Nga đang cố khẳng định vị thế của mình trong cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI).

Ông Putin lo ngại các mô hình AI của phương Tây thiên vị, bỏ qua văn hóa Nga

Sơn Vân | 26/11/2023, 15:03

Nga đang cố khẳng định vị thế của mình trong cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo (AI).

Tại hội nghị Hành trình AI ở Moscow (thủ đô Nga) mới đây, Tổng thống Vladimir Putin đã công bố kế hoạch về chiến lược quốc gia mới về phát triển AI nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây với công nghệ mạnh mẽ này.

Ông Putin nói: “Các mô hình AI trong nước của chúng ta phải phản ánh toàn bộ sự giàu có và đa dạng của văn hóa thế giới, di sản, kiến thức cùng trí tuệ của tất cả nền văn minh”.

Vạch ra các mục tiêu chiến lược mới theo nghĩa rộng, Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ tăng cường nghiên cứu về generative AI và các mô hình ngôn ngữ lớn.

Generative AI (AI tạo sinh) là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.

Mô hình ngôn ngữ lớn là một loại mô hình học sâu (deep learning) có khả năng xử lý và hiểu ngôn ngữ tự nhiên ở quy mô lớn. Đây thường là các kiến trúc mạng nơ-ron sâu được huấn luyện trên tập dữ liệu vô cùng lớn để hiểu cấu trúc ngôn ngữ và khả năng tương tác của nó. Các mô hình ngôn ngữ lớn thường chứa hàng triệu hoặc thậm chí tỉ tham số, có khả năng biểu diễn sự phức tạp và đa dạng của ngôn ngữ tự nhiên.

Một ví dụ nổi tiếng về mô hình ngôn ngữ lớn là GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI. GPT đã được huấn luyện trên các dữ liệu văn bản lớn và có khả năng tạo ra văn bản tự nhiên, dịch ngôn ngữ, thực hiện nhiều nhiệm vụ ngôn ngữ khác nhau.

Những mô hình này thường được sử dụng trong các ứng dụng như dịch ngôn ngữ tự nhiên, tạo văn bản, tổng hợp giọng nói và nhiều tác vụ ngôn ngữ tự nhiên khác. Tính khả dụng của mô hình ngôn ngữ lớn đã đóng góp đáng kể vào sự tiến triển của AI trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên.

Để đạt được điều đó, Nga sẽ tăng quy mô sức mạnh siêu máy tính và cải thiện nền giáo dục AI cấp cao nhất. Nga cũng sẽ nỗ lực thay đổi luật pháp và tăng cường hợp tác quốc tế để đạt được mục tiêu của mình, ông Putin nói.

Tổng thống Putin than thở rằng các mô hình generative AI hiện tại hoạt động theo cách "có chọn lọc" hoặc "thiên vị", có khả năng bỏ qua văn hóa Nga, bởi chúng thường được đào tạo để giải quyết nhiệm vụ bằng cách sử dụng bộ dữ liệu chỉ với tiếng Anh hoặc bộ dữ liệu "thuận tiện" cho các nhà phát triển của những mô hình này.

Kết quả là một thuật toán có thể “nói với máy rằng nước Nga, nền văn hóa, khoa học, âm nhạc, văn học của chúng ta đơn giản là không tồn tại, dẫn đến một kiểu xóa bỏ trong không gian kỹ thuật số”.

Các quốc gia nói tiếng Anh đang thống trị nghiên cứu AI. Theo Viện AI tập trung vào con người (HAI) của Đại học Stanford, Mỹ và Vương quốc Anh khẳng định vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng số lượng hệ thống học máy quan trọng nhất.

Mỹ có 16 hệ thống học máy quan trọng, Vương quốc Anh có 8, còn Nga chỉ có 1, theo HAI. Tương tự, gần 300 tác giả của các hệ thống học máy này đến từ Mỹ, 140 người khác đến từ Vương quốc Anh, chỉ có 3 người đến từ Nga.

Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.

Những ứng dụng của học máy rất đa dạng và bao gồm trong lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn, và nhiều lĩnh vực khác.

Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu (deep learning) và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

ong-putin-lo-ngai-cac-mo-hinh-ai-cua-phuong-tay-thien-vi-bo-qua-van-hoa-nga.jpg
Tổng thống Putin đã công bố kế hoạch mới của Nga nhằm cạnh tranh với phương Tây trong việc phát triển AI - Ảnh: AP

Mối lo ngại về những mối nguy hiểm tiềm tàng mà AI có thể tạo ra cho nhân loại đã gây chia rẽ ngay cả những nhà nghiên cứu AI tận tâm nhất và một số người công khai nói rằng công nghệ này nếu rơi vào tay kẻ xấu sẽ tạo vấn đề lớn.

Ví dụ, Geoffrey Hinton, nhà nghiên cứu AI người Anh gốc Canada được mệnh danh là “cha đẻ của AI”, cho biết lo lắng về những kẻ xấu sử dụng các công cụ AI mà ông đang tạo ra.

Phát biểu tại Hành trình AI bên cạnh German Gref - Giám đốc điều hành Sberbank, ông Putin nói rằng việc cố gắng cấm AI là không thể, Reuters đưa tin. Tổng thống Nga cảnh báo rằng sẽ rất nguy hiểm và không thể chấp nhận được nếu cho phép các nền tảng phương Tây giành độc quyền về công nghệ AI. Sberbank là ngân hàng lớn nhất Nga.

Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu về phát triển AI, điều mà nhiều nhà nghiên cứu và lãnh đạo toàn cầu cho rằng sẽ biến đổi thế giới và cách mạng hóa xã hội theo cách tương tự như sự ra đời của máy tính vào cuối thế kỷ 20.

Nga cũng có tham vọng trở thành cường quốc AI nhưng nỗ lực của họ đã bị cản trở do cuộc chiến ở Ukraine khiến nhiều nhà khoa học tài năng rời đất nước và gây ra các lệnh trừng phạt từ phương Tây, cản trở việc nhập khẩu công nghệ cao của nước này.

Hồi tháng 7, ông Putin nói AI quan trọng như nguyên tử, tên lửa thời Liên Xô.

Theo hãng tin Reuters, khi nói chuyện với Tổng thống Nga tại Điện Kremlin, Giám đốc điều hành German Gref của Sberbank cho biết tỉ lệ hoàn vốn đầu tư vào AI khoảng 200%.

Những tiến bộ về AI của các công ty như OpenAI (Mỹ), được hỗ trợ bởi Microsoft, đã kích thích sự lạc quan về những lợi ích tiềm năng cho doanh nghiệp và xã hội trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh trên, Nga phần lớn đang phải phát triển công nghệ một mình khi bị phương Tây xa lánh.

"Mỗi năm chúng tôi đầu tư khoảng 1 tỉ USD vào công nghệ AI và chúng tôi nhận lại khoảng 3 tỉ USD từ nó", German Gref nói với ông Putin.

Đáp lại, Tổng thống Putin nói: "Quy mô này rất đáng kể. Đây chắc chắn là tương lai. Nếu nói về tầm quan trọng cho đất nước và với bất kỳ quốc gia nào, AI ngang tầm với các dự án nguyên tử hay tên lửa của Liên Xô vào giữa những năm 1940 và 1950".

Trong thời gian lãnh đạo Sberbank, German Gref đã giám sát các khoản đầu tư vào AI, dịch vụ đám mây, dữ liệu lớn và thiết bị thông minh. Ông là người làm thay đổi hình ảnh của ngân hàng lớn nhất Nga.

Song trong cuộc đối thoại với Tổng thống Putin, German Gref không nói rõ ngành nghề kinh doanh nào trong phân khúc AI đang tạo ra doanh thu cho Sberbank.

Sberbank cũng tiết lộ rất ít về hoạt động kinh doanh công nghệ đang phát triển của mình. Song, ngân hàng này đã trở thành một nhân tố quan trọng trong việc giúp Nga vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc chiến ở Ukraine.

Bài liên quan
'Việc Sam Altman bị OpenAI sa thải liên quan thư về bước đột phá AI có thể đe dọa loài người'
Trước khi Giám đốc điều hành Sam Altman bị OpenAI sa thải hôm 17.11, một số nhà nghiên cứu đã gửi cho hội đồng quản trị lá thư cảnh báo về bước đột phá trí tuệ nhân tạo (AI) mạnh mẽ mà họ cho rằng có thể đe dọa loài người, hai người quen thuộc vấn đề này nói với Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Putin lo ngại các mô hình AI của phương Tây thiên vị, bỏ qua văn hóa Nga