Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL đang khẩn trương thực hiện đề án phát triển 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hiện thực hóa đề án phát triển 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp

Văn Kim Khanh 24/03/2024 22:55

Bộ NN-PTNT và các địa phương ĐBSCL đang khẩn trương thực hiện đề án phát triển 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp.

Huy động nhiều nguồn lực cho đề án

Theo Bộ NN-PTNT, ước tính tổng vốn thực hiện đề án khoảng 800 triệu USD từ các nguồn: ngân sách, tín dụng, nguồn xã hội hoá, nguồn vốn từ nhân dân; các nguồn vốn tài trợ không hoàn lại; vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó nguồn vốn chính là từ nguồn viện trợ không hoàn lại, vốn vay, vốn tín dụng và nguồn thu từ tín chỉ carbon.

lua-9.jpg
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang công bố Đề án 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao phát thải thấp - Ảnh: Văn Kim Khanh

Bộ NN-PTNT cũng làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng NN-PTNT xây dựng chương trình tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đề án.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết bộ sẽ thành lập văn phòng điều phối thực hiện đề án đặt tại TP.Cần Thơ.

lua-1.jpg
Sản xuất lúa chất lượng cao ST25 ở Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Phát biểu tại hội nghị triển khai đề án ở Kiên Giang ngày 5.1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhất trí chọn đề án là một trong những dự án trọng điểm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và sẽ dành cho Việt Nam khoản vay 500 triệu USD.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay Bộ NN-PTNT đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng ban, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ KH-ĐT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, đại diện WB, đại diện lãnh đạo 12 địa phương vùng ĐBSCL.

Bộ NN-PTNT cũng làm việc với WB để xây dựng và huy động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và chuẩn bị dự án vốn vay; đang phối hợp với các chuyên gia của Quỹ chuyển đổi tài sản carbon xây dựng đề án để làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo và trao đổi trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất lúa gạo đồng thời giảm phát thải.

lua-7.jpg
Mô hình nông nghiệp hiện đại ở Hậu Giang - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hạn chế của nông nghiệp ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích tự nhiên hơn 4.000.000ha, trong đó 2.575.000ha đất dùng cho sản xuất nông nghiệp, là một trong các vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam. Sản lượng lúa tại vùng ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn, chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

lua-12.jpg
Canh tác nông nghiệp theo hình thức cũ sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu - Ảnh: VKK

Xuất khẩu gạo năm 2023 đạt hơn 4,8 tỉ USD, tăng 17,4% về lượng và 39,4% về giá trị so với năm 2022. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục tăng trên thị trường thế giới.

Về hạn chế, ĐBSCL chưa có nhiều vùng chuyên canh lúa tập trung, quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp. Canh tác lúa trong vùng chưa bền vững do nông dân còn sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến môi trường, tăng phát thải khí nhà kính…

lua-3.jpg
Sản phẩm gạo xuất khẩu ở Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

Hằng năm ĐBSCL tạo ra khoảng 26 - 27 triệu tấn rơm rạ, trong đó 70% được đốt và vùi vào đất, 30% còn lại được thu gom sử dụng cho trồng nấm, phủ gốc cây trồng, đệm lót vận chuyển trái cây, làm thức ăn gia súc.

Việc đốt rơm rạ sẽ gây ô nhiễm môi trường, vùi rơm rạ vào ruộng ngập nước làm tăng phát thải khí methane (CH4) và khí nhà kính khác. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải quản lý rơm rạ theo kiểu nông nghiệp tuần hoàn; giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đồng thời tăng thu nhập cho người trồng lúa và các dịch vụ sản xuất thương mại liên quan từ rơm rạ.

Hiện nay trên thế giới, sản xuất lúa gạo đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhu cầu cấp bách. Việc sản xuất lúa gạo giảm thiểu sử dụng đầu vào có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải đang là vấn đề nóng. Bên cạnh đó, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Nhu cầu cấp bách phải đổi mới nông nghiệp ĐBSCL

Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

tran-luu-quang-kien-giang-a-hai-minh.png
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang triển khai Đề án phát triển 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp tại Kiên Giang ngày 5.1 - Ảnh: Hải Anh

Đề án đưa ra mục tiêu giảm 30% chi phí đầu vào, góp phần giảm chi phí sản xuất lúa cho các hộ nông dân khoảng 9.500 tỉ đồng; tỉ suất lợi nhuận của người trồng lúa tăng 50%; góp phần giảm 10% lượng khí nhà kính phát thải.

Từ thí điểm thành công, mô hình này tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa "Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao" trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.

Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Theo Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh ĐBSCL căn cứ tiêu chí vùng chuyên canh tiến hành xác định các vùng đạt tiêu chí, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện đề án cho năm 2024 và cho từng giai đoạn; củng cố, kiện toàn tổ chức, bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai đề án trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Các địa phương củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng lúa tham gia đề án, nhất là hạ tầng về thuỷ lợi; ban hành cơ chế, chính sách của địa phương để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp; hỗ trợ và phát triển các hợp tác xã, đào tạo nhân lực quản lý hợp tác xã, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tham gia vào chỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.

Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện đề án, báo cáo Bộ NN-PTNT; tổ chức sơ kết thực hiện đề án vào năm 2025.

lua-13.jpg
Xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại Hậu Giang cuối năm 2023 - Ảnh: VK

Phát biểu trong hội nghị triển khai đề án vào ngày 5.1 tại Kiên Giang, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định: "Chính phủ sẽ cam kết, đồng hành trong quá trình triển khai đề án, giao Bộ NN-PTNT sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự án vay vốn của WB để triển khai đề án; chính sách thí điểm, cơ chế trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp và đề xuất bổ sung vốn đầu tư công cho bộ để hỗ trợ các hạng mục đầu tư trong đề án".

Hiện các tỉnh ĐBSCL đều đã lên kế hoạch hưởng ứng sản xuất lúa theo đề án phát triển 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp trong năm 2024 - 2025; tỉnh thấp nhất từ 5.000ha, tỉnh cao có thể trên 10.000ha.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang và đại diện Ngân hàng Thế giới xem trình diễn cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng hiện đại - Video: Văn Kim Khanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiện thực hóa đề án phát triển 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp