Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu một số hạn chế nổi bật trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Hoạt động tiếp xúc cử tri còn nhiều hạn chế

Hoài Lam | 12/07/2023, 13:16

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu một số hạn chế nổi bật trong hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, rà soát Nghị quyết liên tịch số 525/2012 ngày 27.9.2012 về việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH.

Theo báo cáo, nhiều ĐBQH đã chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.

Có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri theo nhiều hình thức khác nhau; 42.455 kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết, trả lời; 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị cử tri.

Vẫn còn nhiều hạn chế trong hoạt động tiếp xúc cử tri

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình nêu một số hạn chế như việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đoàn ĐBQH chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít, chủ yếu theo hình thức hội nghị.

Hoạt động tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội thường ít hơn trước kỳ họp. Thời gian, địa điểm tiếp xúc cử tri chưa linh hoạt, chủ yếu trong giờ hành chính nên cử tri khó tiếp cận với người đại diện của mình.

cu-tri.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 24

Nghị quyết số 525 chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; nhiều địa phương khó khăn trong việc đầu tư xây dựng hệ thống trực tuyến do ngân sách, nguồn lực chưa đảm bảo…

Chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri của một số Đoàn ĐBQH vẫn còn bất cập; việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu chỉ thực hiện qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Đối với các hình thức tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, chuyên đề, lĩnh vực chưa tập hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan của Quốc hội có sự thay đổi trong quy định pháp luật; chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri chưa cao, một số nội dung chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri; việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có lúc còn thiếu cụ thể, chưa kịp thời, không rõ trách nhiệm của cơ quan mình; một số bộ, ngành trung ương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri không đúng hạn, còn chậm...

Ngoài ra, với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, trước sự lúng túng trong công tác tổ chức tiếp xúc cử tri tại nhiều địa phương, UBTVQH đã ban hành hướng dẫn số 48 năm 2021 việc tổ chức tiếp xúc cử tri của ĐBQH trong tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19.

UBTVQH đề nghị các địa phương lựa chọn tổ chức tiếp xúc cử tri theo các hình thức tổ chức hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Đây là lần đầu tiên “hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến” được ghi nhận và tổ chức triển khai trong hoạt động tiếp xúc cử tri.

Đặc biệt, một đổi mới trong hoạt động của Quốc hội khóa 15 là xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật và trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, UBTVQH đã triệu tập nhiều kỳ họp bất thường, để kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách của đất nước.

Để đảm bảo những kỳ họp bất thường dần trở thành “hoạt động “bình thường” của Quốc hội”, công tác tiếp xúc cử tri, tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp bất thường cũng cần được quy định bổ sung, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ, thống nhất.

Việc tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc còn hạn chế

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh công tác tiếp xúc cử tri rất quan trọng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, công tác tiếp xúc cử tri hiện nay chủ yếu được tổ chức trước và sau kỳ họp. Công tác tiếp xúc cử tri tại nơi làm việc và nơi cư trú còn ít. Ở các địa phương, cách làm, cách tổ chức, cách thống kê… công tác tiếp xúc cử tri rất khác nhau.

Qua nghiên cứu Phụ lục của Báo cáo tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch việc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cách thống kê của các địa phương đang không cùng một tiêu chí, dẫn đến các số liệu thống kê khác nhau. Do đó nội dung này cần phải phân tích sâu thêm.

Báo cáo nêu các đợt tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND thường được tổ chức riêng rẽ, gây ra tình trạng quá tải cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cử tri.

Về vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, do cách thức tổ chức, không phải là bất cập từ Nghị quyết liên tịch 525, do vậy cần có hướng dẫn cụ thể từ Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị quyết số 525 chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến, tổng hợp ý kiến cử tri tại các kỳ họp bất thường, ông Bùi Văn Cường đề nghị cần nghiên cứu thêm để sửa đổi cho phù hợp.

nga.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao báo cáo của Ban Dân nguyện và cho rằng, hiện nay chưa có phân biệt rõ ràng giữa tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp.

“Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thường là cử tri nói cho đại biểu nghe, còn tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thì thường là đại biểu phổ biến kết quả kỳ họp cho cử tri và nhân dân”, bà Nga nói và đề nghị cần có phương án quy định phù hợp đối với việc tổ chức tiếp xúc cử tri sau kỳ họp.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, hiện nay việc tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tại nơi cư trú, nơi làm việc còn hạn chế. Các ý kiến nêu trong tiếp xúc cử tri chủ yếu tập trung vào các nội dung như đời sống học tập, làm việc, đất đai… các vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của cử tri. Vì vậy, nhiều trường hợp cần có lãnh đạo địa phương dự tiếp xúc cử tri để tiếp thu các ý kiến, vấn đề thuộc thẩm quyền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoạt động tiếp xúc cử tri còn nhiều hạn chế