Chủ trương khoan dung, khoan hồng cán bộ vi phạm không vụ lợi được ủng hộ nhưng thực thi không dễ bởi các ràng buộc quy phạm pháp luật. Hơn hết, vẫn cần hoàn thiện thể chế đồng bộ, chặt chẽ

Khoan hồng cán bộ sai phạm không vụ lợi: Nhiều thách thức

Theo NLD | 12/11/2023, 10:30

Chủ trương khoan dung, khoan hồng cán bộ vi phạm không vụ lợi được ủng hộ nhưng thực thi không dễ bởi các ràng buộc quy phạm pháp luật. Hơn hết, vẫn cần hoàn thiện thể chế đồng bộ, chặt chẽ

Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã nêu tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc, thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Qua đó, bà đề xuất các giải pháp để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

Nghiêm trị và khoan hồng

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, điều quan trọng để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức là phải làm sao xóa bỏ tư tưởng "không làm thì không sai", "đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử"; đồng thời khơi dậy lòng tự trọng, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm của mỗi người. 

Bên cạnh đó, phải kịp thời miễn nhiệm đối với những trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ; xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm, sai phạm theo tính chất, mức độ, động cơ để có hình thức xử lý phù hợp. 

"Nếu không có vụ lợi cá nhân; không tham ô, tham nhũng thì khoan dung, khoan hồng, nhân văn hơn nữa nhằm tạo cơ chế đồng bộ, tinh thần khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị.

nld.jpg
Để cán bộ dám nghĩ, dám làm, chúng ta phải xây dựng pháp luật chặt chẽ, đồng bộ - Ảnh: Hoàng Triều

Báo cáo tại kỳ họp thứ 6, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ theo hướng "vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng". 

Cụ thể, xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung. Ngược lại, cần phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả; giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, thất thoát.

Đồng tình với các đề xuất trên, TS Phạm Quang Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam (VASA), cho rằng để quan điểm này đi vào thực tiễn, cần sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch.

Nghị định 73/2023 có bảo vệ được cán bộ?

Thực tế, không phải đến bây giờ mà vấn đề bảo vệ cán bộ năng động, liêm chính đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ lâu. Ngày 22.9.2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. 

Hai năm sau, chủ trương này được thể chế hóa bằng Nghị định 73/2023 do Chính phủ ban hành quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

nld2.jpg
Ban hành Nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Đặt vấn đề "một nghị định không thể thay thế, điều chỉnh các quy định của luật", đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) bày tỏ băn khoăn liệu các quy định trong Nghị định 73/2023 có mâu thuẫn với các quy định trong những văn bản luật khác như Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Dân sự; Luật Hình sự... "Tôi kiến nghị nghiên cứu sớm sửa đổi pháp luật, trước tiên là Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung" - bà Nguyễn Thị Kim Bé nói.

Theo Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, "cán bộ, công chức nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép"; khác với phía người dân, doanh nghiệp là "được làm những việc pháp luật không cấm". Vì vậy, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, băn khoăn liệu Nghị định 73/2023 có thiết thực?

"Bởi nếu làm đúng thì rất mừng nhưng nếu làm sai, nếu lợi dụng thì rất đáng lo ngại. Các tổ chức, tập thể có thể bao che cho cán bộ "cánh hẩu" trong địa phương, cơ quan của họ. Vì thế, cần có sự hướng dẫn cụ thể, sự thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện để tránh tình trạng lúng túng hoặc tùy tiện, lạm dụng, lợi dụng các quy định để làm những việc không tốt, thậm chí có hại cho Đảng, cho đất nước và cho chính cán bộ" - ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.

Hoàn thiện thể chế, tránh hệ quả pháp lý

Luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, cho biết về mặt pháp luật, tại chương II Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức có những điều khoản chặt chẽ về nghĩa vụ, quyền hạn của đối tượng này.

Theo đó, cán bộ, công chức khi thực thi công vụ phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; có quyền kiến nghị những vấn đề, vụ việc pháp luật chưa quy định, quy định chưa rõ và có quyền bảo lưu ý kiến khi thực hiện công vụ theo quyết định của cấp trên. Còn nghĩa vụ của cán bộ, công chức là người đứng đầu là giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

"Đề xuất của Bộ Nội vụ có mục đích tích cực, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời nâng cao hình ảnh cán bộ, công chức đối với người dân. Tuy nhiên, để đề xuất trên được thực hiện hiệu quả như mong muốn thì cần một quá trình để thay đổi quan điểm, lý luận, pháp lý và quan trọng nhất là thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức hiện hành" - luật sư Tuấn nhìn nhận.

Trong khi đó, nhận định Nghị định 73/2023 là tư duy đột phá, luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng khi áp dụng sẽ có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh nên việc xảy ra rủi ro, hệ quả pháp lý cho cán bộ thực hiện ít nhiều có thể có. "Do đó, các cơ quan tố tụng cần có văn bản liên ngành hướng dẫn áp dụng thống nhất trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với cán bộ có sai phạm trong quá trình thực thi công vụ" - luật sư Nghĩa đề nghị. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Tạo điều kiện cho "6 dám" đua nở

Việc khoan dung, khoan hồng đối với cán bộ, công chức vi phạm không có vụ lợi cá nhân, không tham ô, tham nhũng có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo điều kiện cho phẩm chất "6 dám" của cán bộ, công chức đua nở. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách khoan dung, khoan hồng, nhân văn của cơ quan tố tụng đối với cán bộ có sai phạm cũng phải được xem xét, nghiên cứu dựa trên các yếu tố sự thật khách quan; mức độ, tính chất vi phạm và sự thượng tôn pháp luật.

2-LS-Hậu-w

Ngoài ra, cần bảo đảm rạch ròi trong cơ chế biểu dương, khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức, cơ quan làm tốt và xử lý nghiêm cán bộ, công chức không làm tròn chức trách, nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh):

Không thể khuyến khích cán bộ vi phạm pháp luật!

Việt Nam đang xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn pháp luật nên không thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật cấp nghị định để bảo vệ hay khuyến khích những người thực thi pháp luật mà vi phạm pháp luật.

2-Trần-H-Hậu-w

Chúng ta phải xây dựng pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo kiểu "xé rào", vi phạm pháp luật để khắc phục những bất cập của pháp luật; không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình để thực thi chức trách nhiệm vụ; không phải tìm cách "lách" để việc mình làm (dù vì lợi ích chung nhưng chưa phù hợp với quy định hiện hành) đỡ bị chú ý hoặc phải trình bày nhỏ to để cơ quan chức năng thông cảm bỏ qua, giơ cao đánh khẽ.

TP.HCM xây dựng đề án bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung

UBND TP.HCM đã giao Sở Nội vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP.HCM năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết đề án bao gồm các chế độ, chính sách về thu nhập, nhà ở; cơ hội thăng tiến, tôn vinh, khen thưởng... thực sự vượt trội, hấp dẫn để tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức hăng say làm việc, đóng góp sáng kiến và thực hiện thắng lợi các giải pháp đột phá phục vụ xây dựng và phát triển thành phố.

Bài liên quan
Người dân TP.HCM có thể ngồi nhà 'chấm điểm' cán bộ khi làm thủ tục hành chính
UBND TP.HCM vừa ban hành quy định đánh giá chất lượng phục vụ người dân và tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khoan hồng cán bộ sai phạm không vụ lợi: Nhiều thách thức