Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Không được tạo ra biến động mạnh, đột ngột trong chính sách tiền tệ

Sơn Lam | 05/10/2023, 19:25

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP ngày 4.10.2023 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2023 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Chính phủ đánh giá, trong tháng 9, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; kinh tế phục hồi chậm, tăng trưởng thấp, lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Ở trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, bất cập nội tại bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn.

Chính phủ yêu cầu NHNN bám sát diễn biến thị trường để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

“Không tạo ra những biến động mạnh, thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối”, nghị quyết nêu.

Chính phủ cũng yêu cầu hướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỉ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

bc-tien.jpeg
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả

Ngoài ra, nghị quyết cũng yêu cầu tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc phát sinh trong thực tế về tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, có giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh tăng, nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý các ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt dự toán Quốc hội giao, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số… và chống thất thu thuế, đặc biệt đối với dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh tế ban đêm.

“Điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo sát dự toán được giao, triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết”, nghị quyết nhấn mạnh.

Đặc biệt, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Đối với các chính sách có hiệu lực hết năm 2023, chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Cần hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10.2023.

Chính phủ đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7.10.2023.

Ngoài ra nghị quyết còn yêu cầu: “Khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20.10.2023 về hướng xử lý, tháo gỡ vướng mắc khi chuyển nhượng vốn của Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại Pacific Airlines”.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương về các chính sách phí, lệ phí khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (như: thu phí, lệ phí 0 đồng hoặc giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thời gian áp dụng đến hết năm 2025), Bộ Tài chính cũng được giao nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10.2023.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không được tạo ra biến động mạnh, đột ngột trong chính sách tiền tệ