Hai trong số những hiệp định kinh tế quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất đối với kinh tế Việt Nam là cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ở ngay trước mắt, đặc biệt là AEC sẽ bắt đầu đi vào thực thi trong thời điểm cuối năm nay.

Hội nhập kinh tế: Mổ xẻ điểm yếu chí tử là nông nghiệp

Một Thế Giới | 01/12/2015, 14:21

Hai trong số những hiệp định kinh tế quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất đối với kinh tế Việt Nam là cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ở ngay trước mắt, đặc biệt là AEC sẽ bắt đầu đi vào thực thi trong thời điểm cuối năm nay.

Cả hai hiệp định này sẽ tạo ra một đấu trường trong đó buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh một cách trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài và không thể có chuyện thoái lui như trước đây. Mỗi lĩnh vực vì thế giờ đây đều là một cuộc chiến “tồn tại hoặc không tồn tại”, và trong các lĩnh vực lớn và quan trọng nhất của Việt Nam hiện nay trước giờ G thì nông nghiệp đang là điểm yếu chí tử.

Nếu nói rằng nông nghiệp là điểm yếu chí tử của nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm cách đây khoảng 6 đến 7 năm thôi, đó sẽ bị coi là một phát ngôn ngớ ngẩn. Cho đến thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 2008, nông nghiệp được xem là trụ cột và là bệ đỡ của kinh tế Việt Nam, giúp đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chưa khi nào vai trò của nông nghiệp với kinh tế Việt Nam lại lớn đến như thế trong giai đoạn 2008 – 2011.

Nhưng đó cũng là dấu mốc khởi đầu sự thoái trào, khi mà trong khoảng thời gian 6 – 7 năm ấy cho đến nay, nông nghiệp từ vị trí bệ đỡ cho nền kinh tế đã chuyển xuống vị trí lĩnh vực cần được nền kinh tế hà hơi nếu muốn tồn tại. Các yêu cầu và đề án cải cách nông nghiệp liên tục xuất hiện cho thấy một thực trạng rằng, lĩnh vực từng được xem là bệ đỡ trong định hướng phát triển tương lai của kinh tế đất nước đang què quặt hơn bao giờ hết.

Nhìn lướt qua nền nông nghiệp Việt Nam cách đây vài năm và nền nông nghiệp ở thời điểm hiện tại, một người bình thường sẽ không nhận ra được sự khác nhau ẩn giấu bên trong. Thực tế là sản lượng các ngành nông nghiệp chủ đạo như lúa gạo, cà phê hay hồ tiêu ít suy suyển so với cách đây vài năm, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu gạo và cà phê nằm trong top dẫn đầu thế giới. So với giai đoạn được xem là hoàng kim, là bệ đỡ cho nền kinh tế đất nước, thì nền nông nghiệp không có dấu hiệu suy giảm trầm trọng.

Nhưng điểm yếu chí tử của nông nghiệp Việt Nam lại nằm chính ở chỗ đó, là việc không chịu thay đổi. Sự hỗ trợ đắc lực cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới đã che khuất đi những điểm yếu cố hữu vốn đầy rẫy trong nền nông nghiệp Việt Nam; để giờ đây khi hào quang ấy sắp tắt, thì một nền nông nghiệp chứa đầy những khuyết tật mới lộ ra.

Đọc những con số thống kê về thực trạng nông nghiệp Việt Nam, dù là một người không am hiểu về nông nghiệp cũng phải ngỡ ngàng. Gần 60% nguồn lực xã hội đổ vào nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp chịu đầu tư vào lĩnh vực này chỉ chiếm 1%, không chỉ có quá ít doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà phần lớn khả năng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đều ở mức manh mún và cực kỳ lạc hậu. Có tới 80% nông dân có diện tích canh tác dưới 1ha và trên 4 thửa 1 hộ.

Nói cách khác, ngoại trừ một số ứng dụng khoa học kỹ thuật ở mức tối thiểu như phân bón và thuốc trừ sâu, đa phần nông dân Việt Nam vẫn đang canh tác theo đúng mô hình manh mún trên các mảnh ruộng nhỏ hẹp như thời phong kiến; dấu hiệu của cơ khí hóa và hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp là cực ít. Sự lạc hậu ấy đang khiến cho những nỗ lực cải cách nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nông sản khó tiếp cận với thị trường và giá thành quá rẻ mạt, khiến cho ngày càng nhiều trường hợp nông dân bỏ ruộng xuất hiện.

Cho đến trước khi Việt Nam gia nhập AEC và TPP, sự yếu kém ấy của nông nghiệp được xem như một câu chuyện theo kiểu khép cửa bảo nhau; nhưng khi các hiệp định kinh tế trên đã đi vào thực thi và buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài, thì câu chuyện đã rẽ sang một hướng khác. Số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quá ít và quá yếu cả về quy mô lẫn sức cạnh tranh để có thể đối đầu với doanh nghiệp nước ngoài.

Nói về sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp ngoại thì các doanh nghiệp nông nghiệp là yếu kém nhất. Nó sẽ dẫn đến khả năng rất lớn là các doanh nghiệp ngoại sẽ thâu tóm các doanh nghiệp nội, và bắt đầu đầu tư vào nền nông nghiệp Việt Nam, trong đó người nông dân Việt Nam sẽ chỉ là những người làm thuê ngay trên mảnh đất của mình. Thậm chí các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu cũng sẽ dần bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.

Sự yếu kém cao độ của nền nông nghiệp Việt Nam và đi cùng với đó là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chủ yếu đến từ 3 nguyên nhân: giảm tỷ trọng đầu tư, những khuyết tật về cơ chế chính sách, và thiếu chiến lược dài hạn. Tỷ trọng đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng, điển hình như từ mức 15% trong năm 2005 đến nay chỉ còn có 9% - một mức đầu tư quá thấp trong khi mức đầu tư của nền kinh tế là trên 30%.

Nhưng vẫn chưa đáng lo ngại bằng những khuyết tật về chính sách, việc hạn chế tích tụ ruộng đất quy mô tạo nên một rào cản cực lớn đối với việc hình thành các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, rất ít có những chính sách hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp hay khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhìn nhận một cách công bằng, cánh cửa chính sách để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam là cực hẹp, hẹp hơn rất nhiều so với các ngành và lĩnh vực khác. Nói cách khác, do chính sách, nền nông nghiệp Việt Nam buộc phải tự hài lòng với sự khép kín và lạc hậu của mình.

Kể cả với những mặt hàng được xem là chiến lược và ưu tiên cho xuất khẩu như lúa gạo, cà phê ở Việt Nam cũng bị chi phối mạnh mẽ bởi những khuyết tật này, tạo nên vấn đề thứ ba của nông nghiệp Việt Nam: thiếu chiến lược dài hạn. Thiếu đầu tư và chạy theo số lượng, các mặt hàng chủ lực này tạo ra thặng dư giá trị thấp hơn nhiều so với thế giới.

Điển hình như hạt điều và tiêu, hai mặt hàng chủ lực mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về khối lượng và giá trị, nhưng giá bán của Việt Nam chỉ đứng thứ 6 hoặc thứ 8 thế giới. Tương tự là cà phê, Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về sản lượng, nhưng giá bán thì chỉ xếp thứ 8 đến thứ 10 thế giới. Việc chạy đua theo số lượng mà không cải thiện chất lượng khiến cho giá thành nông sản Việt Nam thấp hơn nhiều so với thế giới, thu nhập của người nông dân không tăng trong khi chi phí sản xuất lại đội lên liên tục.

Các nhà kinh tế và chuyên môn đều đồng ý rằng, phần lớn các mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ được hưởng những thuận lợi lớn trong hai hiệp định kinh tế AEC và TPP dù một số mặt hàng khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điển hình là chăn nuôi. Nhưng lợi thế này sẽ không diễn ra trong dài hạn, khi mà đơn vị cốt yếu cho sức cạnh tranh là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam vẫn đang quá ít và quá yếu.

Nếu không có các doanh nghiệp nội, thì nông sản Việt Nam sẽ trở thành món hời cho các doanh nghiệp ngoại đến khai thác, biến nông dân Việt Nam trở thành những người làm thuê trong khi phần lớn lợi nhuận lại được chuyển ra nước ngoài. Không còn nhiều thời gian nhưng vẫn chưa quá trễ để cởi trói và thiết lập nền tảng vững chãi cho nền nông nghiệp ngay ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn là một quốc gia nông nghiệp và không thể đánh mất lợi thế lớn nhất của mình ngay trên sân nhà.

Nhàn Đàm (bài viết có tham khảo thông tin từ CafeF và VNeconomy)

Bài liên quan
Kỳ vọng từ cơ chế thí điểm nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm là cơ chế đúng đắn. Điều này sẽ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại đang bị “kẹt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nhập kinh tế: Mổ xẻ điểm yếu chí tử là nông nghiệp