Hàng loạt yếu tố khiến “hầu bao” cho du lịch của du khách sụt giảm... thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Hầu bao du khách đang giảm, giải pháp nào vực dậy du lịch Việt?

Lam Thanh | 15/11/2023, 11:00

Hàng loạt yếu tố khiến “hầu bao” cho du lịch của du khách sụt giảm... thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

“Hầu bao” của du khách đang giảm

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tại hội nghị với Chính phủ về du lịch ngay 15.11, trong 10 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Trong đó, khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỉ đồng.

Theo tổng hợp của Bộ KH-ĐT, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Ngoài ra, du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, vấn đề tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế có chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt là thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực; sản phẩm du lịch được làm mới, hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn; nhiều điểm đến mới được đầu tư, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch được cải thiện…

Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm. Nguyên nhân là một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm; xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; việc chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế như trước dịch COVID-19…

hn-1.jpeg
Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

Ngoài ra, còn các yếu tố khác tác động như: lạm phát, tỷ giá tăng, xung đội chính trị, hầu bao cho du lịch của du khách sụt giảm... đã ảnh hưởng lớn đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, truyền thông chính sách, cập nhật, quảng bá thông tin về những quy định mới của du lịch Việt Nam còn hạn chế; thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia; công tác quản lý điểm đến tại một số địa phương có biểu hiện thiếu quyết liệt. Chưa kịp thời xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, tình trạng "chặt, chém" du khách…

Đề xuất loạt ưu đãi để kích cầu du lịch

Trong thời gian tới, Bộ VH-TT-DL đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm kích cầu du lịch, đặc biệt là vào mùa thấp điểm. Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Úc, Canada, Mỹ…

Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.

Ngoài ra, tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình xin cấp thị thực điện tử, đảm bảo giao diện trang web đơn giản, dễ thao tác; xúc tiến mở các đường bay mới và tăng tần suất các chuyến bay thẳng hiện có giữa các địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam và các thành phố cấp 1, cấp 2 của các thị trường khách du lịch mục tiêu.

Ông Hùng cũng cho rằng cần sớm thực hiện điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất những năm tới. Điều này thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp các doanh nghiệp du lịch giảm chi phí đầu vào trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đề xuất kéo dài thời gian nộp thuế giá trị gia tăng thêm 12 - 24 tháng, hoãn thời gian nộp tiền thuê đất; giảm lãi suất ngân hàng cho các khoản vay của doanh nghiệp du lịch theo nguyên tắc lãi suất cho vay không cao quá 3% so với lãi suất gửi; nới lỏng quy định cho vay của các ngân hàng thương mại cho các khoản vay vốn lưu động. Gia hạn các khoản vay bị tác động trực tiếp bởi đại dịch COVID-19.

hn-2.jpeg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Ngoài ra, xem xét, tháo gỡ khó khăn đối với hoạt động kinh doanh du lịch trên đất nông nghiệp và đất trang trại; mở rộng danh sách các thành phố thực hiện thí điểm phát triển kinh tế đêm; nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đêm, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, du lịch MICE, du lịch gắn với công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo.

Bộ trưởng cũng đề nghị tăng cường liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ liên quan để kích cầu du lịch, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

“Các hãng hàng không cần duy trì chính sách giá vé máy bay linh hoạt, bình ổn, doanh nghiệp du lịch cần đa dạng trong cung ứng dịch vụ và chính sách giá linh hoạt, phù hợp, để hợp tác tạo ra các chương trình, gói sản phẩm du lịch hấp dẫn, cạnh tranh”, ông Hùng nói.

Người đứng đầu Bộ VH-TT-DL cũng đề xuất thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực du lịch; thúc đẩy các hoạt động marketing kỹ thuật số; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm du khách.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hầu bao du khách đang giảm, giải pháp nào vực dậy du lịch Việt?