Đầu tư công 9 tháng chưa có năm nào vượt qua mức 50%, song năm nay đã vượt qua mức này.

Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến mạnh

Sơn Lam | 02/10/2023, 13:10

Đầu tư công 9 tháng chưa có năm nào vượt qua mức 50%, song năm nay đã vượt qua mức này.

Trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động đầu tư công trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đã được Quốc hội và Chính phủ giao là 804.420,3 tỉ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là 51.542,7 tỉ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877,5 tỉ đồng (không bao gồm 12.887,2 tỉ đồng chưa giao). Mức đầu tư công năm 2023 cao hơn mức đầu tư công được giao năm 2022 gần 30%.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, ước thanh toán đến ngày 30.9.2023 đạt khoảng 363.310 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và số tuyệt đối.

Trong khi đó, năm 2022, tỷ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm. Nếu so về con số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỉ đồng.

Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, có Long An (93,85%); Bình Dương (91,28%); Đồng Tháp (84,06%); Tiền Giang (83,49%); Bà Rịa - Vũng Tàu (81,52%); Hải Phòng (81,02%).

dtc-1.jpeg
Giải ngân đầu tư công 9 tháng khởi sắc

Tuy nhiên, vẫn còn 42 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng với kết quả này, đầu tư công 9 tháng chưa có năm nào vượt qua mức 50%, song năm nay đã vượt qua mức này. Năm 2023 không giống các năm trước, vốn rất lớn và tỷ lệ đạt cao với 51,38%, cho thấy đây là kết quả rất tích cực.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh.

"Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lập, thực hiện các kế hoạch đầu tư; thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ và chất lượng thi công các dự án đầu tư công. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc về thủ tục hành chính, về nguồn nguyên vật liệu, về đơn giá, định mức… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công", ông Thịnh nói.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đặt quyết tâm giải ngân ít nhất 95% trong tổng số 711 ngàn tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm. “Quyết tâm đó chỉ biến thành hiện thực khi xử lý rốt ráo những rào cản hiện nay”, ông Ánh nói.

Theo ông Ánh, quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công và các luật có liên quan khác tuy đã được bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện song vẫn chưa thật sự đồng bộ. Các chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án đầu tư công cũng như quản lý tài chính dự án đầu tư công vẫn lúng túng, vướng mắc khi triển khai thực hiện các quy định trong thực tế.

Tiếp theo, việc quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin - cho, hợp thức hóa... mà chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

“Quyền và trách nhiệm của cá nhân với quyền và trách nhiệm của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai, theo đó tiến độ giải ngân chậm do quyết định cá nhân không kịp thời, phải chờ sự đồng thuận nhất trí của cả tập thể”, ông Ánh nêu.

TS Ánh cũng cho rằng giá cả nguyên nhiên vật liệu biến động mạnh khiến cho nhiều nhà thầu đề nghị điều chỉnh giá so với giá trong hợp đồng trúng thầu, song chủ đầu tư không có quyền quyết định chấp thuận hay không mà phải chờ xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, dẫn đến việc triển khai dự án bị gián đoạn, thậm chí dừng hẳn. Dự án đầu tư công đã chậm lại càng thêm chậm.

dtc-2.jpeg
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, ngay cả trường hợp chỉ định thầu hay đấu thầu rút gọn, theo Luật Đấu thầu vẫn còn những hạn chế bất cập khiến cho quá trình tổ chức đấu thầu kéo dài.

“Hơn nữa, quy định hiện hành vẫn còn những kẽ hở để lọt nhà thầu yếu kém không đủ năng lực, thậm chí nhà thầu “sân sau” phục vụ lợi ích nhóm nên nếu không bị phát hiện thì thời gian triển khai dự án đương nhiên bị kéo dài, đội vốn; còn nếu bị phát hiện thì việc thay nhà thầu lại phải bắt đầu lại từ đầu, tiêu tốn rất nhiều thời gian thực hiện dự án đầu tư công”, ông Ánh nói.

Chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho rằng một số dự án đầu tư công chậm giải ngân vốn do những lý do muôn thuở như chậm giải phóng mặt bằng, chưa bố trí vốn đúng quy định, xây dựng dự toán không đúng quy định, thiếu căn cứ quy hoạch, cần xem lại chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch hay kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

“Thực tế có một số bộ ngành và địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vượt cả kế hoạch, trong khi nhiều bộ ngành, địa phương khác lại triển khai ì ạch. Đây là do ý thức trách nhiệm và quyết tâm không cao của một bộ phận cán bộ công chức có liên quan đến triển khai và giải ngân dự án đầu tư công. Một số trường hợp chậm giải ngân không bị quy trách nhiệm rõ ràng nên xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí đổ tội cho cấp dưới hay điều kiện khách quan”, ông Ánh nói.

Ông Ánh cũng nhấn mạnh rằng các tổ công tác tháo gỡ khó khăn về đầu tư công cần có đủ quyền hạn và trách nhiệm để xử lý kịp thời và dứt điểm các vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo nguyên tắc “tiền trảm hậu tấu”, tránh quy trình thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Chỉ có như vậy, tiến độ giải ngân mới được đẩy nhanh và hoạt động của tổ công tác mới nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.      

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến mạnh