Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã phản đối các hành động vũ lực tại Ukraine, đồng thời nói rằng Iran đang là nạn nhân của chủ nghĩa bá quyền.
Ông Raisi nhấn mạnh Iran ủng hộ mọi nỗ lực ngoại giao dẫn đến giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, đồng thời sẵn sàng phát huy vai trò của để khôi phục hòa bình cho đất nước này.
Ông Raisi tuyên bố: "Iran, dựa trên sự nhất quán trong chính sách đối ngoại của mình, phản đối bá quyền và áp đặt, đồng thời ủng hộ quyền tự quyết của tất cả các dân tộc".
Ông nói thêm: "Iran hiểu rõ những lo ngại về an ninh trong nhiều thập kỷ về tham vọng bành trướng của NATO", nhưng đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của tất cả các nước trên thế giới.
Tổng thống Iran nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo toàn tính mạng và tài sản của công dân cũng như các bên phải tuân theo luật pháp quốc tế và nhân quyền.
Trong những ngày gần đây, Iran đã đổ lỗi cho Mỹ và NATO về tình hình hiện tại ở Ukraine. Lập trường của các quan chức chính phủ Iran và truyền thông Iran ủng hộ các cáo buộc của Nga đối với phương Tây.
Hồi thứ năm tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Hossein Amirabdollahian, trong phản ứng đầu tiên sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông cho biết: cuộc khủng hoảng "bắt nguồn từ các hành động khiêu khích của NATO".
Ông đã tweet rằng Iran không coi chiến tranh là một giải pháp, và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức để tìm kiếm một "giải pháp chính trị và dân chủ".
Trong một tuyên bố tương tự nhưng dài hơn một chút, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nói thêm rằng “khu vực Á-Âu đang trên đà bước vào một cuộc khủng hoảng lan rộng” do các phong trào của NATO do Mỹ khởi xướng.
Trong khi đó, giới phân tích lo ngại căng thẳng Ukraine sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran.
Thỏa thuận hạt nhân được Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết năm 2015. Tháng 5.2018, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Sau đó khoảng 1 năm, Tehran cũng ngừng một số cam kết hạt nhân và tái khởi động các chương trình hạt nhân của mình.
Trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng, từ tháng 4.2021, Iran và nhóm P5+1đã nối lại đàm phán tại Vienna (Áo) để tìm cách khôi phục thỏa thuận, trong khi Mỹ không tham gia trực tiếp mà thông qua vai trò trung gian của Liên minh châu Âu (EU). Trước khi các cuộc đàm phán được nối lại, Tehran đã cảnh báo rằng việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ là “lằn ranh đỏ” để đưa thỏa thuận trở lại đúng hướng.
Trải qua 8 vòng đàm phán, các cuộc thảo luận về thỏa thuận Iran dường như đang trên đà thành công. Hầu hết các vấn đề đã được thống nhất để khôi phục JCPOA, nhưng các đặc phái viên từ Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, và Mỹ cho rằng vẫn còn một số vấn đề hóc búa cần phải bàn thảo chi tiết hơn.
Hôm qua, 28.2, các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 được nối lại, ngay khi Trưởng đoàn đàm phán Iran Ali Bagheri trở lại Vienna sau một thời gian về nước tham vấn. Trước giờ đàm phán, Iran tiếp tục hối thúc các nước phương Tây đưa ra “những quyết định chính trị” để có thể ký được thỏa thuận trong thời gian sớm nhất.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đã kêu gọi các nước phương Tây tham gia đàm phán ở Vienna (Áo) đưa ra “những quyết định chính trị” để giải quyết 3 bất đồng lớn còn tồn tại. Đó là các lệnh trừng phạt phải được rút lại; Mỹ cam kết sẽ không từ bỏ hiệp ước thêm một lần nữa và giải quyết các câu hỏi xoay quanh dấu vết urani được tìm thấy tại một số địa điểm cũ nhưng chưa khai báo ở Iran.
Theo ông Saeed Khatibzadeh, nếu 3 bất đồng trên được giải quyết, sẽ có một thỏa thuận tốt cho các bên và các nước phương Tây (Mỹ và 3 nước châu Âu) cần đưa ra quyết định chính trị trong các vấn đề này.
Về phần Mỹ, trong ngày 28.2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Price cho rằng các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang ở giai đoạn quyết định và Mỹ muốn thấy sự rõ ràng hơn từ phía Iran trong việc thúc đẩy đàm phán đạt tiến triển. Washington và các đồng minh cũng đã chuẩn bị kế hoạch B trong trường hợp đàm phán không thành công.
Vào thời điểm này, với việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa và đe dọa thử vũ khí hạt nhân trong khi Thỏa thuận hạt nhân với Iran đang ở giai đoạn then chốt thì Mỹ hiểu rằng họ vẫn cần sự hợp tác từ Nga để giải quyết nhiều điểm nóng trên thế giới.