Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khoản vay 102 triệu USD (tương đương với khoảng 2.300 tỉ đồng) sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới...

WB duyệt khoản vay 2.300 tỉ đồng giúp VN giảm nhu cầu xây nhà máy nhiệt điện

tuyetnhung | 18/04/2017, 05:02

Theo Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khoản vay 102 triệu USD (tương đương với khoảng 2.300 tỉ đồng) sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới...

Ban Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) vừa qua đã duyệt khoản vay 102 triệu USD (tương đương với khoảng 2.300 tỉ đồng) cho Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ nỗ lực của các doanh nghiệp công nghiệp áp dụng công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Theo đó, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp cận được nguồn vốn mới để đầu tư công nghệ hiệu quả năng lượng, và tối ưu hóa sản xuất, qua đó giảm tiêu thụ năng lượng và chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi cam kết hỗ trợ để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng trong tương lai, và việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là lựa chọn tốt nhất và rẻ nhất bởi vì nó sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới, đồng thời giảm ô nhiễm và giảm nhẹ rủi ro của biến đổi khí hậu. Nếu các chương trình và chính sách mạnh mẽ hơn được đưa ra, các doanh nghiệp cũng sẽ có động cơ để cắt giảm lãng phí năng lượng và áp dụng các công nghệ hiệu quả năng lượng hơn".

Nguồn vốn vay của dự án sẽ được cung cấp cho các tổ chức tài chính tham gia dự án, sau đó các tổ chức này sẽ cho các doanh nghiệp công nghiệp vay lại để đầu tư cho các tiểu dự án tiết kiệm năng lượng.

Trong tổng số vốn 158 triệu USD của dự án, 100 triệu USD sẽ đến từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới - nguồn tài chính cho các quốc gia có thu nhập trung bình, và 1,7 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế - nguồn quỹ của Ngân hàng Thế giới dành cho các nước nghèo nhất. Phần còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam, từ các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp công nghiệp tham gia vào dự án.

Hiện nay, vấn đề tiết kiệm năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm mạnh mẽ. Bởi lẽ trong những năm qua, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nước ta đang gia tăng mạnh. Do đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang là một trong những việc làm hết sức cần thiết và cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai trong bối cảnh khung pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách về tài chính chưa hoàn thiện, thiếu những kinh nghiệm xây dựng các mô hình tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn đang là một trong những trở ngại thực thi chương trình tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Đáng chú ý, hạn chế về nguồn ngân sách và nhân lực trong khi chương trình phải thực hiện trên phạm vi rộng và đa dạng trong nhiều ngành nghề cũng đang là rào cản lớn của Việt Nam.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
WB duyệt khoản vay 2.300 tỉ đồng giúp VN giảm nhu cầu xây nhà máy nhiệt điện