"Hiện nay chỉ có hơn 10% cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM tạm thời đóng cửa, còn lại khoảng 90% vẫn hoạt động bình thường nên người dân không phải lo lắng thiếu xăng, không có chỗ bán để phải bằng mọi giá đi mua xăng".

Sở Công Thương TP.HCM: Người dân không phải lo thiếu xăng

Hồ Quang | 10/10/2022, 17:40

"Hiện nay chỉ có hơn 10% cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM tạm thời đóng cửa, còn lại khoảng 90% vẫn hoạt động bình thường nên người dân không phải lo lắng thiếu xăng, không có chỗ bán để phải bằng mọi giá đi mua xăng".

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM đã nhấn mạnh như thế với báo chí vào chiều nay (10.10) trước tình trạng người dân đổ xô đi mua xăng dầu ồ ạt tại các cửa hàng.

Petrolimex kiến nghị cho phép xe bồn lưu thông vào giờ cao điểm

Theo ông Phương, đến thời điểm này, trong số 550 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM chỉ có 58 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động, chiếm tỷ lệ hơn 10%; còn lại khoảng 90% cửa hàng vẫn đang hoạt động bình thường. Các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động chủ yếu là của những doanh nghiệp nhỏ lẻ. Với lý do khách quan, chi phí như vậy, hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ lẻ rất khó nếu không có nguồn lực.

so-cong-thuong-tphcm-nguoi-dan-khong-phai-lo-thieu-xang-hinh-anh-1(1).png
Trong chiều 10.10, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM hoạt động bình thường, không còn cảnh xếp hàng đông đúc như trước - Ảnh: PV 

Đối với các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có chuỗi cửa hàng và hệ thống điều phối tốt thì nguồn cung vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, khi một số cửa hàng nhỏ lẻ tạm ngưng hoạt động, người dân sẽ đổ xô vào các cửa hàng của các doanh nghiệp lớn khiến cho lượng khách ở đây tăng cao, gây nên tình trạng căng thẳng.

Ông Phương thông tin, ở các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc hệ thống của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), số lượng bán bình quân mỗi ngày là 1.400 m3, nhưng trong hôm qua (9.10) số bán thực tế lên đến 1.900 m3, tăng 500 m3. Dự kiến trong ngày hôm nay, Petrolimex sẽ bán khoảng hơn 2.000 m3.

Hiện nay hệ thống Petrolimex với khoảng 70 cửa hàng trên địa bàn TP vẫn đang hoạt động bình thường, chỉ có điều lượng khách mua xăng đông hơn trước. Mỗi ngày có 80 xe bồn nhập hàng với 1.600 m3, trung bình mỗi xe là 20 m3. Từ 21 giờ, tất cả các xe bồn đều được vào TP để cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống của Petrolimex.

“Nếu các bồn dự trữ ở đây nhỏ, chắc chắn vào giờ cao điểm sẽ gặp khó khăn trong việc bổ sung nguồn hàng”, ông Phương nói.

Trước tình hình đó, ông Phương cho biết, trong chiều nay, Sở Công Thương đã nhận được kiến nghị của Petrolimex gửi danh sách cho phép xe bồn được phép lưu thông vào giờ cao điểm để bổ sung xăng dầu cho các cửa hàng có bồn dự trữ thấp.

“Hiện Sở Công Thương phối hợp với Công an, Sở Giao thông vận tải hỗ trợ giúp cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trong giờ cao điểm. Trong lúc này, nếu chúng ta không tính toán cho phép xe bồn lưu thông vào giờ cao điểm bổ sung nguồn hàng thiếu hụt, chắc chắn sẽ có tình trạng thiếu hàng cục bộ, kể cả những cửa hàng lớn, có thương hiệu”, ông Phương cho biết thêm.

Đề cập đến tình trạng người dân đổ xô mua xăng dầu để tích trữ do lo sợ thiếu hàng, ông Phương nói rằng để giúp người dân giảm bớt khó khăn trong việc mua xăng dầu, Sở Công Thương cũng đã cung cấp danh sách chính thức các cửa hàng đang hoạt động bình thường để người dân an tâm mua sắm.

“Chúng tôi đánh giá việc người dân mua xăng dầu tích trữ không phải lo sợ thiếu hàng. Có nhiều người dân có thói quen đi xe đến lúc cạn xăng nên khi đến cửa hàng thiếu xăng hay đóng cửa thì không biết làm sao, điều này chúng tôi chia sẻ. Nhưng cũng có không ít người dân có tâm lý này vì biết rằng ngày mai (11.10) đến kỳ điều chỉnh xăng dầu. Với tính toán như hiện nay, người ta dự báo giá xăng sẽ tăng lên. Chính vì thế tâm lý người dân muốn đổ xăng trong ngày hôm nay dẫn đến nhu cầu tăng vọt, nhất là chuỗi cửa hàng có thương hiệu”, ông Phương chia sẻ.

Ông Phương cũng cho biết thêm, quy định hiện nay không bán xăng dầu cho người mua sử dụng can, hay bình mua mang về. “Hiện nay chỉ có hơn 10% cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP.HCM tạm thời đóng cửa, còn lại khoảng 90% vẫn hoạt động bình thường nên người dân không phải lo lắng thiếu xăng, không có chỗ bán để mua mà phải đi mua xăng bằng mọi giá”, ông Phương nhấn mạnh.

Chỉ có 3 cửa hàng chính thức đăng ký tạm dừng hoạt động

Ông Phương cho rằng trong thời gian gần đây việc cung ứng xăng dầu có nhiều biến động là do một số đơn vị nhập khẩu gặp một số khó khăn nên số lượng xăng dầu nhập về bị giảm. Điều này có nhiều lý do, trong đó có lý do khách quan là sự biến động tình hình giá cả xăng dầu thế giới, do tính toán của các quốc gia và vì những vấn đề kinh tế, chính trị.

Bên cạnh đó, công tác vận chuyển xăng dầu cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt thời gian vừa qua, tình hình bão, lũ dẫn đến các tàu dầu đi lại không thuận lợi, các xe bồn lấy hàng từ các tổng kho cũng như nhà máy khó khăn hơn. Do đó việc phân phối của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP gặp trở ngại.

Lãnh đạo Sở Công Thương cũng cho biết hiện TP có 550 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhưng trong ngày 9 và 10.10 có 3 cửa hàng chính thức đăng ký tạm dừng hoạt động có lý do; các cửa hàng còn lại không có đóng cửa, nhưng có nơi tạm ngưng vì thiếu hàng, chủ yếu là thiếu xăng.

“Có 2 nguyên nhân chính, một là do các đơn vị đặt hàng nhưng nhà cung cấp thiếu, nguyên nhân thứ 2 là vào giờ cao điểm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các cửa hàng bổ sung không kịp vì giờ cao điểm xe bồn không được lưu thông. Những cửa hàng nhỏ lẻ và có lượng dự trữ thấp thì sẽ dẫn đến việc tạm thời hết hàng để bán”, ông Phương lý giải.

Từ những nguyên nhân trên cùng với việc 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP thông báo đóng cửa, Sở Công Thương đang cùng với quản lý thị trường theo dõi sát sao, nắm chắc các lý do, nguyên nhân đóng cửa, bán hàng nhỏ giọt hoặc bị thiếu hàng tạm thời.

Về giải pháp để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, ông Phương cho biết Sở Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp và có sự răn đe, cũng như trao đổi, động viên, chia sẻ các khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời tổng hợp những tham mưu, đề xuất của các doanh nghiệp báo cáo UBND TP để kiến nghị với Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.

Trong thời gian qua, những kiến nghị của UBND TP cũng đã được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính lắng nghe và có hướng điều chỉnh, chủ yếu là liên quan đến việc tính toán chi phí vận chuyển đối với mặt hàng xăng dầu trong nước.

Ông Phương nhận định, trong ngày mai đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, các khó khăn liên quan đến chi phí của doanh nghiệp sẽ tạm thời được xử lý. “Với lý do khách quan, hoạt động các doanh nghiệp nhỏ lẻ rất khó nếu không có nguồn lực. Đối với các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, có chuỗi cửa hàng và hệ thống điều phối tốt thì nguồn cung vẫn đảm bảo. Vấn đề còn lại là cơ quan nhà nước hỗ trợ vận chuyển mua bán xăng dầu kịp thời”, ông Phương nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Công Thương TP.HCM: Người dân không phải lo thiếu xăng