Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết chỉ có 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, không có hình thức nào là bãi nhiệm, miễn nhiệm. Ông Lê Vinh Danh bị kỷ luật với hình thức cách chức.

Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng bị cách chức chứ không phải bãi nhiệm

Lam Thanh | 09/11/2020, 16:21

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết chỉ có 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, không có hình thức nào là bãi nhiệm, miễn nhiệm. Ông Lê Vinh Danh bị kỷ luật với hình thức cách chức.

Ông Lê Vinh Danh bị cách chức chứ không phải bãi nhiệm

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tranh luận với Đại biểu Lê Thanh Vân về các vấn đề liên quan đến Trường đại học Tôn Đức Thắng.

vu-duc-dam.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: VPQH

Theo ông Hiểu, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có duy nhất Luật Viên chức và các nghị định hướng dẫn mới quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hiệu và các hình thức xử lý kỷ luật…, còn các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Giáo dục đại học không quy định vấn đề này.

Tại các quy định tại điều 52 đến 56 Luật Viên chức và Nghị định 27 năm 2012, này là Nghị định 112 năm 2020 quy định, đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

Trường hợp ông Lê Vinh Danh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là cơ quan bổ nhiệm lại vào năm 2014. Đến nay Trường đại học Tôn Đức Thắng chưa thành lập lại Hội đồng trường vì lý do khách quan và chủ quan.

Luật Giáo dục đại học có quy định về thẩm quyền của Hội đồng trường là quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng đại học công lập.

Ông Hiểu cho biết trong trường hợp ở Trường đại học Tôn Đức Thắng, Tổng liên đoàn không bãi nhiệm, miễn nhiệm mà chỉ thực hiện quy trình xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật, chỉ có 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc, không có hình thức nào là bãi nhiệm, miễn nhiệm. Ông Lê Vinh Danh bị kỷ luật với hình thức cách chức.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng cho biết việc kỷ luật này đã được đánh giá kỹ giữa công và tội và đúng quy định của pháp luật.

Đại biểu Lê Thanh Vân đăng ký tranh luận lần thứ 3 tuy nhiên theo quy định, mỗi đại biểu không được tranh luận quá 2 lần.

Tự chủ nhưng vẫn phải quản lý

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập vấn đề tự chủ đại học và giải pháp để tự chủ đại học thực sự.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên), đại biểu Dương Minh Ánh (TP. Hà Nội) về vấn đề tự chủ đại học, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết chúng ta đã thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước, vừa qua đã có kết quả rất tốt nhưng còn phải thực hiện tiếp tục. Đây là một quá trình.

Phó thủ tướng cho biết, đối với tự chủ đại học có 5 điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới và một điểm cũng có tính nguyên tắc cho Việt Nam và một số nước có hoàn cảnh tương tự, chúng ta phải quán triệt, hiểu thông suốt và phải luật hóa, thực hiện trong chỉ đạo, điều hành.

Thứ nhất, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức mà là nơi làm việc, sinh hoạt của trí thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mức bình thường. Cả thế giới coi đại học phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, tính sáng tạo, tính khoa học.

Thứ hai, đại học đã tự chủ luôn gắn với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện theo pháp luật, theo những quy chế công khai cho toàn xã hội giám sát rất chi tiết.

Thứ ba, tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư không chỉ đặt hàng đào tạo, cấp học bổng mà còn xây dựng cơ sở vật chất.

Thứ tư, tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ riêng về lĩnh vực giáo dục.

Thứ năm, thực hiện tự chủ nhưng phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, khuyết tật, hay một số đối tượng đặc thù không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận giáo dục đại hộc, nhất là đại học chất lượng cao. Việt này Việt Nam chú trọng hơn các nước.

Thứ sáu, đối với những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam thì khái niệm chủ sở hữu của đại học cũng thay đổi vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, cơ sở vật chất mà còn là trí tuệ, đóng góp học phí của người dân và vì thế về lâu dài khái niệm chủ sở hữu trường đại học không đơn thuần của một cơ quan, tổ chức nào mà của toàn xã hội.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Ánh về có nên bỏ cơ quan chủ quản trường đại học không, Phó thủ tướng cho biết thực ra trong luật pháp của nước ta không có khái niệm cơ quan chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu. Hiện nay cơ quan quản lý chủ yếu sẽ quản lý về công tác cán bộ, và theo các quy định của Đảng.

Với 6 điểm mang tính nguyên tắc trên, việc thực hiện tự chủ đại học vẫn còn những bất cập.

Ví dụ, về kinh tế vẫn còn vướng mắc rất nhiều như việc thu tiền tài trợ, học phí và chi học phí vẫn bị coi như ngân sách nhà nước, thủ tục còn vướng mắc. Hay câu chuyện tuổi giữ chức vụ của cán bộ trong trường đại học cũng liên quan đến các quy định pháp luật, các quy định của Đảng. Hay về mặt quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT còn câu chuyện khi trường đại học mở ngành mới vẫn còn các quy định ràng buộc về tỷ lệ giáo viên, tiến sỹ, giáo sư. Những điểm này dần dần chúng ta phải điều chỉnh.

Trước mắt có hai việc, theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là rất quan trọng, để thực hiện tự chủ đại học đúng hướng và đúng quy luật. Tất cả các trường đại học phải kiện toàn, thành lập mới hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải có tính hình thức.

Theo đó, tất cả các trường đại học đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật, công khai cho toàn dân biết và giám sát.

“Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa có tiền lệ thì khi xử lý chúng ta hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ”, Phó thủ tướng nói.

Về vấn đề của Trường đại học Tôn Đức Thắng, Phó thủ tướng cho biết đã trao đổi thẳng thắn với Bộ Tư pháp nhiều lần và khi chưa rõ ràng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lập một đoàn công tác, có sự tham gia của Bộ Tư pháp, vào xem xét, phân tích, báo cáo về Trường đại học Tôn Đức Thắng. Tinh thần là Chính phủ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển.

Trách nhiệm Bộ VH-TT-DL thế nào khi đạo đức xuống cấp?

Tại phiên chất vấn, Đại biểu Quốc hội Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề cập tới vai trò của Bộ VH-TT-DL trong vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định vấn đề chống xuống cấp đạo đức xã hội luôn được đại biểu quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.

Bộ trưởng Thiện cho biết Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo. Đây là việc lớn, là nhiệm vụ của tất cả các ngành, các bộ, các cấp.

Với vai trò tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để quản lý những vấn đề này. Bộ VH-TT-DL đã tham mưu Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận 76 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; Bộ tham mưu sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Điện ảnh và một số luật khác.

Cũng theo ông Thiện, về Nghị định, Bộ VH-TT-DL đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định 122 về phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, giáo dục con người bắt đầu từ gia đình. Bộ VH-TT-DL đã tham mưu ban hành các văn bản liên quan như Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ cũng phối hợp với Bộ GD&ĐT ban hành Đề án giáo dục đạo đức lối sống trong trường học giai đoạn 2018-2025.

Về phát triển văn học, nghệ thuật, Bộ VH-TT-DL đã xây dựng cơ chế để hỗ trợ sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng, tinh thần nhân văn, giáo dục lối sống cho con người và tăng cường tuyên truyền việc phê phán đẩy lùi các ác, cái xấu, cái lạc hậu, nhân rộng cái tốt.

Bộ cũng tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị định liên quan đến xử phạt trong công tác thanh tra. Còn nghị định về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đang trình Chính phủ phê duyệt.

Nhắc lại việc trong thời gian qua trên cả nước đã xuất hiện rất nhiều tấm gương người tốt, rất nhiều tấm lòng nhân ái, những nghĩa cử cao đẹp, tình đồng chí nghĩa đồng bào, nhường cơm sẻ áo… trong công tác phòng chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả lũ lụt, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định đó là những tấm gương rất sống động trong việc giáo dục đạo đức lối sống con người Việt Nam.

Tăng thêm 2 tỉ USD cho ĐBSCL

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ GTVT thời gian tới sẽ hoàn thành các quốc lộ, cao tốc nối Cà Mau - Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Nguồn lực là từ địa phương, ở đây là nguồn lực mà địa phương được Trung ương phân bổ, cộng với ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng. Bên cạnh đó là nguồn lực Trung ương, trong đó, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2 tỉ USD trong giai đoạn tới.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỉ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này. Cùng với đó, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét.

Theo ông Dũng, mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng để phát triển trong thời gian tới. Một nguồn lực nữa là từ các hợp đồng đối tác công tư, nguồn xã hội hóa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Nghệ An) về tỷ lệ người dân chưa có điện lưới quốc gia.

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ cấp điện lưới quốc gia cho tất cả mọi người dân là một nhiệm vụ ưu tiên. Quyết định 1740 của Thủ tướng Chính phủ xác định đến hết năm 2020, phải bảo đảm 100% người dân có điện lưới quốc gia; trong đó gần 9 nghìn thôn bản phải có điện lưới. Còn những vùng khó khăn phải dùng điện tái tạo nếu không có điều kiện tiếp cận lưới điện.

Bộ trưởng cho biết, ngay từ đầu, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có dự trù nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho nhiệm vụ này, từ 2016-2018 đã bố trí hơn 4.700 tỉ đồng. Đến 2018, đã đạt 100% số xã có điện lưới quốc gia nhưng số thôn bản thì không đạt, lý do là vướng trần nợ công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo cấp có thẩm quyền chưa tiếp tục triển khai chương trình này.

Theo ông Trần Tuấn Anh, đến nay, nợ công đã ở mức an toàn, thì các cơ quan tiếp tục báo cáo Quốc hội tiếp tục triển khai và huy động hơn 21.000 tỉ đồng để đến năm 2025 thực hiện được mục tiêu cấp điện cho 100% người dân, kể cả miền núi và hải đảo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng bị cách chức chứ không phải bãi nhiệm