Các ngành nghề được kỳ vọng cho đặc khu quá nhiều và khi quá nhiều ngành nghề cùng đặt trong một chỗ và cùng hưởng ưu đãi như nhau thì chắc chắn người ta sẽ chọn những ngành nào ngon lành nhất người ta đầu tư, ví dụ như casino, bất động sản, nghỉ dưỡng… thay vì công nghệ cao”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Bà Phạm Chi Lan: Nếu ưu đãi như nhau ở đặc khu, người ta sẽ chọn lĩnh vực 'ngon' như casino, nghỉ dưỡng

23/05/2018, 13:20

Các ngành nghề được kỳ vọng cho đặc khu quá nhiều và khi quá nhiều ngành nghề cùng đặt trong một chỗ và cùng hưởng ưu đãi như nhau thì chắc chắn người ta sẽ chọn những ngành nào ngon lành nhất người ta đầu tư, ví dụ như casino, bất động sản, nghỉ dưỡng… thay vì công nghệ cao”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - Ảnh: Cafef

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới khi dự luật về đặc khu đang được Quốc hội thảo luận, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ nhiều lo ngại.

- Thưa bà, trong bối cảnh thế giới ngày càng hội nhập, Việt Nam cũng tham gia hàng chục hiệp định thương mại tự do với thế giới với hàng loạt ưu đãi lẫn nhau, vậy liệu xây dựng các đặc khu hiện nay có còn phù hợp không?

Tôi nghĩ ý tưởng xây dựng đặc khu để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài và một phần đầu tư trong nước hiện nay là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, vấn đề chính là thiết kế đặc khu thế nào, ưu đãi những gì… Nếu không cẩn trọng thì lợi bất cập hại.

- Nói về ưu đãi, một chuyên gia của Ngân hàng thế giới đang lo ngại một “cuộc đua xuống đáy”. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, xé rào chính sách. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Tôi hoàn toàn tán thành điều đó. Quan sát ở Việt Nam lâu nay thì ưu đãi về thuế đã là cuộc đua xuống đáy rồi. Ví dụ các đặc khu ở Trung Quốc, họ chỉ miễn thuế trong 2 năm đầu và giảm thuế trong 3 năm tiếp theo, tổng thời gian là 5 năm để hoàn thành nhà máy. Trong khi Việt Nam thì ưu đãi thuế, miễn thuê lên tới 10 năm. Đây là thời gian rất dài.

Bên cạnh đó, quyền ưu đãi thuế bao nhiêu là do chính quyền đặc khu, nên có thể giữa các đặc khu còn cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư. Điều này có thể gây ra nhiều tác động không mong muốn.

Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập thì chuyện ưu đãi cũng rất nhạy cảm, nếu không cẩn trọng sẽ vi phạm những quy định về đối xử tối huệ quốc, bình đẳng giữa các nhà đầu tư với nhau.

Chúng ta dành cho những nhà đầu tư trong đặc khu những ưu đãi rất lớn sẽ dễ gây bất bình đẳng với các nhà đầu tư ngoài đặc khu, các nhà đầu tư có thể sẽ có ý kiến.

Còn đối với nền kinh tế trong nước, nếu ưu đãi lớn đến như vậy sẽ gây rủi ro lớn. Chúng ta sẽ mất mát rất nhiều vì ưu đãi thuế, đất đai và nhiều thứ khác cho các nhà đầu tư trong đặc khu. Trong khi đó, Nhà nước sẽ không thu được bao nhiêu thuế ở đây.

Dự thảo luật cũng cho phép đặc khu bội chi trong thời gian khá dài và cam kết đầu tư cho các đặc khu một nguồn lực rất lớn, gần 1,5 triệu tỉ đồng, trong khi ngân sách hiện rất eo hẹp. Đáng lẽ Nhà nước cần phải đầu tư cho các vùng khó khăn thì lại ưu đãi đầu tư cho người giàu. Tức là vẫn lấy của người nghèo cho người giàu, trong khi chưa có gì đảm bảo với những ưu đãi này, các nhà đầu tư vào sẽ mang lại những lợi ích gì cho nền kinh tế, ngoài việc tạo nên bức tranh tăng trưởng GDP cao lên.

- Nhiều ý kiến cho rằng các ngành nghề được ưu tiên phát triển ở các đặc khu quá nhiều và dàn trải. Quan điểm của bà thế nào?

Tôi nghĩ các ngành nghề được kỳ vọng cho đặc khu quá nhiều và khi quá nhiều ngành nghề cùng đặt trong một chỗ và cùng hưởng ưu đãi như nhau thì chắc chắn người ta sẽ chọn những ngành nào ngon lành nhất người ta đầu tư, ví dụ như casino, bất động sản, nghỉ dưỡng… chẳng hạn.

Trước nay, một vài nhà đầu tư ngoài đặc khu họ vận động rất mạnh cho việc người dân Việt Nam được tham gia đánh bạc tại casino như Hồ Tràm. Bây giờ, nếu ưu đãi casino trong đặc khu thì có 3 casino mọc lên với ưu đãi lớn, chỉ yêu cầu 40.000 tỉ đồng đầu tư. Mà thực tế, trước nay họ đầu tư vào bao nhiêu chúng ta đầu có giám sát được, họ nói 40.000 tỉ thì biết 40.000 tỉ, trong khi có khi thực tế chỉ khoảng 20.000 tỉ đồng.

Thậm chí, 20.000 tỉ đồng này lại được quyền vay từ các ngân hàng, các quỹ trong nước. Những điều này làm cho người ta vét nguồn tài chính trong nước vốn đang eo hẹp.

Các nhà đầu tư chỉ dồn vào một số ngành nghề thì những ngành nghề khác lại bị bỏ qua, như công nghệ cao chẳng hạn. Đây là cái chúng ta khó thu hút lâu nay. Lĩnh vực này đáng ra được ưu đãi nhiều nhất thì chúng ta lại ưu đãi một mặt bằng như với casino. Casino kiếm lời dễ hơn nhiều nên họ sẽ chọn casino.

Hơn nữa, casino và công nghệ cao cũng khó ở cùng một địa điểm. Casino là nơi đánh bạc, giải trí và có thể kéo theo nhiều thứ tiêu cực, không tạo ra được môi trường cần thiết cho đầu tư công nghệ cao.

Việc cho ưu đãi quá nhiều ngành nghề, ưu đãi tương tự như nhau và cùng nhét vào một nơi thì sẽ phát triển rất dàn trải, không có trọng tâm.

- Vậy theo bà, đặc khu cần ưu tiên phát triển ngành nào?

Tôi vẫn mong các đặc khu ưu đãi tối đa cho công nghệ cao, ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, y tế, quản trị… Chúng ta cũng đang hướng tới việc phát triển các ngành công nghệ cao, chiến lược phải đi cùng với chính sách.

Công nghệ cao đang được đưa vào dự thảo luật có vẻ mang tính chất trang trí để đặc khu có nhiều ưu đãi hơn chứ thực chất nó chỉ cuốn hút nhà đầu tư bất động sản, nghỉ dưỡng.

- Tuy nhiên, 3 vị trí được ấn định làm đặc khu như dự thảo luật dường như không phù hợp để phát triển công nghệ cao?

Công nghệ cao phải tập trung ở các đô thị lớn, có nhiều đại học, viện nghiên cứu,có thể kết nối với các vùng xung quanh để ứng dụng công nghệ cao đó. Công nghệ cao cần ở những nơi tập trung nhân lực chất lượng cao như Hòa Lạc (Hà Nội) hay Quang Trung (TP.HCM).

Công nghệ cao ở Hòa Lạc 20 năm nay chưa phát triển được, nhưng vừa rồi Quốc hội có cuộc làm việc, phát hiện thấy có 13 quy định đang cản trở việc phát triển, bây giờ cần thiết phải tháo gỡ.

Do đó, tôi rất thiên về việc có luật đặc khu chung, sau đó đưa ra khuôn khổ pháp lý, ưu đãi cho các đặc khu. Căn cứ vào đó, Chính phủ đề xuất từng trường hợp làm đặc khu và Quốc hội thông qua bằng nghị quyết của mình thay vì quy định cứng một luật đặc khu dành cho 3 địa phương trên.

Ví dụ với Phú Quốc, Chính phủ có thể đề xuất đây là đặc khu tập trung cao độ về thu hút du lịch. Theo đó, cần tập trung những ngành nghề gì và đi kèm với du lịch là những gì, lợi ích nhà nước có thể đạt được là gì.

Như Phú Quốc hiện nay, chưa cần ưu đãi về thuế, đất thì các đại gia đã đầu tư rất nhiều rồi, cho nên không cần ưu đãi quá nhiều, không tốn nhiều tiền, chỉ cần hoàn thiện chính sách. Từ kinh nghiệm du lịch của Phú Quốc có thể phát triển du lịch ở các địa phương khác.

Hay như với Vân Phong, khu vực này có lợi thế về cảng trung chuyển, logistics thì tập trung đầu tư. Cách đầu tư này sẽ tập trung hơn nhiều, không bị dàn trải cho nền kinh tế chứ không nên ấn định 3 đặc khu như hiện nay với rất nhiều ngành nghề ưu tiên.

Một căn bệnh lớn của Việt Nam lâu nay là đầu tư dàn trải. Đầu tư công đã có biết bao bao nhiêu bài học, gây tổn thất, lãng phí của đất nước rất nhiều, bây giờ làm 3 đặc khu mà cũng dàn trải thì lặp lại sai lầm bao lâu nay.

- Quan điểm của bà về đề xuất cho thuê đất lên tới 99 năm trong dự thảo luật này?

Dứt khoát phải bỏ quy định này. Bây giờ là thời đại của 4.0, hội nhập, công nghệ làm thay đổi thị trường rất nhanh, chẳng có sản phẩm nào tính sẽ tồn tại 99 năm cả. Ngay như dệt may, trong 10 năm tới, ngành dệt may có thể mất tới 80% việc làm với tự động hóa. Một sản phẩm phải thay đổi nhờ vào công nghệ, nếu không thay đổi thì bị đào thải.

Nếu cho thuê trong một thời gian dài sẽ rất rủi ro. Nhà đầu tư sẽ chuyển nhượng giữa chừng nếu họ thấy sản phẩm của họ hết tuổi thọ.

Chưa kể, việc này còn liên quan đến an ninh quốc phòng. Có những nước không chỉ có tham vọng kinh tế đơn thuần mà còn tham vọng lãnh thổ chứ không đơn giản.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà Phạm Chi Lan: Nếu ưu đãi như nhau ở đặc khu, người ta sẽ chọn lĩnh vực 'ngon' như casino, nghỉ dưỡng