Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Hành chính công chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm và vì thế chưa thể ban hành được, chưa thể trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội trả lời đại biểu về Luật Hành chính công

Lam Thanh | 09/11/2020, 13:06

Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Hành chính công chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm và vì thế chưa thể ban hành được, chưa thể trình Quốc hội.

Ghi nhận sự kiên trì của ĐB Trần Thị Quốc Khánh

Sáng 9.11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc trình Quốc hội xem xét dự án Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công.

chu-tich.jpg
Chủ  tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh - Ảnh: VGP

Trước đó, trong phiên chất vấn ngày 6.11, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt vấn đề, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các quốc gia phải ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong công tác lập pháp, quản lý, điều hành nền hành chính và tổ chức cung ứng dịch vụ công chưa nghiên cứu, ứng dụng các luận cứ khoa học quản lý về hành chính công và dịch vụ công nên hệ thống pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng về công và tư, chồng chéo, chưa đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, quản lý tài chính công và tài sản công

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, đó là nguyên nhân cốt lõi để giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn thời gian vừa qua.

Đại biểu Khánh đề nghị Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho biết bao giờ thống nhất chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an hay Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, trình dự án Luật Hành chính công, Luật Dịch vụ công đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, Chính phủ số, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa theo nghị quyết của Đảng.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tất cả các đại biểu Quốc hội 13,14 đều nhận biết được sự kiên trì của Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh trong sáng kiến đề xuất xây dựng pháp luật, đó là Luật Hành chính công và sau này chuyển thành Luật Dịch vụ công.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau khi nhiều lần làm việc giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã trao đổi thống nhất và thấy rằng chưa thể ban hành luật này.

Lý do, theo Chủ tịch Quốc hội là do các quy định về hành chính công đều đã được quy định trong từng dự án luật, trong hệ thống pháp luật chúng ta đều có các quy định thủ tục hành chính công. Hơn nữa, trong dự thảo luật mà đại biểu trình bày, đã chuẩn bị thì chưa rõ đối tượng, phạm vi và nội hàm và vì thế chưa thể ban hành được, chưa thể trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao sự kiên trì của đại biểu và đã tổ chức bố trí đầy đủ điều kiện để cho Ban soạn thảo dự án luật nghiên cứu, làm việc. Tuy nhiên, vì những lý do trên, cho tới nay chưa trình Quốc hội được.

Giải pháp nào đảm bảo thu chi ngân sách?

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) về năm 2021 tăng trưởng GDP nếu tăng trưởng chỉ có 6% thì làm thế nào để bảo đảm thu – chi, cân đối ngân sách quốc gia.

Bộ trưởng cho biết các giải pháp, thứ nhất, cùng các bộ ngành địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; kích cầu trong nước để tăng trưởng. Tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn giá, thu hồi nợ đọng thuế. Bám sát yêu cầu của Quốc hội về ngân sách để xử lý các vấn đề phát sinh.

Về câu hỏi của Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) về kinh phí bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, một số lĩnh vực được ưu tiên ngân sách như giáo dục, y tế, khoa học, chúng ta đã thực hiện đúng yêu cầu. Tuy nhiên, có tình trạng hằng năm chi không hết chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Theo ông Dũng, nguyên nhân dẫn đến việc này do hằng năm khi tháng 10, Quốc hội phê duyệt ngân sách thì các địa phương lại phê duyệt chậm các nội dung về sự nghiệp bảo vệ môi trường, đến tháng 10 chỉ đạt khoảng 50-60%.

Nguyên nhân thứ hai, chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường có tính chất đầu tư thì Luật Bảo vệ môi trường không cho phép; vấn đề này Bộ đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội và đã xử lý. Với xử lý các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì theo quy định, Trung ương hỗ trợ 50%, địa phương chi 50% kinh phí, nhưng nhiều địa phương khó khăn, không bảo đảm được khoản chi này.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, các địa phương phải tăng tiến độ phê duyệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nghiên cứu sửa đổi Luật bảo vệ môi trường và các văn bản cho phù hợp…

Vẫn còn cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nêu câu hỏi về tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Ông cũng đề nghị làm rõ cơ sở khẳng định, thời gian qua, "tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm".

Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nói đánh giá tình hình tham nhũng hết sức khó khăn, mang tính trừu tượng. Thanh tra Chính phủ dựa vào 4 căn cứ chính để đánh giá.

Thứ nhất là ý kiến và cảm nhận của người dân được phản ánh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ 2 là bộ chỉ số đánh giá của Thanh tra Chính phủ cho thấy hiệu quả phòng, chống tham nhũng đã tăng lên.

Thứ 3 là đánh giá của quốc tế; theo chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Thế giới, năm 2019 Việt Nam tăng 21 bậc so với năm 2018, từ nước đứng thứ 117 lên 96/180 nước.

Thứ 4 là căn cứ vào đánh giá của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Trong báo cáo hàng năm, Ban chỉ đạo cân nhắc rất kỹ và có đánh giá tình hình tham nhũng.

Ông Khái khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn và Thanh tra Chính phủ rất quan tâm vấn đề này.

Để khắc phục tình trạng trên, năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về chống phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai chỉ thị này. Sau đó, thanh tra tham mưu Thủ tướng ra công điện về phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vưc công vụ. Theo ông Khái, hai văn bản này có ý nghĩa rất lớn trong việc chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu.

Bài liên quan
Dừng dự luật Hành chính công-một sáng kiến lập pháp của Đại biểu Quốc hội
“Chúng ta không phủ nhận trí tuệ của đại biểu quốc hội, đây là một công trình khoa học cần thiết, đề nghị được sử dụng như một công trình nghiên cứu chứ không xếp vào ngăn kéo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội trả lời đại biểu về Luật Hành chính công