Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan là 100% đường thô nhằm góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017.
Theo đó, Hiệp hội này kiến nghị đến Thủ tướng 3 vấn đề chính. Thứ nhất là giao cho Bộ Công Thương ban hành cơ chế chính thức và thực hiện đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường.
Thứ hai, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan năm 2017 trong quý I để các Bộ, ngành có liên quan thuận lợi điều hành cung cầu và các thương nhân chủ động kế hoạch nhập khẩu và sản xuất của các đơn vị.
Thứ ba là kiến nghị đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan theo đề xuất 100% là đường thô.
Theo đại diện VSSA, nguyên nhân hiệp hội này kiến nghị nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 100% là đường thô là do cả nước hiện có 40 nhà máy đường, tổng công suất thiết kế là 155.000 tấn mía/ngày, trong đó đã có 12 nhà máy với 50% công suất thiết kế trong tổng công suất thiết kế toàn ngành sản xuất đường tinh luyện từ mía và tinh luyện đường từ đường thô.
"Những năm vừa qua, một số nhà máy có công nghệ sản xuất đường tinh luyện ngoài việc sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước vẫn phải nhập khẩu đường thô về để sản xuất đường tinh luyện phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Đây cũng là phương thức mà nhiều nước trên thế giới có khả năng luyện đường đã nhập đường thô về tinh luyện để cung cấp trong nước thay vì nhập đường tinh luyện", VSSA nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, VSSA cũng khẳng định, việc cho nhập khẩu 100% đường thô theo hạn ngạch thuế quan sẽ góp phần tiết kiệm ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Cụ thể, phiên đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường (trong đó có 45.000 tấn đường tinh luyện) năm 2016 cho thấy, nếu số đường tinh luyện chuyển sang nhập đường thô sẽ tiết kiệm được khoảng 4,5-5,4 triệu USD do giá nhập khẩu đường tinh luyện cao hơn so với nhập đường thô từ 100-120 USD/tấn.
Mặt khác, VSSA cũng cho rằng, mức giá đấu trúng sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu giữa đường thô và đường trắng tinh luyện chênh lệch không nhiều, chỉ khoảng 156.000 đồng/tấn.
Từ đó, nhập khẩu đường thô Nhà nước sẽ thu thêm được các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp từ các nhà máy đường khi họ nhập về sẽ sản xuất ra đường tinh luyện để tiêu thụ.
Trước đó, vào cuối tháng 6.2016, sau khi Bộ Công Thương kiến nghị cho nhập khẩu 200.000 tấn đường ngoài hạn ngạch để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, VSSA cũng có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, đề nghị áp thuế suất 80% đối với đường thô và 85% cho đường trắng nhập khẩu ngoài hạn ngạch.
VSSA cho rằng, trong các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký, chỉ có Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với mức thuế 5% từ năm 2010 đến nay tác động mạnh nhất, gây khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam, cho nên cần phải bảo hộ sản xuất trong nước và áp mức thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch.
Được biết, hiện nay Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đang đầu tư trồng cao su, sản xuất đường tại Lào. Như vậy, về cơ bản đường sản xuất tại Lào của HAGL khi nhập về Việt Nam không phải chịu mức thuế nào.
Theo VSSA, đây là sự ưu đãi quá mức so với sản xuất trong nước đối với mặt hàng đường, góp phần gây nên khó khăn cho sản xuất trong nước trong khi điều kiện sản xuất trong nước không được lợi thế như sản xuất tại Lào.
Bên cạnh đó, nếu không có sự kiểm soát nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ thì mức độ tác động càng lớn đối với ngành mía đường trong nước.
Trong một bài viết với nhan đề "Khẩn trương đổi mới ngành mía đường Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú từng nhận định, trong nhiều năm qua, 90 triệu người dân Việt Nam liên tục phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi so với thế giới.
Tại thời điểm đầu năm 2015, giá bán đường giao tại cửa các nhà máy trong nước đang cao khoảng gấp rưỡi giá đường ăn thế giới. Người dân Việt Nam không có quyền lựa chọn nào khác. Và tình trạng đó chỉ có lợi cho một bộ phận nhỏ trong xã hội.
Theo Thứ trưởng Tú, có 4 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường không quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu để đổi mới và phát triển ngành.
Thứ hai, hiệp hội và doanh nghiệp mía đường không phổ biến được các giống mía mới, năng suất cao tại Việt Nam để tăng năng suất và hiệu quả canh tác.
Thứ ba, hiệp hội và các doanh nghiệp chưa phổ biến được rộng rãi các kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng như các giải pháp từng bước cơ giới hóa canh tác mía cho người trồng mía.
Thứ tư, do công suất của các nhà máy đường trong nước thấp, trung bình chỉ từ 3.400 tấn mía/ngày, trong khi công suất hiệu quả cần tối thiểu từ 6.000 – 8.000 tấn mía/ngày, điều này dẫn tới giá thành luôn cao hơn so với thế giới và khu vực.
Từ đó, Thứ trưởng Tú kêu gọi hiệp hội và các doanh nghiệp mía đường trong nước phải đổi mới để phát triển.