Từ Đông sang Tây, hình ảnh những thành phố thịnh vượng nhộn nhịp đã trở nên hoang vu sau một đêm cho thấy sự dễ tổn thương của con người hiện đại, đô thị hiện đại trước cơn đại dịch.

Từ những đường phố hoang vu

13/04/2020, 06:27

Từ Đông sang Tây, hình ảnh những thành phố thịnh vượng nhộn nhịp đã trở nên hoang vu sau một đêm cho thấy sự dễ tổn thương của con người hiện đại, đô thị hiện đại trước cơn đại dịch.

Khung cảnh trước nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố (quận 1, TP.HCM) vốn thường ngày đông đúc, nhộp nhịp người tham quan, chụp ảnh nhưng trở nên vắng vẻ trong ngày đầu tiên thực hiện cách ly toàn xã hội (1.4). Ảnh: plo.vn

Rạp phim, nhà hát, vũ trường và những thiết chế văn hóa của đô thị phải ngừng hoạt động để tránh nguy cơ phát tán dịch bệnh. Hàng quán đìu hiu. Những sinh hoạt và biểu tượng làm nên cuộc sống phồn hoa của đô thị đã tạm phong tỏa, thay vào đó là những khoảng trống vắng, nghèo nàn đột ngột.

Đã có những khuyến nghị từ nhà chức trách rằng, ai đâu ở yên đó, hạn chế ra ngoài. Chuyện thường ngày dễ ợt như thèm một ly cà phê hẹn bạn bè ra quán buổi sáng, đi nhà sách mua một cuốn sách, ghé shop mua một cái áo mới cho con... nay thật nhiều do dự và khó khăn, không phải bởi những lệnh cấm mà còn bởi nỗi lo sợ lớn dần trong ta.

Đời sống đô thị, với khuôn mặt hướng ngoại và năng động đã bị con virus mang hình chiếc vương miện len lỏi, xâm nhập và làm tê liệt sau một thời gian ngắn. Những quán cà phê Paris bị đóng cửa, tại Milan không còn những shop thời trang của thế giới hàng hiệu, Rome điêu đứng với hình ảnh Đức Giáo hoàng ban phép giữa quảng trường St. Peter không bóng người, và, có lẽ biểu trưng cao nhất là Vũ Hán, là Deagu... trở thành những thành phố ma trong cơn đại dịch.

Số phận dễ tổn thương của các đô thị thời toàn cầu hóa đã bị phơi bày sau một đêm. Phương tiện giao thông đem lại cho con người hôm nay sự tiện lợi trong di chuyển, đồng thời cũng là chỗ mang nguồn bệnh đi gieo rắc khắp nơi. Chỉ sau một đêm, những người mang mầm bệnh từ thành phố này đến thành phố khác cách nhau nửa vòng trái đất và phát tán theo cấp số nhân.

Không thể đổ lỗi cho toàn cầu hóa nhưng cũng cần xác định rằng, cũng như trong quá khứ, những đại dịch luôn đi cùng với lịch sử giao thương và giao thông. Sự giao thương và giao thông nơi này với nơi kia càng mật thiết càng đem lại cho nhau giá trị thịnh vượng kinh tế, văn hóa nhưng đồng thời cũng dễ dàng du hành thứ bóng tối của tranh đoạt và bệnh tật.

Văn hóa đô thị kiêu hãnh và tính lịch thiệp bề mặt đã bị phá hủy bởi con virus của nghi ngờ, lạnh lùng, sợ hãi và sự hoảng loạn vị kỷ.

Khi bệnh dịch xảy ra, khu phố phong tỏa trong thành phố phong tỏa, thành phố phong tỏa trong quốc gia phong tỏa. Niềm tin vào sự liên kết toàn cầu gãy đổ đầu tiên chính là trong các đô thị. Con người thành phố này nhìn người thành phố khác với cái nhìn nghi kỵ. Người ở khu phố này nhìn người khu phố khác với sự dè chừng. Sự sợ hãi sai khiến người ta làm những điều quái đản với tha nhân, những gì mà lý trí thường ngày khó nghĩ đến.

Mọi sinh hoạt đời sống đảo lộn. Nhu cầu quy hồi về những thứ thiết yếu và căn bản của sinh tồn. Văn hóa đô thị kiêu hãnh và tính lịch thiệp bề mặt đã bị phá hủy bởi con virus của nghi ngờ, lạnh lùng, sợ hãi và sự hoảng loạn vị kỷ. Những cuộc chen lấn mua sắm, giành giật tích trữ từ miếng ăn đến cuộn giấy vệ sinh là biểu hiện tận cùng của tâm lý khủng hoảng trong một “thời đại nguy cơ”.

Thành phố đã từng phô trương sự thịnh vượng, kết nối, nhưng thành phố cũng là nơi biểu trưng rõ nhất sự mong manh dễ vỡ của con người trong thế giới hiện đại. Và nếu đủ tĩnh lặng giữa biển thông tin đầy hoang mang, chúng ta còn dễ nhận ra một cuộc khủng hoảng khác, như tiếng nói lẻ loi của triết gia Edgar Morin giữa đại dịch lần này: con người lệ thuộc lẫn nhau nhưng thiếu tính liên đới.

Có người cho rằng, con virus hình chiếc vương miện lần này là một phép thử, cũng có kẻ cho rằng, nó đã mang tặng cho chúng ta những trang giấy trắng, để cuộc sống được tiếp tục theo một trật tự khác.

Nhìn sâu và rút ra ý nghĩa đại dịch này đã mang lại gì cho thời đại này, có lẽ đây chưa phải lúc tỉnh táo và sáng suốt nhất, mà cần đến một khoảng lùi có khi đến vài thế hệ. Tuy nhiên, từng ngày, quan sát mối dây liên đới giữa thành phố với thành phố, con người với con người đang đứt rời trong hoạn nạn, có thể nhận ra những biểu hiện rộn ràng, vẻ ngoài sung túc hào nhoáng, kể cả tính năng động mà chúng ta gọi là “văn hóa đô thị” hóa ra chỉ là những ý tưởng tự huyễn lúc trăng thanh gió mát.

Còn trong bão táp, thì nền tảng bền vững giúp thị dân chống chọi và sống sót lành mạnh lại đòi hỏi một nguồn năng lượng nằm sâu trong tinh thần văn minh thực thụ. Chính đây là lúc cần đến phẩm chất từ tốn, bình tĩnh và lịch thiệp để thích ứng và sẵn sàng đón nhận một tương lai bất định.

Trong hoạn nạn, hơn bao giờ hết con người sống trong đô thị nhận biết sự giới hạn chật hẹp của không gian và tính tương liên trong một nhân quần dễ thương tổn để đặt số phận của mình trong số phận tha nhân, thành phố nơi mình sinh sống và xa hơn, thành phố nơi mình sinh sống với những vùng địa lý khác.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/Người Đô Thị

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ những đường phố hoang vu