Hãng tin AFP dẫn lời giới chuyên gia cho biết áp lực từ con người cùng khí hậu nóng lên buộc loài hổ phải rời khỏi khu vực săn mồi truyền thống chuyển lên vùng núi cao.
Khoa học - công nghệ

Hổ chuyển lên vùng núi cao vì con người và biến đổi khí hậu

Cẩm Bình 07/02/2024 11:00

Hãng tin AFP dẫn lời giới chuyên gia cho biết áp lực từ con người cùng khí hậu nóng lên buộc loài hổ phải rời khỏi khu vực săn mồi truyền thống chuyển lên vùng núi cao.

Đội ngũ nghiên cứu thuộc Viện Động vật hoang dã Ấn Độ (WII) rất ngạc nhiên khi chụp được nhiều bức ảnh hổ xuất hiện tại vùng núi trên địa bàn bang Sikkim, trong đó một bức chụp ở độ cao 3.966 mét. Nhà sinh thái học Sandeep Tambe - quan chức Sở Lâm nghiệp Sikkim - cho biết họ lắp đặt máy ảnh ở các khu vực cao để tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu với thú có vú lớn.

Theo chuyên gia WII Pooja Pant: “Một trong những nguyên nhân có thể là do biến đổi khí hậu và áp lực từ con người ngày càng tăng”.

Trước đó, Quỹ Bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) cũng báo cáo phát hiện hổ ở độ cao kỷ lục 4.000 mét tại Nepal.

Lâu nay hổ thường sống trong rừng ở độ cao thấp miễn là có đủ con mồi. Tuy nhiên hiện nay chúng lại được nhìn thấy ở những nơi cao thường xuyên hơn.

Hổ nổi tiếng với khả năng thích ứng nhiều địa hình và độ cao khác nhau, nhưng nơi tập trung nhiều cá thể hổ nhất là khu bảo tồn Corbett nằm dưới chân núi Himalaya – cao khoảng 385 đến 1.100 mét.

Giám đốc WWF Anamitra Anurag Danda cho biết vào năm 2019 họ từng ghi nhận hổ xuất hiện ở độ cao 3.602 mét, đến năm 2023 lại có một trường hợp ở độ cao 3.640 mét. Cả hai đều sinh sống trên địa bàn Sikkim.

Nhà địa chất Pranabesh Sanyal nhận định: “Trong 20 năm qua nhiệt độ vùng cao ấm lên nhanh hơn nhiệt độ vùng dưới 2.000 mét. Do biến đổi khí hậu nên cuộc di cư của hổ đang diễn ra”.

Vào tháng 1, Tổ chức Khí tượng thế giới công bố nhiệt độ trung bình toàn cầu năm ngoái tăng 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1900) – trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Theo nhà sinh vật học WII Qamar Qureshi, hổ thường thích sống ở thung lũng có rừng độ cao thấp, nên tình trạng phát hiện hổ ở vùng núi cao báo hiệu chúng đang chịu áp lực lớn. Ông lưu rằng cả dân số con người lẫn số lượng hổ đều đang tăng.

Cựu quan chức lâm nghiệp bang Uttarakhand Shrikant Chandola cho rằng hổ chuyển lên vùng núi cao vì đụng độ giữa chúng với con người ngày một nhiều cộng thêm số lượng con mồi sụt giảm nên tranh giành thức ăn gay gắt hơn.

Số lượng hổ tại Ấn Độ năm 1947 vào khoảng 40.000 con, nhưng đến năm 2002 chỉ còn 3.700 và bốn năm sau đó rơi xuống mức đáy 1.411. May mắn thay con số này tăng đều đặn trở lại mỗi năm, đến nay đạt khoảng 3.000.

50 năm qua Ấn Độ tăng gấp ba lần số khu bảo tồn. Hiện quốc gia Nam Á có tổng cộng 53 khu bảo tồn với tổng diện tích 75.796 km2 – lớn hơn cả diện tích nước láng giềng Sri Lanka. Tuy nhiên hầu hết lại bị cô lập, hành lang sinh thái cho hổ di chuyển giữa các khu lại không thuộc diện được bảo vệ. Hơn nữa khu bảo tồn ngày càng xuống cấp do nhiều dự án hạ tầng của con người.

Bài liên quan
Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga: Hy vọng trỗi dậy giữa lằn ranh chiến trường và biến động chính trị Mỹ
Cuộc chiến tranh Ukraine - Nga vừa chuyển sang trang mới khi chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hổ chuyển lên vùng núi cao vì con người và biến đổi khí hậu