Tính đến hết tháng 9, toàn quốc đã có 11.556 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ bằng CCCD gắn chíp để phục vụ khám chữa bệnh theo hình thức này.

Hơn 11.000 cơ sở y tế dùng thẻ CCCD gắn chíp để khám BHYT

Hồ Quang | 10/10/2022, 20:47

Tính đến hết tháng 9, toàn quốc đã có 11.556 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ bằng CCCD gắn chíp để phục vụ khám chữa bệnh theo hình thức này.

Thông tin trên được Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết vào chiều 10.10 về công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đến nay ngành đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu quốc gia của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh có khoảng trên 620.000 tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc… Đây là tiền đề quan trọng cho công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên môi trường số.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam luôn đi đầu trong việc tham gia, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành. Ngay khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, khai thác, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân.

hon-11-nghin-co-so-khamchua-benh-dung-the-cccd-gan-chip-de-kham-bhyt-hinh-anh(1).png
Đã có hơn 11.000 cơ sở y tế dùng thẻ CCCD gắn chíp để khám BHYT - Ảnh: PV 

Tính đến hết tháng 9, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực gần 52 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 61 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành để “làm giàu” thêm cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp như: kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu khai sinh, khai tử, hưởng chế độ tử tuất, mai táng phí với Bộ Tư pháp (thực hiện liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố).

Chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ khám chữa bệnh BHYT, bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; bổ sung, điều chỉnh, chuẩn hóa dữ liệu trao đổi, chia sẻ với Tổng cục Thuế; duy trì việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kết nối, chia sẻ dữ liệu và xác thực thông tin để hoàn thiện dữ liệu về học sinh, sinh viên với Bộ Giáo dục và Đào tạo; chia sẻ, khai thác nhóm thông tin về BHXH, BHTN với Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội…

Đặc biệt, thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 9, toàn quốc đã có 11.556 cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp phục vụ khám chữa bệnh BHYT (chiếm khoảng 90,2% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc) với hơn 3,1 triệu lượt tra cứu.

Đáng chú ý, tại Hội nghị Chuyển đổi số ngành Công an Nhân dân lần thứ nhất vừa được tổ chức sáng nay (10.10), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao công tác phối hợp giữa Bộ Công an và BHXH Việt Nam trong triển khai đăng ký khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc liên thông dữ liệu giữa 2 ngành tạo sự thuận tiện rất lớn cho người dân trong khám chữa bệnh BHYT. Bên cạnh đó, việc triển khai tính năng này trên môi trường số cũng góp phần ngăn chặn, giảm thiểu tiêu cực, trục lợi trong lĩnh vực này.

BHXH Việt Nam cho biết trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số của ngành; hình thành ngành BHXH Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; tiếp tục nâng cấp, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo 100% phần mềm được liên thông theo quy định.

Đồng thời, hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số tại Việt Nam; triển khai xây dựng trung tâm giám sát, điều hành thông minh để giám sát, điều hành hoạt động trong toàn ngành.

Tiếp tục bổ sung năng lực, hoàn thiện các trung tâm dữ liệu của ngành, ưu tiên ứng dụng các công nghệ (AI, Big Data, Cloud Computing...) làm nền tảng cho phát triển ứng dụng, dịch vụ mới để mang lại hiệu quả trong quản lý.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hơn 11.000 cơ sở y tế dùng thẻ CCCD gắn chíp để khám BHYT