VCCI cho rằng các hành vi vi phạm “tài sản số” diễn ra nhiều, nhưng số lượng vụ việc bị xử lý lại hầu như không có, các vụ án hình sự đối với các hành vi này rất ít.
Bảo vệ “tài sản số” thế nào?
Theo báo cáo của VCCI, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã ghi nhận và bảo hộ nhiều loại tài sản trí tuệ, như quyền tác giả và quyền liên quan đối với tác phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh.
Tuy nhiên, một số vấn đề chưa được làm rõ gây nhiều khó khăn trên thực tiễn triển khai. Ví dụ, khái niệm bí mật kinh doanh trong Luật Sở hữu trí tuệ vẫn còn rất chung chung và khó hiểu. Điều này dẫn đến các tranh cãi về việc dữ liệu có được coi là bí mật kinh doanh hay không và cần có cơ chế bảo hộ như thế nào.
Trên thực tiễn, đã nảy sinh tình huống mất cắp dữ liệu nhưng các cơ quan nhà nước vẫn ngần ngại khi coi đây là loại tài sản trí tuệ cần được bảo vệ.
Ví dụ, trường hợp một đơn vị vẫn đang thực hiện các hoạt động bình thường trên môi trường ngoại tuyến. Nay, đơn vị đó muốn chuyển đổi số, đưa hoạt động kinh doanh lên môi trường trực tuyến.
Trong nhiều trường hợp, đơn vị không thể tự thực hiện công việc này mà buộc phải thuê một bên cung cấp giải pháp công nghệ thông tin để có thể lập trình các website, phần mềm hoặc mua các gói phần mềm có sẵn để phục vụ việc chuyển đổi số.
Trong quá trình đó, một số câu hỏi nảy sinh như sau: Dữ liệu, thông tin được tạo ra sẽ thuộc về đơn vị thuê dịch vụ hay đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số? Ai có quyền khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin đó? Giá trị được tạo ra từ hoạt động này thuộc về ai? Được chia sẻ như thế nào? Trong trường hợp dừng, chấm dứt hợp đồng thì dữ liệu, thông tin này sẽ được xử lý ra sao? Trong trường hợp lộ lọt dữ liệu, thông tin thì các bên sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?
VCCI cho rằng pháp luật hình sự cũng có thể được coi là một công cụ tốt để bảo vệ tài sản số, giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Hiện nay, Bộ luật Hình sự của Việt Nam đã xác định tội danh với rất nhiều hành vi vi phạm ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế số.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù các hành vi vi phạm diễn ra tương đối nhiều, nhưng số lượng các vụ việc bị xử lý lại hầu như không có, số lượng các vụ án hình sự đối với các hành vi này rất ít.
Các hành vi thường bị xử lý như chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, lừa đảo trong thương mại điện tử và cung cấp phần mềm nghe lén, theo dõi điện thoại. Còn các hành vi xâm phạm dữ liệu, xâm phạm hệ thống thông tin vẫn chưa thấy có vụ việc thực tiễn.
Làm sao để bắt nhịp cuộc đua 5G?
VCCI cho hay, công nghệ 4G và 5G được dự đoán sẽ tạo ra bước đột phá, là “con đường cao tốc” để phát triển kinh tế số và Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm 5G. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quy hoạch tần số của Việt Nam hiện tại đang chưa phù hợp dành cho 5G.
Trong năm 2020, Bộ TTTT đã tiến hành xây dựng nhiều VBQPPL liên quan đến quy hoạch tần số và đấu giá quyền sử dụng tần số. Trong quá trình soạn thảo, tranh luận chính sách đáng chú ý là: nên chia các băng tần thành các khối lớn nhỏ như thế nào để cân bằng giữa tính cạnh tranh trên thị trường và hiệu quả phát triển 5G trong tương lai.
Nếu chia băng tần thành các khối nhỏ, và hạn chế số lượng khối mà một doanh nghiệp được phép mua, thì sẽ có nhiều doanh nghiệp có cơ hội được tham gia thị trường, tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, khi cung cấp dịch vụ 5G trên dải băng tần nhỏ thì sẽ không mang lại hiệu quả tốt (về tốc độ và sự ổn định truyền dẫn) so với các dải băng tần lớn.
Để dễ hiểu, có thể hình dung việc này giống như Nhà nước đang cần quy hoạch một khu đất để xây dựng các khách sạn trong một khu du lịch.
Nếu chia khu đất thành nhiều lô đất nhỏ, mỗi người chỉ được mua tối đa một hoặc hai lô cạnh nhau, thì sẽ có nhiều người tham gia đấu giá, xây được nhiều khách sạn, từ đó sẽ tạo sự cạnh tranh trên thị trường và khách du lịch sẽ được phục vụ tốt hơn. Nhưng như vậy thì mỗi lô đất có diện tích nhỏ và chỉ có thể xây khách sạn nhỏ.
Ngược lại, nếu chia cả khu đất thành một hoặc hai lô đất lớn hoặc không giới hạn số lô đất một người có thể mua thì có thể xây dựng được khách sạn quy mô lớn. Dường như, các lựa chọn chính sách mà Bộ TTTT ưu tiên là chia dải tần thành các khối tần số lớn và cho phép một doanh nghiệp mua được dải tần lớn hơn.
“Điều này sẽ giúp triển khai công nghệ 5G tốt hơn trong tương lai, nhưng đồng thời cũng sẽ đặt ra vấn đề về bảo đảm môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp”, VCCI nêu.
Chưa rõ ràng việc cung cấp dữ liệu người dùng cho cơ quan chức năng
Bảo vệ dữ liệu người dùng tốt sẽ khiến người dùng yên tâm sử dụng các dịch vụ trong nền kinh tế số, từ đó giúp kinh tế số phát triển. Ngược lại, nếu người dùng lo lắng rằng thông tin của mình bị lộ lọt, bị sử dụng vào những mục đích ngoài mong đợi, thì sẽ khiến người dùng từ chối sử dụng dịch vụ, từ đó làm chậm sự phát triển của kinh tế số.
Vấn đề các nền tảng phải cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan nhà nước cũng là một tranh luận chính sách quan trọng. Đây là vấn đề quan trọng nhưng dường như lại chưa được làm rõ trong các quy định pháp luật.
VCCI cho rằng cần nhận thức rõ ràng rằng, việc cơ quan nhà nước tiếp cận thông tin cá nhân trên các nền tảng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của kinh tế số. Người dùng các nền tảng rất ngần ngại việc thông tin cá nhân của mình bị lộ lọt và sẽ ưu tiên lựa chọn các nền tảng có tính bảo mật cao hơn, trong đó có cả việc bảo mật trước các yêu cầu của cơ quan nhà nước.
Nếu cơ quan nhà nước Việt Nam có quyền quá lớn trong việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trong nước phải cung cấp thông tin người dùng, nhưng lại không có yêu cầu này với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, thì sẽ tạo động lực khiến người dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Khá nhiều VBQPPL thường chỉ dừng lại ở một quy định rất chung chung là doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà ít trường hợp có quy định cụ thể hơn.
Trên thực tiễn, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ quy định này. Qua khảo sát có doanh nghiệp phản ánh trường hợp cán bộ nhà nước ở rất nhiều cấp khác nhau đưa yêu cầu cung cấp thông tin, có yêu cầu bằng văn bản nhưng cũng có nhiều yêu cầu chỉ bằng lời nói.
Điều này khiến các doanh nghiệp không rõ trường hợp nào phải đáp ứng yêu cầu, trường hợp nào được từ chối.
Hiện nay, chỉ có pháp luật về thông tin ngân hàng là có quy định tương đối rõ ràng và đầy đủ về vấn đề cung cấp thông tin cá nhân cho cơ quan nhà nước khi có yêu cầu theo Nghị định 117/2018/NĐ-CP về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
VCCI nhìn nhận, vấn đề cung cấp thông tin người dùng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước cần đạt được sự cân bằng giữa một bên là bảo vệ quyền riêng tư của người dùng và quyền tài sản của doanh nghiệp, một bên là nhu cầu phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay, vấn đề này chưa được giải quyết một cách rõ ràng trong các văn bản quy phạm.