Khi mà nền kinh tế thế giới vẫn đang hết sức ảm đạm, và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn đều thống nhất thúc đẩy tự do thương mại để hồi phục, thì vì sao chủ nghĩa bảo hộ lại đang có dấu hiệu trở lại rõ rệt và ở một phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết?

Khi chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại trong nền kinh tế thế giới

Nhàn Đàm | 30/07/2016, 17:05

Khi mà nền kinh tế thế giới vẫn đang hết sức ảm đạm, và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn đều thống nhất thúc đẩy tự do thương mại để hồi phục, thì vì sao chủ nghĩa bảo hộ lại đang có dấu hiệu trở lại rõ rệt và ở một phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết?

Năm 2016 có thể sẽ trở thành một điểm mốc quan trọng đối với tiến trình của nền kinh tế toàn cầu, ít nhất là trong nửa đầu thế kỷ 21, khi nó có thể là bước ngoặt cho một sự kiện quan trọng: chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu quay trở lại và thương mại tự do đang bị lấn lướt. Ba trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có dấu hiệu khá rõ nét cho xu hướng này.Tại Mỹ, cuộc tranh cử 2016 đến chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang là hai ứng cử viên đều có xu hướng phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Donald Trump và Hillary Clinton. Tại Trung Quốc, nền kinh tế số hai thế giới đang theo đuổi một chính sách gần như một dạng chủ nghĩa trọng thương thế kỷ 16-17, giảm nhập khẩu triệt để trong khi cố gắng thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Còn tại châu Âu, nước Anh cũng đã kiên quyết rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và tiến hành đàm phán lại toàn bộ những quy chế thương mại với châu Âu lục địa. Khi mà nền kinh tế thế giới vẫn đang hết sức ảm đạm, và các nhà lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều thống nhất thúc đẩy tự do thương mại để hồi phục, thì vì sao chủ nghĩa bảo hộ lại đang có dấu hiệu trở lại rõ rệt và ở một phạm vi rộng lớn hơn bao giờ hết?

Sự kiện quan trọng nhất đối với tiến trình phát triển của nền kinh tế toàn cầu diễn ra gần nhất là Hội nghị các bộ trưởng thương mại và thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm G20 diễn ra tại Thành Đô, Trung Quốc. Đó là hội nghị quốc tế lớn đầu tiên sau khi nước Anh bỏ phiếu trưng cầu dân ý rời khỏi EU – Brexit, để lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới thảo luận về cách thức ứng phó với những tác động do Brexit gây ra. Thông cáo chung của hội nghị cam kết nhóm các nền kinh tế G20 sẽ thúc đẩy tự do thương mại, đồng thời hợp tác về vấn đề tỷ giá và đầu tư để kích thích nền kinh tế toàn cầu hồi phục. Tuy nhiên, thực tế những gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới thời điểm hiện tại lại đang có xu hướng đi ngược lại với những cam kết trong thông cáo chung đó: dấu hiệu quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra ở khắp các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Dấu hiệu nàyđang rõ rệt hơn hết tại Mỹ - nền kinh tế số một thế giới. Hai ứng cử viên đại diện cho hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ trong cuộc đua đến chiếc ghế tổng thống là Donald Trump và Hillary Clinton đều đang thể hiện xu hướng chống lại vấn đề tự do thương mại, vànghiêng về chủ nghĩa bảo hộ với những mức độ khác nhau. Cả ông Trump lẫn bà Clinton đều phản đối TPP – một hiệp định thương mại tự do quan trọng, và đều công khai tuyên bố những kế hoạch có xu hướng bảo hộ rõ rệt: tăng mức áp thuế với hàng xuất khẩu của nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển địa điểm sản xuất về trong nước. Bất kể kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này như thế nào chăng nữa, thì việc nước Mỹ sẽ có một tổng thống có xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ trong ít nhất 4 năm tới là điều gần như chắc chắn.

Trên thực tế Mỹ không phải là trường hợp duy nhất xuất hiện dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại nền kinh tế số hai thế giới là Trung Quốc, theo một cách tinh vi hơn. Trung Quốc không tăng mức áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, mà chủ trương giảm nhập khẩu và gây khó dễ cho các công ty, nhà đầu tư nước ngoài trong việc thâm nhập thị trường 1,3 tỉdân của nước này. Trong khi đó Trung Quốclại tìm mọi cách gia tăng kim ngạch xuất khẩu bằng các biện pháp trợ giá từ phía chính phủ. Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc cho chúng ta một hình dung về một biến thể của chủ nghĩa trọng thương rất thịnh hành ở thế kỷ 16-17 tại châu Âu, trong đó chính phủ tìm mọi cách để hạn chế nhập khẩu, dành thị phần của thị trường trong nước cho các doanh nghiệp nội địa, trong khi lại tìm cách xuất khẩu tối đa sang các thị trường khác. Đây cũng có thể xem như một dạng của chủ nghĩa bảo hộ và hạn chế tự do thương mại. Không chỉ Mỹ và Trung Quốc, khá nhiều nền kinh tế lớn khác cũng tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả mà các hiệp định thương mại tự do đem lại, điển hình như Canada, Anh hay thậm chí là Australia và Ấn Độ.

Vậy, đâu là lý do khiến chủ nghĩa bảo hộ đang dần quay trở lại tại các nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi mà nền kinh tế thế giới vẫn đang trì trệ và tự do thương mại vẫn được miêu tả như chiếc đũa thần có thể đem lại sự hồi phục cho kinh tế toàn cầu? Câu trả lời có lẽ nằm ở việc: các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế lớn nhất thế giới đã không còn đặt nhiều niềm tin vào hiệu quả của tự do thương mại nữa. Lý do khiến các chính khách như Donald Trump hay Hillary Clinton phản đối TPP có lẽ chỉ là để tranh thủ sự ủng hộ của một bộ phận lớn người dân Mỹ, những người đã mất hàng triệu việc làm vào tay Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác do tác động của thương mại tự do. Nhưng tại các quốc gia được xem là hưởng lợi từ thương mại tự do như Trung Quốc, tình trạng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ này cũng đang diễn ra. Một thực tế là đã 7 năm trôi qua kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009, và tự do thương mại đã được tạo điều kiện tối đa với hàng loạt các FTA lớn giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới được ký kết, nhưng kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, thậm chí đang có xu hướng rơi dần vào trì trệ.

Điều này dẫn tới việc một số nền kinh tế có xu hướng quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ ở một mức độ nhất định với hy vọng có thể thúc đẩy nền kinh tế hồi phục nhanh hơn. Một số lý thuyết kinh tế ủng hộ giải pháp này. Nếu một nền kinh tế lớn áp dụng một số biện pháp bảo hộ, chẳng hạn như Mỹ, bằng cách tăng mức đánh thuế với hàng nhập khẩu nước ngoài, khiến cho người dân buộc phải chuyển sang sử dụng hàng hóa do các công ty trong nước sản xuất. Điều này có thể tạo nên áp lực tăng giá lên hàng hóa và sẽ rất hữu ích trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nguy cơ giảm phát. Vì giá hàng hóa cao hơn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp trong nước nâng cao sản xuất và chi tiêu hộ gia đình cũng sẽ tăng theo. Đó có thể sẽ là một liều thuốc rất hữu ích cho các nền kinh tế đang vật vã với tình trạng tăng trưởng chậm và suy giảm mạnh như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc; dù liều thuốc này tương đối đắng. Trên thực tế vẫn còn một số giải pháp khác có chức năng tương tự, chẳng hạn như các chính sách tài khóa đơn giản như cắt giảm thuế và tăng chi tiêu công; nhưng các giải pháp này cũng đang bị đặt những dấu hỏi lớn về hiệu quả trên thực tế và một số nguy cơ đi kèm như làm gia tăng nợ công.

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chủ nghĩa bảo hộ toàn diện sẽ quay trở lại, khi mà hệ thống thương mại tự do toàn cầu vẫn đang là đòn bẩy tăng trưởng chủ yếu với các nền kinh tế khắp thế giới. Nhưng rõ ràng, việc kết hợp sử dụng ở một mức độ nhất định các biện pháp bảo hộ có thể đem lại một lời giải khả dĩ hơn cho việc phục hồi nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế thế giới đang trì trệ khiến cho tác dụng của thương mại tự do giảm đi đáng kể.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/Nghiencuuquocte)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại trong nền kinh tế thế giới