đến nước này mà hiệu trưởng trường nơi cô T. công tác còn biện bạch lý do “áp lực thi đua” và xin báo chí đừng phản ánh vì trường “sắp được công nhận trường chuẩn giai đoạn 2” thì... bó tay luôn! Qua sự cố của cô T. và phát ngôn của vị hiệu trưởng này, dư luận thấy nổi cộm lên một số vấn đề khác trong giáo dục hiện nay. Đó là áp lực thi đua và căn bệnh thành tích, đó là khâu đào tạo, tuyển dụng và quản lý giáo viên.

Vấn đề thi đua của giáo viên có “muôn nẻo” với vô số văn bản, quy chế, quy định. Không ai dám phủ nhận tính chặt chẽ, khoa học của nó nhưng cách kiểm tra, đánh giá, vận dụng lâu nay quá máy móc, chủ yếu dựa vào những con số, tỷ lệ, thành tích liên quan đến chất lượng học sinh. Được mấy giáo viên “dạy thực”, cho “điểm thực”, đánh giá học lực, hạnh kiểm học sinh trên nguyên tắc khách quan, phản ánh thực chất? Được mấy hiệu trưởng vì “chất lượng thật” mà chấp nhận đứng cuối bảng về thành tích học sinh lên lớp, học sinh tốt nghiệp?

Phải chăng cuộc vận động “hai không” bị “đánh trống bỏ dùi”? “Nói không với tiêu cực” nhưng tiêu cực không giảm mà có xu hướng tăng lên về quy mô và mức độ nghiêm trọng. “Nói không với bệnh thành tích” nhưng bệnh thành tích càng nặng nề hơn. Nổi lên là hiện tượng “khủng hoảng thừa” học sinh giỏi và tồn đọng nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp” (cả về kiến thức lẫn ý thức).

Bệnh thành tích làm cho trò coi thường việc học tập và rèn luyện, hệ lụy dẫn đến coi thường thầy cô, nhà trường. Bệnh thành tích khiến cho không ít giáo viên phải “làm mọi giá” để đạt điểm thi đua của lớp, khiến họ thiếu kiên trì giáo dục học sinh và để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng đáng tiếc lâu nay. Nhiều trường đạt “chuẩn” nhưng giáo viên, học sinh lệch chuẩn.

Áp lực thi đua, bệnh thành tích là có thật. Nếu chuyện thi đua giữa các lớp là chuyện của các em thì cô giáo chủ nhiệm kia không nóng nảy, bức xúc đến mất ý thức như vậy.

Vậy tại sao thầy trò lại “im lặng”? Lẽ ra những cái tát đó phải “đánh” vào căn bệnh thành tích trầm kha để thầy dạy thoải mái hơn, trò học nhẹ nhàng hơn. Đằng này lại trút xuống một học sinh. Xót xa thay!

Đã đến lúc phải xem lại quy định thi đua lấy số lượng, tỷ lệ các mặt của học sinh để đánh giá giáo viên. Lớp chót bảng thi đua chưa hẳn là lớp tệ nhất, vì kết quả giáo dục là một quá trình, sự tiến bộ của học sinh không thể trong một sớm một chiều.

Nên chăng bỏ đội cờ đỏ trong chấm thi đua của trường. Những quy định vụn vặt, nhiêu khê không nói lên điều gì cả. Nhiều bất cập cần phải xem lại. Chẳng hạn, cứ thấy học sinh đi học trễ thì trừ điểm, không quan tâm học sinh trễ vì lý do gì; cứ thấy học sinh không đồng phục thì trừ điểm, chẳng cần biết học sinh không đồng phục vì lý do gì... Cái sâu thẳm trong nhân cách học sinh như tính tự giác, trung thực, lòng nhân ái vị tha, tinh thần vượt khó, ý thức tập thể... mới quan trọng hơn nhiều.

Những “cái tát” kia có làm cho ngành giáo dục dừng lại sự đào tạo giáo viên tràn lan. Tại sao nhiều trường sư phạm trong tuyển sinh không xét đến tiêu chí hạnh kiểm của thí sinh – tiêu chí tối quan trọng để trở thành sinh viên sư phạm và trở thành nhà giáo sau này?

Tại sao nhiều năm trước đây ngành giáo dục tuyển sinh viên tốt nghiệp ngành khác vào ngành giáo viên, miễn là họ có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm? Họ không thể được đào tạo bài bản như sinh viên sư phạm chính quy, chưa nói đến chất lượng đầu vào, thiên hướng sở thích, lòng yêu nghề và nhiều yếu tố ban đầu khác.

Hiện nay nhiều trường sư phạm ồ ạt tuyển sinh bằng mọi giá, nhất là khi Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, 3-4 điểm/môn cũng trúng tuyển vào ngành sư phạm để mấy năm sau làm “thầy” trên bục giảng.

Chất lượng giáo dục đi về đâu? Những “cái tát” kia có làm ngành giáo dục “thức tỉnh” nhiều vấn đề?

Xuân Chiến

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những cái tát kia có làm ngành giáo dục thức tỉnh?