Bộ Tài chính cho biết việc triển khai cổ phần hóa cũng như thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay còn chậm và chưa đạt tiến độ.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, giải pháp quản lý sử dụng vốn nhà nước và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016. Theo đó, cả nước cổ phần hóa được 570 DN, tổng giá trị thực tế của các DN là 797.000 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 214.000 tỉ đồng. Tổng số vốn điều lệ theo phương án được duyệt là 223.000 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước nắm giữ là 141.000 tỉ đồng, chiếm 63%. Còn lại bán cho cổ đông chiến lược 39.000 tỉ đồng; bán cho người lao động 4.400 tỉ đồng; bán cho tổ chức Công đoàn 1.135 tỉ đồng và bán đấu giá công khai 37.000 tỉ đồng. Cũng trong giai đoạn này thoái vốn giai đoạn 2011-16 cả nước thoái được 11.500 tỉ đồng, thu về 11.100 tỉ đồng.
Sang giai đoạn 2017-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cả nước phải cổ phần hóa 127 DN. Cụ thể, riêng năm 2017 là 44 DN, năm 2018 là 64 DN, năm 2019 là 18 DN và năm 2020 là 1 DN. Năm 2017 vừa qua, 69 DN đã thực hiện cổ phần hóa, theo phương án được duyệt là vốn điều lệ 161.000 tỉ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 85.365 tỉ đồng. Thoái vốn năm 2017 theo giá sổ sách là 8.900 tỉ đồng, thu về 139.000 tỉ đồng, chủ yếu từ 2 DN lớn là Tổng công ty CP Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Trong 5 tháng đầu năm 2018, có 5 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị DN là 8.752 tỉ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỉ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 3.131 tỉ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 1.509 tỉ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 211 tỉ đồng; đấu giá công khai 1.371 tỉ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 38 tỉ đồng và tổ chức công đoàn 868 triệu đồng). Trong 5 tháng qua, các DN đã thoái được 1.469 tỉ đồng, thu về 3.973 tỉ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Mía đường II (thoái 636 tỉ đồng, thu về 663 tỉ đồng), các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 832 tỉ đồng, thu về 3.310 tỉ đồng.
"Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa cũng như thoái vốn tại các DNNN hiện vẫn còn chậm và chưa đạt tiến độ", Bộ Tài chính nhận định
Phân tích nguyên nhân của việc chậm trễ, ông Trần Văn Hiền - Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết: Thực ra, nói về cơ chế, chính sách cho cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016-2020 đến giờ phút này đã cơ bản hoàn thành. Ví dụ như Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn chi tiết các quy định của Nghị định này để tạo cơ sở pháp lý cho các DN thực hiện cổ phần hóa. 5 tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã ban hành 7 Nghị định phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN, gồm 06 Nghị định về điều lệ và tổ chức hoạt động của 4 Tập đoàn (Dầu khí, Hóa chất, Điện lực, Viễn thông quân đội) và 2 Tổng công ty (Đường sắt, Lương thực miền Bắc) và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN,...
Tuy cơ chế chính sách đã có nhưng việc thực hiện vẫn chậm tiến độ, theo ông Hiền là có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân căn bản nhất là giai đoạn này, các DN tham gia cổ phần hóa đều có quy mô rất lớn, các tổng công ty, tập đoàn hầu hết có vốn nhà nước lên đến hàng chục hoặc hơn chục nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó, theo quy định mới, DN cổ phần hóa không phải điều chỉnh lại sổ sách kế toán như trước đây nên buộc các DN phải xử lý tài chính, lập phương án xử lý đất đai trước khi xác định giá trị DN. Quá trình này tốn khá nhiều thời gian.
Song về phía DN, lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp cho rằng các tập đoàn, tổng công ty, chủ sở hữu có DNNN cổ phần hóa phải đẩy nhanh xử lý tài chính, lập phương án sử dụng đất, tiến hành khẩn trương các bước cổ phần hóa để thực hiện theo đúng quy định. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì thì đề nghị các tập đoàn, tổng công ty, chủ sở hữu của DNNN báo cáo ngay với các cấp có thẩm quyền để kịp thời xử lý hoặc báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để xem xét, tháo gỡ.
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập DN; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập, công tác cán bộ, cổ phần hóa, thoái vốn; chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đối với người lao động và lao động dôi dư trong DN nhà nước thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó có người quản lý, điều hành DN; Áp dụng các nguyên tắc quản trị DN theo thông lệ quốc tế.
Tuyết Nhung