Để nhận chìm 15 triệu m3 vật chất từ việc nạo vét cảng ở Dung Quất, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đang lựa chọn công nghệ tối ưu của Tập đoàn DEME, một trong top 3 tập đoàn hàng đầu thế giới của Bỉ chuyên nghiệp về hoạt động nạo vét và nhận chìm.

Hòa Phát nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển bằng công nghệ nào?

Lê Đình Dũng | 12/11/2018, 19:44

Để nhận chìm 15 triệu m3 vật chất từ việc nạo vét cảng ở Dung Quất, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đang lựa chọn công nghệ tối ưu của Tập đoàn DEME, một trong top 3 tập đoàn hàng đầu thế giới của Bỉ chuyên nghiệp về hoạt động nạo vét và nhận chìm.

15 triệu m3 vật chất chủ yếu là cát nhiễm mặn

Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng diện tích 366,4ha gồm 339,5ha đất xây dựng nhà máy và 26,9ha đất xây dựng cảng. Dự án được UBND tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận đăng kí đầu tư vào tháng 2.2017. Thời gian triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào hoạt động của gian đoạn 1 dự kiến khoảng 24 tháng (quý 1/2019) kể từ khi bàn giao đất và cấp giấy phép xây dựng; giai đoạn 2 sẽ triển khai sau khi giai đoạn 1 hoàn thành 18 tháng và đưa vào hoạt động trong thời hạn 24 tháng.

Dự án có công suất 4 triệu tấn/năm với nguồn vốn đầu tư 52 ngàn tỉ đồng với doanh số hàng năm trên 50 ngàn tỉ đồng. Nhu cầu lao động khi dự án đi vào hoạt động là 8 ngàn người. Theo chủ đầu tư, tính đến giữa tháng 10.2018, tiến độ của giai đoạn 1 của dự án đạt 55%.

Đặc biệt để phục vụ cho tàu có tải trọng 200.000 tấn cập cảng, Hòa Phát tiến hành nạo vét khu vực cảng và luồng tàu sâu với số lượng vật chất tới trên 19 triệu m3. Trong đó, có 3,8 triệu m3 được tận dụng để san lấp mặt bằng; còn khoảng hơn 15 triệu m3 vật chất nạo vét dư thừa dự định sẽ được nhận chìm bởi Chính phủ đã có chính sách cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn ra nước ngoài. và nhu cầu trong nước không nhiều.

Để phục vụ tàu 200 triệu tấn cập cảng, Hòa Phát sẽ nạo vét khu vực biển và luồng tàu với khối lượng 15 triệu tấn vật chất phải nhận chìm

Báo cáo ĐTM của Công ty CPthép Hòa Phát Dung Quất (được các viện chuyên môn thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN nghiên cứu đề xuất) cho biết: vật, chất nạo vét cần phải nhận chìm có thành phần chủ yếu là cát nhiễm mặn (chiếm 86,4%) cấp phối kém, màu xám xanh, xám vàng, kết cấu rời rạc đến chặt vừa, cát mịn pha màu xám nâu lẫn vỏ sò hến kẹp cát trạng thái dẻo và bùn sét pha (13,6%). Qua phân tích cho thấy các loại vật chất nạo vét ở khu vực cảng và luồng cảng đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của QCVN 43:2012/BTNMT đối với trầm tích nước mặn. Các chỉ tiêu phân tích thuốc bảo vệ thực vật họ clo hữu cơ đều thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép. Các chỉ tiêu môi trường phóng xạ (Ra – 226, K – 40, Ac – 228, B3 -7) cũng thấp hơn nhiều so với ngưỡng giá trị nồng độ phóng xạ tự nhiên theo IAEA, như vậy trầm tích nạo vét của dự án an toàn về phóng xạ.

Quảng Ngãi đồng thuận việc nhận chìm

Ngày 8.10.2018, Văn phòng chính phủ phát hành thông báo số 155/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng thống nhất giao Bộ TN&MT thống nhất với Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định giao khu vực biển thích hợp để cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét dư thừa của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Cũng trong tháng 10.2018, Thứ trưởng Bộ TN&MT đã chủ trì cuộc họp tại UBND tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây, đại diện các bộ ngành liên quan, địa phương và các chuyên gia đều đồng thuận phương án nhận chìm và nhất trí sớm bàn giao khu vực biển cho chủ đầu tư.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý với phương án nhận chìm và đã lựa chọn, thống nhất vị trí nhận chìm nằm ở ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3km về phía Đông, cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng hơn 6,8km và cách khu nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất – phía Tây Bắc 10km. Diện tích khu nhận chìm khoảng 1,8km2, có độ sâu từ - 51 đến - 55m, độ dốc khoảng 2%.

Bộ TN&MT đã có nhiều buổi làm việc liên quan đến dự án nhận chìm vật chất của Hòa Phát

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM của dự án do Bộ TN&MT thành lập gồm 22 thành viên là đại diện các Bộ: TN&MT, KH&CN, Xây dựng, Công Thương và các chuyên gia về môi trường, gang thép, xây dựng, cảng biển… đã thẩm định báo cáo ĐTM này.

Đại diện Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Bộ NN-PTNT hoàn toàn ủng hộ chủ trương phát triển kinh tế ở địa phương. Ông Hùng lưu ý, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ quá trình vận chuyển, nhận chìm vật, chất nạo vét, chủ đầu tư cần lập thêm 1 số trạm điều tiết; hạ độ cao từ cửa xả cát đáy tàu đến gần đáy biển, vì về nguyên tắc, khoảng cách từ cửa xả cát đáy tàu đến đáy biển càng lớn thì vật chất sẽ phát tán càng xa.

Ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn (nơi diễn ra dự án nạo vét) cho biết huyện đã tổ chức tham vấn cộng đồng về dự án này, người dân nơi đây hoàn toàn ủng hộ, thống nhất về chủ trương, vị trí nhận chìm. Tuy nhiên, đề nghị Chủ đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật, có biện pháp bảo đảm không gây ô nhiễm.

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vị trí tỉnh đề nghị nhận chìm đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng; việc lựa chọn vị trí này để nhận chìm vật, chất nạo vét cảng là phương án khả thi và phù hợp nhất hiện nay. Biện pháp thi công nạo vét, nhận chìm như chủ đầu tư báo cáo là tốt. Vì vậy, đề nghị Bộ TN&MT cần sớm phê duyệt hồ sơ đề xuất nhận chìm.

Phía Hòa Phát cho biết, nếu việc cấp phép nhận chìm chậm sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án (hiện đã đạt 55% giai đoạn 1)

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, cho phép nhận chìm là việc cần hết sức thận trọng, tính toán kỹ lưỡng và phải xem xét vấn đề trên cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý và điều kiện thực tế. Chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai dự án và lắp đặt thêm các thiết bị quan trắc tự động trực tiếp hàng ngày đối với hoạt động nhận chìm của nhà thầu.

Lập kế hoạch giám sát, bổ sung giám sát nước biển (độ đục, TSS) với tần suất 1 lần/ngày, giám sát đa dạng sinh học (động vật đáy) với tần suất 1 lần/tuần. Đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cần chỉ đạo các sở, ngành địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trước, trong và sau quá trình nhận chìm. Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường phối hợp với địa phương để kiểm tra, giám sát vấn đề này.

Công nghệ nào được lựa chọn?

Phía Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết đã lựa chọn công nghệ tối ưu của Tập đoàn DEME, một trong top 3 tập đoàn hàng đầu thế giới của Bỉ, chuyên nghiệp về hoạt động nạo vét và nhận chìm.

Đó là sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành vận chuyển và nhận chìm vật chất nạo vét ở biển, công suất 7.000 – 35.000m3. Khi tàu chứa đầy vật chất nạo vét, vị trí xả đáy để nhận chìm -17m so với mặt nước biển. Vì vậy, vật chất nạo vét có khả năng chỉ phát tán trong phạm vi từ -17m đến -55m, không lan truyền trên mặt biển. Ngoài ra, thủy động lực tại vị trí này yếu nên khả năng phát tán vật chất nạo vét thấp vì vậy phạm vi ảnh hưởng đến môi trường nước biển thấp.

Theo các chuyên gia về hải dương học, với độ sâu >50m rất an toàn cho nhận chìm vì hiếm có loài sinh vật đáy sống và hạn chế khả năng lan truyền.

Để kiểm soát vật chất nạo vét phát tán, chủ đầu tư sử dụng lưới chắn bùn dạng màng lưới (vải) bằng Polyeste lắp đặt tại hướng Tây Bắc và Đông Nam để giảm lan truyền bùn cát theo dòng chảy của vị trí nhận chìm, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới vùng nguồn lợi tiềm năng của khu vực.

Khi bị cô lập bởi lưới chắn bùn, tốc độ dòng chảy bên trong sẽ thấp hơn tốc độ dòng chảy bên ngoài làm lắng đọng bùn cát và giảm thiểu sự lan truyền của bùn cát lơ lửng bên ngoài lưới chắn, giảm thiểu tác động tới hệ sinh thái biển.

Để chứng minh, công ty này cho biết đã tiến hành chạy mô hình đánh giá phát tán của hoạt động nhận chìm do Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Kết quả chạy mô hình do Viện Địa lý thực hiện đã được thẩm định bởi chuyên gia thuộc Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo đó, kết quả đánh giá mô phỏng, tính toán mô hình theo các phương án nhận chìm tại khu vực biển nhận chìm của dự án là tin cậy và chấp nhận được.

Hòa Phát cũng cho biết sẽ thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát online (2 trạm) để quan trắc độ đục (chất rắn lơ lửng) theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đảm bảo giám sát môi trường vùng biển liên tục quá trình nạo vét và nhận chìm.

Bài, ảnh: Thạch Châu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hòa Phát nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển bằng công nghệ nào?