Bắt đầu đăng ký dự thi THPT quốc gia, các trường THPT đang gấp rút chuẩn bị để hướng dẫn các em học sinh không phải lúng túng khi bước vào kì thi quan trọng này.
Thí sinh trong kỳ thi THPT năm 2014. Ảnh: Hải Nguyễn
Theo quy định của Bộ GDĐT, bắt đầu từ hôm nay (1.4), thí sinh sẽ chính thức nộp hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 để vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa có kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) kéo dài đến hết ngày 30.4.2015.
Cấp tập chuẩn bị
Quy chế thi do Bộ GDĐT đề ra nêu rõ, các trường THPT chịu trách nhiệm hướng dẫn thí sinh điền vào phiếu đăng ký dự thi đầy đủ và đúng các thông tin, đặc biệt là các thông tin về chế độ ưu tiên trong tuyển sinh ĐH-CĐ. Đồng thời, rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để đảm bảo độ chính xác của các thông tin thí sinh điền vào phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt là chế độ ưu tiên để được cộng điểm khuyến khích và điểm ưu tiên.
Các trường cũng có biện pháp tích cực giúp thí sinh có đủ các loại giấy chứng nhận để được hưởng cộng điểm khuyến khích và điểm ưu tiên (nếu có) và xem xét, quyết định điều kiện dự thi của thí sinh… Sau ngày 30.4.2015 - hạn cuối nộp hồ sơ ĐKDT, thí sinh không được thay đổi cụm thi và các thông tin về môn thi đã đăng ký.
Khối lượng công việc trên đối với các trường THPT là khá lớn, tuy nhiên phần biểu mẫu của Bộ GDĐT quy định khá chi tiết, thể hiện đầy đủ các thông tin phục vụ tốt cho việc xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH nên các trường không gặp trở ngại lớn nào. Về xu hướng lựa chọn môn thi, một số khảo sát ban đầu cho thấy lượng thí sinh đăng ký các môn thi thuộc khối A, D1 vẫn áp đảo.
Một số trường THPT đã khảo sát trước việc chọn môn thi với kết quả nghiêng nhiều về các môn tự nhiên như vật lý, hóa học. Số thí sinh đăng ký thi theo khối C đạt tỉ lệ tương đương mọi năm, không có biến động nhiều. Các tỉnh như Kon Tum, Bến Tre đã có những số liệu ban đầu về khảo sát môn thi với tỉ lệ các môn tự nhiên áp đảo.
Sử, địa “ế” thí sinh
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số trường THPT trên địa bàn TPHCM, việc các trường cho đăng ký thử thời gian qua với mục đích thăm dò để căn cứ tổ chức ôn tập đã bộc lộ sự chênh lệch lớn giữa các môn thi với nhau. Ở Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), thầy Phạm Quang Thiện - Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Học sinh lớp 12 có 325 em, trong đó có 70% số học sinh thi vật lý, tiếp theo là môn hóa học, hai môn lịch sử và địa lý, mỗi môn dưới 10 em đăng ký thi”.
Theo thầy Thiện, việc các em chọn môn thi chênh lệch lớn như trên không ảnh hưởng nhiều đến vấn đề ôn thi của nhà trường. Thậm chí một lớp ôn luyện môn lịch sử chỉ có khoảng 10 em thì việc ôn luyện còn đạt chất lượng tốt hơn, giáo viên có nhiều thời gian quan tâm tới từng em một. Mặc dù Trường Lương Thế Vinh chưa tổ chức cho học sinh thi thử, nhưng đã tổ chức nhiều buổi tư vấn về kỳ thi THPT quốc gia rất cặn kẽ. Cho nên, số lượng các em đăng ký thi 6 môn trở lên chiếm số lượng thấp (dưới 10 em).
Theo Lao Động