Giống như nhiều giải đấu chuyên nghiệp non trẻ, J-League cần phải kéo những siêu sao đẳng cấp thế giới về thi đấu để nâng cao trình độ và quảng bá cho giải đấu. Siêu sao đầu tiên của J-League không ai khác chính là Zico, “Pele trắng” - người đã làm thay đổi bóng đá Nhật Bản.

Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai đến đỉnh cao châu Á (kỳ 3)

Một Thế Giới | 24/12/2014, 09:31

Giống như nhiều giải đấu chuyên nghiệp non trẻ, J-League cần phải kéo những siêu sao đẳng cấp thế giới về thi đấu để nâng cao trình độ và quảng bá cho giải đấu. Siêu sao đầu tiên của J-League không ai khác chính là Zico, “Pele trắng” - người đã làm thay đổi bóng đá Nhật Bản.

Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai cho đến đỉnh cao châu Á (kỳ 2)

Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai cho đến đỉnh cao châu Á (kỳ 1)

Ươm mầm tình yêu bóng đá cho thế hệ trẻ

Người Nhật có hệ thống giáo dục tốt, kinh tế phát triển kéo theo tầm vóc, thể trạng của người dân được cải thiện đáng kể (đến năm 1980, chiều cao trung bình của nam thanh niên Nhật đã đạt 1,67m, cao hơn thế hệ sinh trước 1945 khoảng 8cm). Các cơ sở đào tạo bóng đá ở các CLB thời giải Japan Soccer League khá chỉnh chu, khoa học.

Như đã nói ở hai kỳ trước, khó khăn lớn nhất của bóng đá Nhật Bản chính là sự quan tâm của người dân, khán giả khi ở xứ sở Mặt trời mọc mọi người luôn điên cuồng với bóng chày. Gầy dựng nên tình yêu với môn bóng đá cho thế hệ trẻ Nhật Bản phải được đặt lên hàng đầu vì có yêu thích thì người ta mới theo dõi, ủng hộ bóng đá.
bong da Nhat
Gieo mầm tình yêu bóng đá cho trẻ em là điều đầu tiên mà người Nhật đã t làm thông qua cậu bé Tsubasa
Năm 1981, bộ truyện tranh Đội trưởng Tsubasa ra đời và được đăng liên tục trong 7 năm rồi chuyển thể thành phim hoạt hình đã truyền cảm hứng cho cả thế hệ trẻ em Nhật Bản ở thập kỷ 1980, 1990 về tình yêu bóng đá, lối đa cao thượng, đẹp mắt và khát khao thành công ở đấu trường World Cup.

Trong truyện Tsubasa, ông thầy đầu tiên là Roberto Hongo người Brazil. Không phải vô cớ tác giả cuốn truyện Takahashi Yoichi lại chọn hình mẫu người thầy cho các cậu bé người Nhật đến từ xứ sở Samba. Ngay từ thập niên 1970 người Nhật đã xác định họ sẽ đi theo con đường của người Brazil với phong cách kỹ thuật, đẹp mắt nên trong khoảng thời gian này giải JSL-1, cầu thủ ngoại đá ở Nhật Bản thì 10 người có đến 7 đến từ Brazil. Lựa chọn của người Nhật khác với lối đi Hàn Quốc với thứ bóng đá tốc độ, mạnh mẽ ảnh hưởng bởi phong cách tổng lực của người Hà Lan.

Ảnh hưởng của bộ truyện tranh Tsubasa lên trẻ em Nhật rất sâu sắc. Những danh thủ như Hidestoshi Nakata, Shunsuke Nakmura, Masakiyo Maezono (đội trưởng tuyển Olympic Nhật Bản ở Atlanta 1996), thủ môn Seigo Nazaraki (bắt chính 4 trận cho ĐT Nhật Bản ở World Cup 2002)… đều thừa nhận chính truyện Tsubasa đã truyền cảm hứng để họ chọn bóng đá làm sự nghiệp.
bong da Nhat
Hình ảnh Tsubasa đã truyền cảm hứng cho trẻ em Nhật chọn bóng đá làm sự nghiệp, trong đó có Nakata và Nakamura.

Thần tượng bóng đá Nhật, tiền đạo Yasuhiko Okudera thành danh ở nước Đức (khoác áo FC Koln, Hertha Berlin, Bremen) khi trở về nước cũng vận dụng hình ảnh của mình để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyên nghiệp hóa hợp đồng giữa cầu thủ với CLB.

Ở thập kỷ 1970-1980, giải JSL-1 vẫn còn mang tính nghiệp dư vì cầu thủ Nhật chỉ được ký hợp đồng nhân viên khi thi đấu cho các CLB vốn thuộc sỡ hữu của các công ty, tập đoàn. Okudera là cầu thủ Nhật Bản đầu tiên (bên cạnh các cầu thủ ngoại) được CLB Fukurawa Electric ký hợp đồng thi đấu với tư cách là một cầu thủ chuyên nghiệp thực thụ. Sự vận động của Yasuhiko Okudera rất có ý nghĩa cho tiến trình chuyên nghiệp hóa bóng đá Nhật khi xác định nguyên tắc tối quan trọng: cầu thủ bóng đá là một nghề.
bong da Nhat
Yasuhiko Okudera có công lớn trong quá trình vận động bóng đá Nhật Bản tiến lên chuyên nghiệp.Ảnh: tiền đạo Okudera đối đấu với Pele và Franz Beckenbauer của New York Cosmos

Yasuhiko Okudera còn có vận động rất ý nghĩa khác là mời gọi các ngôi sao quốc tế ở Đức về thi đấu cho J-League mà một trong số đó là Pierre Littbarski –  cầu thủ xuất sắc của Bremen và ĐTQG Tây Đức về đá cho JEF United Chiba (đội bóng cho Okudera làm quản lý). Sau này, Okudera và Littbarski trở thành cặp bài trùng để lập nên Yokohama FC vào năm 1998.

Zico đến để thay đổi tư duy của một nền bóng đá

Zico đến với bóng đá Nhật Bản sau khi đã treo giày hai năm để chuyển sang chính trường ở Brazil. Năm 1991, ở tuổi 38, huyền thoại người Brazil đã nhận lời mời của CLB Sumitomo đang đá ở giải JSL-2 nhằm giúp đội bóng này cạnh tranh một chiếc vé lên chơi ở giải J-League đầu tiên mùa đầu tiên 1993. (ở kỳ 2, chúng tôi đã đề cập đến trường hợp của CLB Sumitomo dù đã vô địch JSL-2 vào năm 1987 nhưng khi đệ đơn tham dự J-League bị chủ tịch J-League Saburo Kawabuchi gạt ra cho rằng họ không đủ điều kiện).

Chỉ trong hai năm ngắn ngủi, dưới sự dẫn dắt của đầu tàu Zico, CLB Sumitomo đã làm vô địch JSL-2  mùa 1991-1992 (mùa giải cuối cùng trước khi JSL giải thể) để kịp giành quyền lên chơi ở J-League 1993. Khi thăng hạng, Sumitomo FC đổi tên thành Kashima Antlers.

Ngay trong mùa J-League đầu tiên,  Kashima Antlers dưới tài nghệ của Zico làm nên bất ngờ khi vô địch lượt Mùa Xuân và giành quyền chơi trận tranh Cúp vô địch với nhà vô địch Mùa Thu là Verdy Kawasaki vào tháng Giêng năm 2014.

Dù kết quả Kashima Antlers đã thua 1-3 sau hai lượt, nhận ngôi Á quân nhưng những thành quả mà Zico mang lại đã đặt nền móng vững chắc, củng cố niềm tin cho đội bóng non trẻ này cạnh tranh với hai đại gia hùng mạnh nhất J-League ngày đó là Verdy Kawasaki và Yokohama Marinos.

Với hai mùa bóng chơi ở Nhật Bản ở độ tuổi 39, Zico cũng đã kịp ghi đến 35 bàn thắng trong 46 trận cho Kashima Antlers!
bong da Nhat
Zico (10) trong màu áo Kashima Antlers

Danh tiếng, tài năng của “Pele trắng” là điều không phải nói nhiều nhưng cá tính trên sân cỏ và ngoài đời sống của Zico đã tạo nên một sức hút mãnh liệt với khán giả và phương diện truyền thông Nhật Bản. Ở Kashima Antlers, Zico thường xuyên va chạm với HLV và các đồng đội. Ông thúc giục, la hét, mắng mỏ họ không tiếc lời trên sân vì cho rằng họ vẫn chưa đủ quyết tâm, tính chuyên nghiệp lẫn khát khao chiến thắng.

Có lúc trên sân vì thấy HLV nói “rác tai”, Zico bảo các cầu thủ Kashima Antlers là gạt đi, hãy nghe lệnh ông chứ đừng có nghe HLV. Ảnh hưởng của Zico ở CLB lớn đến nỗi vào cuối mùa giải 1993, lãnh đạo Kashima Antlers đã quyết định cho HLV trưởng nghỉ để Zico kiêm luôn vai trò HLV lẫn cầu thủ!

Trước đối thủ và trọng tài, Zico thường có hành động “điên rồ”. Ở trận chung kết lượt về với Verdy, Kashima Antlers bị trọng tài thổi quả phạt đến không rõ ràng ở phút 38. Khi Kazu Miura chuẩn bị thực hiện cú sút thì Zico thình lình tiến đến chấm 11m, nhổ nước bọt vào quả bóng và tạo ra tình huống hỗn loạn trên sân cỏ. Huyền thoại Brazil nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân.

Những hành động quyết liệt, không khoan nhượng, tính kỷ luật và tài năng của Zico rất khớp với văn hóa Nhật Bản nên ông đã tạo ra một ảnh hưởng sâu rộng đến bóng đá xứ Mặt trời mọc. Không chỉ các đồng đội ở Kashima Antlers mà các cầu thủ đối phương đều cảm thấy hãnh diện và một động lực lớn đối với họ khi thi đấu với Zico.

Tính cách Zico đã thay đổi văn hóa của cả nền bóng đá. Với hình ảnh Zico, người Nhật nhận ra rằng bóng đá không còn là môn giải trí nữa mà thời đại chuyên nghiệp đã đến. Các CĐV đến từ vùng Ibaraki (bản doanh của Kashima Antlers) thường trương băng-rôn trong SVĐ với dòng chữ “Tinh thần Zico” để nói đến sự thay đổi sâu sắc đó. Người hâm mộ Nhật yêu mến và đặt cho Zico biệt danh “Thiên Chúa bóng đá”.
bong da Nhat
Tượng Zico bên ngoài sân vận động Kashima.

Zico đã đi vào huyền thoại ở khi biến đội bóng ở thành phố cảng Kashima Ibaraki nhỏ bé với dân số chỉ có 66.000 người trở thành điểm sáng trên bản đồ bóng đá Nhật để rồi về sau trở thành thế lực hùng mạnh nhất trong kỷ nguyên J-League. Một bức tượng Zico đã được dựng bên ngoài SVĐ Kashima để vinh danh “Pele trắng”.

Giống như người thầy Roberto Hongo của Tsubasa, Zico chính là người thầy đầu tiên của bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản

Những điều thú vị và “dị biệt” của J-League thuở đầu

Mùa giải đầu tiên J-League chỉ có 10 CLB tham dự: Kashima Antlers, Uwara Reds Diamonds, JEF United Ichihara Chiba, Verdy Kawasaki, Yokohama Marinos, Shimizu S-Pulse, Gamba Osaka, Nagoya Garampus Eight, Sanfecce Hiroshima, Yokohama Flugels.

Trong 10 CLB này, Shimizu S-Pulse đến từ Quận Shizuoka, nơi có truyền thống bóng đá mạnh là đội duy nhất không được thành lập bởi các công ty. Khu vực Tokyo góp ba đại diện là JEF Ichihara Chiba, Uwara Reds và Yokohama Flugels.
bong da Nhat
Logo của J-League 1993 với hình ảnh mascot của 10 CLB được in trên thẻ điện thoại ở Nhật Bản.

10 CLB thi đấu theo thể thức vòng tròn hai lượt đi-về để tranh chức vô địch Mùa xuân và Mùa thu. Đội vô địch Mùa xuân và Mùa thu sẽ gặp nhau ở trận chung kết cuối cùng nhằm tìm ra nhà vô địch cuối cùng. Thể thức thi đấu mới mẻ này được học theo hệ thống “Nippon Series” – giải vô địch bóng chày Nhật Bản vốn rất quen thuộc với người dân. Cách thi đấu này đã tăng số lượng trận đấu lên và duy trì tính cạnh tranh từ đầu đến cuối. Thể thức này được sử dụng trong suốt 10 năm từ năm 1993-1994 (trừ mùa giải 1996).

Một điều thú vị khác là các trận đấu ở J-League sẽ kết thúc mà không có kết quả hòa. Ở một đất nước có truyền thống samurai và võ thuật như Nhật Bản, người ta thích trận đấu hạ màn khi thấy có kẻ thắng-người thua.

Sau 90 phút thi đấu nếu tỷ số hòa thì hai đội sẽ đá tiếp 30 phút hiệp phụ với luật “Bàn thắng vàng” mà nếu hòa tiếp sẽ đá luân lưu 11m. Trận đấu giữa Nagoya Grampus Eight và Uwara Reds ở J-League 1995 đã lập kỷ lục với 28 cú luân lưu mới tìm ra đội thắng cuộc!

Một điểm “dị” nữa của J-League là LĐBĐ Nhật Bản (JFA) đã xin phép và được FIFA đồng ý cho cách xếp hạng vào năm 1993 là vị trí đội bóng không phải tính bằng điểm mà tính số lần họ chiến thắng rồi mới tới các kết quả phụ như bàn thắng, đối đầu và… tung xu. Do kiểu xếp hạng này, các CLB vào trận đều phải “cố sống cố chết” đá để tìm chiến thắng, cống hiến hết mình cho khán giả.
bong da Nhat
Verdy Kawasaki - nhà vô địch đầu tiên của J-League. Đội trưởng Kazu Miura nâng cao chiến Đĩa vô địch, phía sau lưng anh là Chủ tịch J-League Saburo Kawabuchi

Verdy Kawasaki vô địch J-League 1993 và tiền đạo Kazu Miura với 20 bàn thắng đoạt giải Cầu thủ xuất sắc nhất. Vua phá lưới thuộc về Ramon Diaz, chân sút người Argentina đã có 28 lần lập công cho Yokohama Marinos.

Mùa giải đầu tiên, số khán giả trung bình là 18.000 người/trận và tổng cộng đã có hơn 3,2 triệu khán giả đến sân xem trực tiếp các trận đấu. Một con số đầy khích lệ!

Sự thống trị của Verdy Kawasaki với bóng đá Nhật tiếp tục khi họ bảo vệ thành công ngôi vương J-League bằng việc hạ Sanfrecce Hiroshima ở trận chung kết 1994. Tuy nhiên đến mùa 1995, Yokohama Marinos đã trôi dậy khi đánh bại chính Verdy để mang Cúp vô địch đầu tiên về cho vùng Yokohama.

Đăng Khoa 

Kỳ 4: Những ngôi sao sáng trên bầu trời J-League
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồ sơ bóng đá Nhật: Từ sơ khai đến đỉnh cao châu Á (kỳ 3)