Sáng nay 1.1.2023, Bộ GTVT đã đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 tại 9 tỉnh.
12 điểm khởi công gồm có 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi, Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, với điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra 9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại tại các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm), Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm).
Các gói thầu đầu tiên thuộc 12 dự án thành phần được khởi công hôm nay gồm: Gói thầu 11-XL đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi (dài 35,2 km); gói thầu 11-XL đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng (dài 30 km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng - Bùng (dài 23,54 km); gói thầu XL01 đoạn Bùng - Vạn Ninh (dài 30,29 km); gói thầu XL2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ (dài 32,54 km); gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (dài 30 km); gói thầu 11-XL đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (dài 23,5 km); gói thầu 12-XL đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (dài 22,1 km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (dài 24,05 km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong - Nha Trang (dài 30,85 km); dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (1 gói thầu, chiều dài 37,65 km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang - Cà Mau (dài 22,4 km).
Theo kế hoạch phân giao nhiệm vụ xây dựng cao tốc Bắc Nam giai đoạn II của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng; BQLDA 6 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh; BQLDA đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ; BQLDA 2 làm chủ đầu tư dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn; BQLDA 85 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh; Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang; BQLDA Mỹ Thuận làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy khẳng định, toàn bộ 12 dự án thành phần dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật và thời hạn theo Nghị quyết của Chính phủ. Đây là kết quả sau hơn 10 tháng triển khai dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, cùng tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao nhất của Bộ GTVT.
Đến đầu tháng 1.2023, mặt bằng của toàn bộ 12 dự án thành phần đã được bàn giao 70%, đáp ứng yêu cầu khởi công. Các địa phương đang tiếp tục tích cực triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) các diện tích còn lại, bảo đảm bàn giao toàn bộ trong quý II/2023; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công trong việc cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực thi công.
Ngay sau lễ khởi công, các nhà thầu sẽ triển khai các công việc để thi công ngay dự án bám sát các mốc tiến độ yêu cầu. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cần tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc, để triển khai thi công đồng loạt các dự án, bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn công trình.
Để đạt được mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc", Chính phủ xác định đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Hiện nay, đã đưa vào khai thác sử dụng khoảng 1.417 km, như vậy trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.600 km.
Dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 được Quốc hội khóa 15 thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11.1.2022) dài 729 km, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các dự án thành phần: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh, thành phố (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau). Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.