CropWatch, hệ thống giám sát nông nghiệp từ xa hàng đầu Trung Quốc, trang bị cho các nước đang phát triển những công cụ để phá vỡ rào cản thông tin trong nông nghiệp, thách thức các quy tắc do các nước phương Tây chi phối về thực phẩm.

Hơn 160 nước tham gia cuộc chiến công nghệ của Trung Quốc với phương Tây về thực phẩm

Sơn Vân | 28/11/2023, 13:59

CropWatch, hệ thống giám sát nông nghiệp từ xa hàng đầu Trung Quốc, trang bị cho các nước đang phát triển những công cụ để phá vỡ rào cản thông tin trong nông nghiệp, thách thức các quy tắc do các nước phương Tây chi phối về thực phẩm.

CropWatch được phát triển lần đầu tiên vào năm 1998 bởi một nhóm từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS). Ban đầu được thiết kế để sử dụng trong gia đình, giờ đây CropWatch đã trở thành một sáng kiến toàn cầu và được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Hệ thống phân tích dữ liệu từ vệ tinh và trạm mặt đất để cung cấp cái nhìn sâu sắc về năng suất cây trồng cùng những thay đổi môi trường, đồng thời đưa ra phân tích xu hướng nông nghiệp, đăng thông báo nhiều lần trong năm về xu hướng nông nghiệp toàn cầu.

Hầu hết các quốc gia trước đây đều dựa vào hai hệ thống lớn giám sát nông nghiệp từ xa do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) điều hành để dự đoán sự tăng giảm của giá lương thực trên thị trường toàn cầu.

Năm 2012, CAS tuyên bố sự phát triển của CropWatch cho phép Trung Quốc “tránh bị đánh lừa bởi thông tin dự báo nước ngoài trong các quyết định thị trường”.

Giờ đây, nhóm nghiên cứu CropWatch đã tìm cách chuyển giao công nghệ này cho các quốc gia đang phát triển.

Vào tháng 8, nhóm đằng sau CropWatch đã tổ chức một hội thảo tại Mauritius cho hàng chục quốc gia đang phát triển về việc triển khai và tiến độ của hệ thống, phối hợp với Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

“An ninh lương thực đòi hỏi sự minh bạch thông tin”, Wu Bingfang, người đứng đầu nhóm CropWatch kiêm giáo sư tại Viện Viễn thám và Trái đất kỹ thuật số của CAS, nói với tờ China Youth Daily vào tháng trước.

Wu Bingfang tin rằng sự biến động của giá lương thực phần lớn là do “đầu cơ thị trường” và việc thiếu thông tin sẽ ảnh hưởng đến các quyết định trong quy hoạch nông nghiệp cũng như quyết định xuất nhập khẩu.

Hầu hết các nước không có công nghệ hoặc nguồn lực để thiết lập hệ thống giám sát năng suất cây trồng toàn cầu của riêng mình.

Người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) nói với tờ SCMP: “Ước tính chính xác về sản xuất nông nghiệp là một thách thức ngay cả với các quốc gia phát triển cao”.

Theo người phát ngôn WFP, trong quá trình tìm hiểu nông nghiệp, các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với thách thức khác nhau liên quan đến việc thiếu năng lực phân tích và ước tính chính xác sản lượng của mình cũng như thiếu nguồn lực để thực hiện các phân tích.

Linda See, nhà nghiên cứu của Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế, nói với SCMP rằng việc thiếu dữ liệu và nguồn lực để thu thập, phân tích cũng như chuyên môn hoặc năng lực xử lý dữ liệu là những thách thức lớn với giám sát nông nghiệp.

Hệ thống CropWatch dựa trên đám mây kết hợp nhiều chỉ số ở quy mô toàn cầu, quốc gia và khu vực, gồm chỉ số như lượng mưa, diện tích cây trồng, cường độ sử dụng đất, nhiệt độ không khí,… Nó sử dụng giám sát vệ tinh và mặt đất để phân tích sản xuất và điều kiện của các quốc gia chiếm hơn 80% sản lượng ngũ cốc chính trên thế giới.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), việc giám sát cây trồng mà CropWatch cung cấp “làm giảm sự biến động của thị trường thực phẩm” và có thể tùy chỉnh để cho phép các quốc gia tạo ra các chỉ số dựa trên nhu cầu của họ.

Năm 2020, CropWatch đã công bố hợp tác với UNCTAD để “tạo điều kiện và khuyến khích hoạt động giám sát nông nghiệp của 14 quốc gia đang phát triển”. Điều này gồm cả việc cung cấp đào tạo để sử dụng CropWatch cũng như tùy chỉnh hệ thống theo yêu cầu cụ thể của từng quốc gia.

Sự hợp tác đó được tài trợ một phần bởi Liên minh các tổ chức khoa học quốc tế, thành lập để liên kết các đối tác khoa học trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Theo UNCTAD, mục tiêu của quan hệ đối tác là vượt qua thách thức thiếu công cụ và khả năng tiếp cận hệ thống giám sát nông nghiệp để giúp các quốc gia tham gia đạt được mục tiêu phát triển bền vững là không còn nạn đói.

Shamika Sirimanne, Giám đốc công nghệ và hậu cần của UNCTAD, nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4: “Các công nghệ xuất hiện ở những quốc gia đang phát triển phù hợp hơn rất nhiều với điều kiện địa phương và nguồn lực hạn chế của các nước đang phát triển khác”.

Shamika Sirimanne cho biết trong bài phát biểu khai mạc hội thảo vào tháng 8: “Chương trình CropWatch là một mô hình hợp tác giữa các quốc gia đang phát triển. Tập trung vào việc thực hiện bền vững lâu dài của các nước tham gia và thực tế là CropWatch đại diện cho chuyển giao kiến thức, công nghệ thực sự khiến nó trở nên nổi bật. Điều này sẽ cho phép các nước đưa ra các quyết định chính sách dựa trên dữ liệu”.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế, việc không thể dự báo sự thay đổi về giá lương thực khiến các nhà sản xuất gặp khó khăn trong ứng phó với những thay đổi về nguồn cung và khiến các nhà hoạch định chính sách khó hành động.

Hệ thống dựa trên đám mây của CropWatch cho phép các bên liên quan truy cập nền tảng “mà không cần đầu tư thêm vào phần cứng và phần mềm”, điều mà FAO cho biết là những hạn chế chính trong việc xây dựng năng lực giám sát cây trồng ở các quốc gia đang phát triển.

FAO nói thêm rằng việc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin là điều cần thiết để xoa dịu những suy đoán trên thị trường thực phẩm thế giới.

cropwatch-hon-160-nuoc-tham-gia-cuoc-chien-cong-nghe-cua-trung-quoc-voi-phuong-tay-ve-thuc-pham.jpg
Hệ thống giám sát CropWatch cảnh báo cho các quốc gia về những thay đổi tiềm ẩn trong nguồn cung lương thực có thể do lũ lụt, hạn hán hoặc các vấn đề khác gây ra, để họ có thể lập kế hoạch trước thời hạn - Ảnh: Tân Hoa Xã

Triển khai CropWatch để tăng cường cảnh báo sớm về thiên tai

Mauritius nhập khẩu khoảng 75% thực phẩm, khiến quốc gia này dễ bị tổn thương trước những cú sốc bên ngoài từ các nước khác.

Theo UNCTAD, với tỷ lệ nhỏ lương thực mà Mauritius sản xuất trong nước, hạn hán, lốc xoáy và lũ lụt sẽ đe dọa sản xuất.

Mauritius đã triển khai CropWatch để tăng cường cảnh báo sớm về thiên tai và tác động đến cách thức giao dịch dựa trên việc giám sát sản lượng cùng nguồn cung toàn cầu.

Micheline Seenevassen Pillay, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu và Mở rộng Nông nghiệp quốc gia Mauritius, nói với UNCTAD: “Hệ thống này sẽ giảm thiểu biến động giá do nguồn cung thất thường trên thị trường và giúp giảm hóa đơn nhập khẩu thực phẩm”.

Tại Mozambique, trước khi CropWatch được triển khai, nước này đã dựa vào các bên khác để có được thông tin giám sát. Vì vậy, CropWatch được tùy chỉnh để giúp giải quyết các nhu cầu cụ thể của Mozambique. Giờ đây, đất nước châu Phi này có khả năng xuất bản các báo cáo hàng tháng về tình trạng nông nghiệp trong mùa mưa, theo China Youth Daily.

“Sự khác biệt giữa mô hình dịch vụ kỹ thuật của chúng tôi và mô hình hiện tại là khi các quốc gia cần công nghệ tìm hiểu nó, họ có thể giám sát các điều kiện nông nghiệp theo điều kiện cụ thể của đất nước mình”, Wu Bingfang nói.

Đối tác với UNCTAD còn có các quốc gia khác ở châu Phi như Algeria, Nigeria, Ghana và Kenya, cũng như châu Á như Thái Lan và Lào.

Trong bài thuyết trình vào tháng 8, Wu Bingfang nói rằng một trong những vấn đề với các báo cáo giám sát cây trồng là việc thiếu quyền truy cập mã và dữ liệu cơ bản, đồng nghĩa rất khó để đặt câu hỏi về kết quả.

Với CropWatch, các quốc gia có thể xem xét kỹ hơn thông tin được cung cấp bằng cách tạo ra các phân tích của riêng họ, cũng như đọc các bản tin được xuất bản và tổng hợp do các bên liên quan trên khắp thế giới phát triển.

Trong thập kỷ đầu tiên triển khai CropWatch, CAS tuyên bố rằng nó đã giúp dự đoán cuộc khủng hoảng đậu nành năm 2003 và đưa ra cảnh báo sớm cho các cơ quan hữu quan ở Trung Quốc.

Theo FAO, một thập kỷ sau, bản tin CropWatch đã được các bên liên quan ở hơn 160 quốc gia tải xuống và các tổ chức toàn cầu công nhận là công cụ có giá trị để đạt được an ninh lương thực.

CropWatch là đối tác của Sáng kiến Giám sát Nông nghiệp Toàn cầu của Nhóm Quan sát Trái đất (GEOGLAM), theo đề xuất của nhóm các Bộ trưởng Nông nghiệp thuộc G20 vào năm 2011.

GEOGLAM có các đối tác quốc gia trên toàn thế giới, đặt mục tiêu giám sát sản xuất ngô, gạo, đậu nành và lúa mì toàn cầu cũng như cung cấp thông tin để cải thiện tính minh bạch của thị trường.

Wu Bingfang nói: “Chúng tôi hy vọng rằng sau khi các nước đang phát triển trên thế giới làm chủ được công nghệ này, thông tin sản xuất thực phẩm có thể được chia sẻ một cách minh bạch và giảm bớt sự biến dạng trên thị trường thực phẩm quốc tế”.

Dù giám sát cây trồng từ xa đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với các vấn đề an ninh lương thực, người phát ngôn WFP tuyên bố rằng nó vẫn cần phải là “một phần của gói rộng hơn nhằm giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức”.

Tuy nhiên, người phát ngôn WFP cho biết tổ chức này rất quan tâm đến công việc của CropWatch và mong muốn được cộng tác với nhóm này trong tương lai.

Bài liên quan
Biến đổi khí hậu giúp sâu bệnh phá hủy thực phẩm, giá ca cao, dầu ô liu và nước cam tăng vọt
Sâu bệnh đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực, khiến giá các mặt hàng như ca cao, dầu ô liu và nước cam tăng vọt. Điều này sẽ càng trở nên phổ biến hơn khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 160 nước tham gia cuộc chiến công nghệ của Trung Quốc với phương Tây về thực phẩm