Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân loại phải đối mặt với một đại dịch lan nhanh khắp toàn cầu, nhiều quốc gia phải phong tỏa nghiêm ngặt, hoạt động kinh tế-xã hội gần như bị đóng băng... Nỗi lo sợ bao trùm khắp hành tinh bởi dịch bệnh Covid-19 chưa có thuốc đặc trị. Riêng ở Mỹ đã có gần 2.400 ca tử vong chỉ trong ngày 15.4 vì COVID-19. Thông tin về số người mắc và tử vong do đại dịch phủ kín các phương tiện truyền thông và liên tục cập nhật…
1. Bất ngờ và lúng túng trước đại dịch là tình trạng chung của nhiều quốc gia, kể cả các nước hùng cường, có nền y tế phát triển. Nước Mỹ lần đầu tiên phải tuyên bố thảm họa trên toàn quốc.
Nhưng chính đại dịch nguy hiểm lại là cơ hội để mỗi chúng ta nhận rõ giá trị đích thực của cuộc sống, đồng thời cũng thấy rất nhiều điều phi lý. Lĩnh vực y tế lẽ ra cần được quan tâm nhất để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người, nhưng lại chưa được nhiều quốc gia đặt lên hàng đầu. Lâu nay, “cuộc đua” phát triển kinh tế và quân sự để giành ngôi thứ hùng cường đã cuốn cả thế giới vào guồng, dẫn tới không ít quốc gia giảm đầu tư y tế để tăng cho quân sự, thừa vũ khí hiện đại chỉ để hủy diệt đồng loại mà lại thiếu trang thiết bị cứu người!?!
Nhân loại cũng tập trung rất nhiều nguồn lực, trí tuệ để nghiên cứu phát triển những công nghệ, phương tiện hiện đại không thực sự cần thiết, như các loại đồ dùng được điều khiển từ xa, “số hóa” ngày càng cao các thiết bị phục vụ giải trí, sản xuất rất nhiều loại bao bì, hộp lọ chỉ để nhìn cho đẹp, cho sang… nhưng hệ lụy càng làm con người bị “lười hóa” và suy giảm sức khỏe! Chưa kể, việc phát triển công nghiệp ồ ạt, tác động quá nhiều vào tự nhiên là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, phát sinh dịch bệnh đe dọa sự sống… Như thế, có phải chính loài người đang đầu độc hành tinh và tự giết mình?
2. Làm gì để có cuộc sống yên bình, hạnh phúc là suy nghĩ nghiêm túc của hàng tỷ người trong thời điểm này. Giữa đại dịch nguy hiểm, mong ước của mọi người, mọi nhà là toàn thế giới hãy thức tỉnh và đoàn kết lại để nhân loại có cuộc sống thực sự hạnh phúc. Vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã liên tiếp 2 lần kêu gọi ngừng bắn toàn cầu, trong đó có câu nói rất đáng để người đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ suy ngẫm: “Virus SARS-CoV-2 hoành hành đã thể hiện rõ sự điên rồ của chiến tranh". Trước đó, ngày 16-2, trong bài phát biểu đặc biệt về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, ông Antonio Guterres cũng nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu là trở ngại nghiêm trọng và cấp bách nhất đối với sự ổn định, thịnh vượng toàn cầu, cần những nỗ lực chung lớn lao hơn từ mọi quốc gia cũng như từ mỗi cộng đồng trên thế giới để đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này.
Ngay bây giờ, nếu tất cả các vị nguyên thủ quốc gia, các nhà lãnh đạo hỏi nguyện vọng, mong muốn thực sự của nhân dân, rằng cần làm gì để thế giới hạnh phúc; chắc hẳn sẽ nhận được câu trả lời chung: Hãy dành sự chăm sóc tốt nhất vì sức khỏe, cuộc sống con người, giữ gìn môi trường trong lành và không có chiến tranh.
Không an lành thì chẳng thể hạnh phúc-điều đó luôn đúng với mỗi người và toàn nhân loại. Nhưng những kẻ thù chung của loài người là chiến tranh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh nguy hiểm - chỉ có thể được giải quyết khi toàn thế giới thực sự đoàn kết, cùng vào cuộc.
Vì thế, đã đến lúc tất cả các quốc gia cần nghiêm túc thay đổi nhận thức về sự phát triển với mục tiêu cao nhất là sự an lành, hạnh phúc của con người. Thay vì đầu tư tốn kém cho sản xuất vũ khí, chạy đua vũ trang và phát triển những ngành công nghiệp không thực sự thiết yếu, hãy dành ưu tiên hàng đầu cho phát triển nông nghiệp để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm; phát triển y tế để chăm sóc tốt sức khỏe và phát triển năng lượng sạch để giữ môi trường sống trong lành.
Nếu không nhanh chóng thay đổi nhận thức và chung tay hành động thì nhân loại sẽ khó tránh khỏi những thảm họa, thậm chí là diệt vong! Hy vọng qua đại dịch Covid-19 này, tất cả mọi người, mọi quốc gia sẽ thực sự thức tỉnh!
Huy Quang