Rủi ro nợ doanh nghiệp của Trung Quốc có thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn nếu chính quyền nước này không thể giải quyết vấn đề, Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF cảnh báo.
Dự báo nguy hiểm mới nhất về nền kinh tế Trung Quốc là sự phình to của khối nợ của nước này, khi tổng số nợ vay của Trung Quốc đã ở mức 237% so với tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong quý 1 năm nay.
Lý do của việc các khoản nợ tại Trung Quốc ngày càng phình to là chính sách cho vay của chính phủ Trung Quốc nhằm để kích thích nền kinh tế vốnđang bị suy giảm tốc độ tăng trưởng của nước này.
"Nợ doanh nghiệp vẫn đang là một vấn đề nghiêm trọng và ngày càng có xu hướng tăng. Trung Quốc phải giải quyết ngay lập tức vấn đề này với các cam kết nghiêm túc", ông David Lipton, Phó tổng giám đốc IMF tuyên bố ngày 10.6 tại Thẩm Quyến, sau chuyến thanh tra mới nhất về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc của IMF.
"Chúng tôi đã học được trong suốt 20 năm qua rằng sự gián đoạn của một nền kinh tế và một thị trường của quốc gia có thể ảnh hưởng chấn động tới toàn thế giới như thế nào", ông Lipton nói, nhắc nhở về sự suy giảm sản xuất công nghiệp của Trung Quốc từ năm ngoái đã ảnh hưởng đến toàn cầu.
"Vấn đề nợ của các doanh nghiệp hiện tại có thể sẽ trở thành vấn đề nợ của cả hệ thống trong tương lai. Các vấn đề nợ chồng chất có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế hoặc gây khủng hoảng cho ngành ngân hàng. Hoặc là cả hai”, ông Lipton khẳng định và cảnh báo nguy cơ của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Ông Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từ lâu đã cảnh báo sự nguy hiểm của nợ công ty quá cao đối với nền kinh tế nước này.
Trong một báo cáo (cứ 3tháng một lần)công bố vào tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cảnh báo rằng các nỗ lực của chính phủ để giảm mức nợ và đầu tư quá mức sẽ làm tăng nguy cơ thiếu hụt vốn, các doanh nghiệp gặp khó khăn khi cần huy động vốn.
Thậm chí, theo chính Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nếu không giải quyết vấn đề nợ trong thời gian tới, có thể sẽ cómột cuộc khủng hoảng tài chính "có hệ thống" tại Trung Quốc.
Theo đánh giá của IMF, các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 55% tổng số nợ của Trung Quốc, nhưng chỉ chiếm 22% sản xuất trên toàn quốc, một phần vì các doanh nghiệp này còn có thêm nhiệm vụ "hỗ trợ đời sống" của người dân.
"Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại, sự kết hợp giữa giảm doanh thu và nợ tăng cao sẽ làm giảm khả năng trả nợ của các công ty. Các ngân hàng đang nắm giữ quá nhiều nợ vay và sự bùng nổ tín dụng hồi năm ngoái chỉ làm tăng nguy cơ thêm", ông Lipton cảnh báo.
Ông Zhang Tao, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nói hôm 12.6 tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải là Trung Quốc đã sẵn sàng cho các công ty, ngân hànghoạt động không hiệu quả phá sản.
"Bất kỳ một ngành công nghiệp nào mà thiếu các cơ chế để thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh và loại bỏ những kẻ thua cuộc đềukhông thể phát triển lành mạnh và bền vững", ông Zhang nói.
"Chúng tôi sẽ cho các tổ chức tài chính phá sản một cách trật tự, cơ cấu lại các ngân hàng cần cơ cấu, đóng cửa những ngân hàng cần đóng cửa và tăng cường kỷ cương".
Thiên Hà (theo Financial Times)
Ảnh: Ông David Lipton Phó tổng giám đốc IMF