Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, chỉ cần có ít nhất hai triệu chứng trở lên là được xem như ca nghi mắc COVID-19.

Hướng dẫn mới của Bộ Y tế: Có 2 trong các biểu hiện sau được xem là ca nghi mắc COVID-19

P.V | 01/08/2021, 12:46

Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, chỉ cần có ít nhất hai triệu chứng trở lên là được xem như ca nghi mắc COVID-19.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3638/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19, thay thế cho Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7.8.2020 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19.

Hướng dẫn tạm thời theo Quyết định 3638 này được xây dựng cập nhật qua hoạt động thực tiễn với các nội dung giám sát và các hoạt động phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.

Một số định nghĩa liên quan đến COVID-19 đã được Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung so với quy định tại quyết định cũ. Trong đó, ca bệnh nghi ngờ được hiểu là người có ít nhất 2 trong số các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm, mất vị giác hoặc khứu giác hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Trong khi với Quyết định cũ 3468, ca bệnh nghi ngờ phải có ít nhất 1 trong các triệu chứng (sốt; ho; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc viêm phổi) và phải có tiền sử đến/qua/ở/về từ quốc gia, ổ dịch đang hoạt động ở Việt Nam hoặc tiếp xúc với ca bệnh xác định hoặc bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày.

Các dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS- CoV-2, bao gồm: 

1. Ho

2. Sốt (trên 37,5 độ C)

3. Đau đầu

4. Đau họng, rát họng

5. Sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi

6. Khó thở

7. Đau ngực, tức ngực

8. Đau mỏi người, đau cơ

9. Mất vị giác

10. Mất khứu giác

11. Đau bụng, buồn nôn

12. Tiêu chảy

(Trích Tiêu chí phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 Bộ Y tế ban hành ngày 31.7)

Phần lớn (khoảng 60%) người nhiễm virus này không có biểu hiện lâm sàng, trong khi đó, theo Quyết định số 3468/QĐ-BYT (ban hành tháng 8.2020), tỷ lệ này chỉ khoảng 40%.

Cách xác định các đối tượng tiếp xúc gần F1, F2

Theo Quyết định mới 3638 này, ca bệnh xác định (F0) là người có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 qua phát hiện vật liệu di truyền của vi rút được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Ngoài ra, trường hợp tiếp xúc gần (F1) cũng được phân loại cụ thể đối với F0 có triệu chứng và F0 không có triệu chứng (khác với Quyết định cũ 3468).

Theo đó, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí... hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Cụ thể, việc xác định F1 đối với F0 có triệu chứng là trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng như: Mệt mỏi; chán ăn; đau người; gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt; ho; đau họng...

Việc xác định F1 đối với F0 không có triệu chứng: Đó là nếu F0 đã xác định được nguồn lây (trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế); nếu F0 chưa xác định được nguồn lây (trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế).

Ngoài ra, Quyết định 3638 cũng quy định, một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm: Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng; người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh; người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc; người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: Nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông...

Cũng theo quyết định mới này, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 7.2021, Việt Nam đã có 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2 gồm các chủng phổ biến tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ.

Riêng trong đợt dịch từ ngày 27.4 đến nay nước ta đã ghi nhận 2 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh), trong đó biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh được WHO xếp vào nhóm "biến chủng gây quan ngại" có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha.

 

 

Bài liên quan
Bộ Y tế lên tiếng về phương pháp định giá khám, chữa bệnh theo Thông tư 21
Theo Thông tư 21, các cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng hồ sơ phương án giá theo phương pháp chi phí giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành, chỉ điều chỉnh yếu tố mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng dẫn mới của Bộ Y tế: Có 2 trong các biểu hiện sau được xem là ca nghi mắc COVID-19