Giữa Trịnh và hàng triệu người dân Việt Nam là tình yêu và cả sự mênh mông không thể rõ bến bờ của sự đồng cảm diết da từ vô thức...

Một cõi đi về...

Một Thế Giới | 01/04/2015, 14:00

Giữa Trịnh và hàng triệu người dân Việt Nam là tình yêu và cả sự mênh mông không thể rõ bến bờ của sự đồng cảm diết da từ vô thức...

Cách đây 14 năm, ngày 1.4.2001, buổi chiều, tôi dạy môn Lịch sử Văn Minh Thế giới cho lớp Văn K21. Đang dạy thì nghe có tiếng khóc, một, hai, rồi ba... Thấy tôi đột nhiên ngừng lại, những tiếng khóc bị kìm nén giống như muốn vỡ ra và, cả lớp học chỉ còn âm thanh của những tiếng nấc nghẹn ngào... Tôi hỏi cô nữ sinh gần nhất: “Vì sao em khóc”? “Dạ, thầy... thầy, Trịnh Công Sơn... mấ..ất...”...

Lặng người. Rồi bất chợt ngộ ra rằng trong cuộc đời mình, tôi chưa bao giờ chứng kiến một cái chết có thể gây nên sự xúc động đáng nhớ và sắc sâu đến thế.

Hàng ngàn người đã nói, viết về Trịnh; trong đó, tôi nhớ mãi câu nói của Hồng Nhung: “Giữa tôi và Trịnh, chắc chắn là tình yêu”. Tôi muốn nói thêm: Giữa Trịnh và hàng triệu người dân Việt Nam là tình yêu và cả sự mênh mông không thể rõ bến bờ của sự đồng cảm diết da từ vô thức...

Cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh gắn liền với bước đi dài từ chiến tranh tới hòa bình của cả dân tộc Việt Nam. Hàng trăm nhạc sĩ tài hoa đã thăng hoa tài năng và cảm xúc của mình thành không ít những bản nhạc, bài hát sống mãi với lòng người. Thế nhưng, chắc chắn chỉ có một người thôi – là Trịnh, đã giao hòa được tất cả những gì khó nói nhất, về những gì phức tạp nhất “giữa hai làn đạn”.

Là riêng tư, Trịnh khóc bằng cách Hát cho người nằm xuống, một trong những bản điếu văn hay nhất mà tôi biết. Không còn nữa thân phận bên này hay bên kia, bắt ta phải nhớ đến Abraham Lincohn khi ông nhắc nhở những người chiến thắng rằng những người bại trận là đồng bào của chúng ta đó. Là một phần của dòng máu Lạc Hồng, không ai không thấy sự khát khao của hòa giải, tình yêu nước nồng nàn của hàng ngàn người khi nắm chặt tay nhau để Nối vòng tay lớn.

Là tài năng và cả sự tiên tri, đôi khi ta như thấy Trịnh đang nhè nhẹ đếm bước trên đường phố Hà Nội vừa thiếu vắng cái cây bàng ngày nào mà có lẽ Trịnh đã tựa vào để viết Cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu..., cùng run rẩy trong mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió...

Là một con người bình thường, chẳng bao giờ ta cắt nghĩa đủ vì sao chỉ đến với Hà Nội một vài lần mà Trịnh lại có thể viết hay đến thế, tài đến thế về Hà Nội. Tất nhiên, tình yêu và Thuở Bống làm người đó, cứ đan vào nhau, hòa quyện trong nhau cho đến lúc ta hóa thân thành máu thịt của mảnh đất, con người vì nhớ đến một người để nhớ mọi người.

Là một nỗi niềm, một lời nhắn gửi, Trịnh gửi Một cõi đi về cho tất cả những ai còn ở lại bởi Trịnh coi một đời thật nhẹ và dù có đi xa, sông còn ở lại. Lời hát “chia tay” với cuộc đời của Trịnh thật độc đáo nếu ta “soi” kỹ một chút, từng chữ, từng câu. Cũng là vô duyên khi “soi” một bài ca bằng cái sự trần trụi của chữ, sự mơ hồ của nghĩa; nhưng, nếu ta nghĩ rằng lời cuối của một đời người bao giờ cũng ẩn giấu rất nhiều ẩn ý, thì, trong khoảnh khắc nhớ về Trịnh, hãy coi như một phút nghiêng mình...

Mây che trên đầu và nắng trên cao/ Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa/Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe/ Đi lên non cao, đi về biển rộng/ Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà... Những lời ca cuối cùng không hề ngẫu nhiên đó từ một con người biết rõ mình rất minh (trong cấu trúc minh của chữ xưa phải có đủ ánh sáng mặt trời và ánh sáng mặt trăng, đủ cả âm dương, ngày đêm – nên không hề ngẫu nhiên khi Trịnh viết Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt / Rọi suốt trăm năm một cõi đi về), như muốn nói rằng con người Trịnh, cuộc đời Trịnh là một phần máu thịt của núi sông, đất nước. Không phải như thế thì không thể Nối vòng tay lớn ngay trong chiến tranh, không thể viết nên một trong vài bài hát hay đến thế về Hà Nội, về Huyền thoại Mẹ.

Trịnh đã khắc tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hàng chục năm trước khi chúng ta nghĩ cách để tạc tượng để dựng, xây... trong lòng người mà chẳng hề tốn kém một đồng nào.

Có thể, vì cảm nhận được “thông điệp” rất rõ ràng từ Trịnh mà hàng triệu con tim đã thổn thức khi Trịnh mất đi và hàng triệu con người ấy và nhiều thế hệ sau này vẫn cứ dứt day, yêu mến Trịnh mãi hoài cho dù là mười bốn năm hay cả trăm năm cô đơn thổi buốt những xuân thì...  

Nhớ Trịnh Công Sơn, thắp một nén hương để tưởng nhớ, tri ân và cảm phục. Cũng như bao lần khi “cầm bút” để nghĩ rồi viết về anh, tôi luôn cảm thấy sự bất lực: Đó là sự bất lực của bất kỳ ai khi đứng trước “tượng đài” của trái tim và sự mẫn tiệp, sắc sâu...

Huế, 1.4.2015

Hà Văn Thịnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một cõi đi về...