Bệnh dại ở người do bị chó mèo dại cắn đang gia tăng đột biến, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có hàng chục người tử vong bởi bệnh này.
Thông tin Y học

Khẩn cấp bố trí ít nhất 1 điểm tiêm phòng bệnh dại tại mỗi huyện

Hồ Quang 15/03/2024 15:45

Bệnh dại ở người do bị chó mèo dại cắn đang gia tăng đột biến, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024 đã có hàng chục người tử vong bởi bệnh này.

Ngày 15.3, Bộ Y tế đã ra công văn khẩn đề nghị các địa phương triển khai những biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại.

Theo đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan ở địa phương thực hiện nghiêm quy định tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ.

bo-y-te-bo-tri-it-nhat-1-diem-tiem-phong-dai-tai-moi-huyen-hinh-anh.jpg
Các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định tiêm vắc xin dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi - Ảnh: PV

Các địa phương chủ động giám sát chặt chẽ những trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, và xử lý ổ dịch kịp thời. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành y tế và thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.

Đặc biệt, các tỉnh thành phải đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao; bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế ở các điểm tiêm vắc xin phòng dại về các kỹ năng tư vấn, xử trí các trường hợp bị động vật cắn.

Ngoài ra, các địa phương phải đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại; kịp thời chia sẻ thông tin để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh và vận động người dân kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là tại các địa phương có trường hợp tử vong do dại và có tỷ lệ tiêm phòng trên chó, mèo thấp.

Tăng cường công tác truyền thông trong trường học cho trẻ em, học sinh; truyền thông đại chúng, truyền thông trực tiếp và truyền thông qua hệ thống tuyên truyền cơ sở tại vùng sâu vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và lưu ý việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.

Các địa phương bố trí kinh phí để triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động phòng chống bệnh dại trên người và động vật, huy động sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong công tác phòng chống bệnh dại.

Trước đó, Cục Y tế Dự phòng ( Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến, chỉ trong 2 tháng đầu năm đã có 22 trường hợp bệnh nhân tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin phòng dại còn thấp, chỉ đạt khoảng 50% tổng đàn dẫn đến gia tăng số ca bệnh dại trên động vật.

Theo báo cáo từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2023 ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh thành; từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận 45 ca tại 22 tỉnh thành, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ năm 2023.

Bài liên quan
Phấn đấu đến năm 2030 không còn người tử vong do bệnh dại
Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 82 người tử vong do bệnh dại và khoảng 500.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng, gây thiệt hại khoảng 700 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khẩn cấp bố trí ít nhất 1 điểm tiêm phòng bệnh dại tại mỗi huyện