Đại dịch COVID-19 đã dẫn tới sự thay đổi trong tiêu dùng, các doanh nghiệp cần cải tiến, đổi mới công nghệ và định hướng phát triển sản phẩm để thích ứng.

Các lãnh đạo công ty lớn ở Việt Nam tiết lộ thói quen mua sắm của khách hàng thời COVID-19

Lam Thanh | 10/01/2021, 18:00

Đại dịch COVID-19 đã dẫn tới sự thay đổi trong tiêu dùng, các doanh nghiệp cần cải tiến, đổi mới công nghệ và định hướng phát triển sản phẩm để thích ứng.

Tiếp nối chuỗi các sự kiện của Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021, ngày 10.1.2021 đã diễn ra tọa đàm với chủ đề: "Chiến lược chuyển đổi số trong kinh doanh thông minh”.

toa-dam.jpg
Tọa đàm "chiến lược chuyển đổi số trong kinh doanh thông minh"

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quốc Huy cho biết, với sự phát triển của công nghệ số, thiết bị thông minh đã dần hình thành thói quen mới cho người tiêu dùng.

Theo đó, người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm tới các yếu tố về giá rẻ hay chi tiêu theo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nhờ công nghệ, người tiêu dùng bắt đầu biết cách tìm hiểu về sản phẩm, đánh giá chất lượng và tính tiện ích của sản phẩm để đưa ra quyết định chi tiêu.

“Từ những thay đổi trong việc định hình cách chi tiêu của người tiêu dùng, mở ra nhiều thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp để đưa ra các chiến lược phù hợp nhằm đáp ứng các nhu cầu mới của khách hàng.

Các doanh nghiệp hiện nay cũng đã và đang tiếp cận, làm quen với chuyển đổi số ở nhiều mức độ khác nhau nhằm tận dụng các tiềm năng và cơ hội của công nghệ một cách nhanh chóng để tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Huy nói.

Cũng theo ông Huy, đại dịch COVID-19 đã dẫn tới sự thay đổi trong tiêu dùng của người dân và tác động không nhỏ tới tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Thách thức chuyển đổi để thích ứng trở thành vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm hơn bao giờ hết. Tình hình sử dụng thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng do xu hướng tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh", ông Huy nói.

Ông Huy cho rằng trong 10 năm tới, nhiệm vụ phát triển nền kinh tế được đặt lên hàng đầu để duy trì tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, tránh nguy cơ tụt hậu. Để làm được điều đó, chỉ có thể dựa vào đổi mới sáng tạo, áp dụng các kỹ thuật công nghệ tiên tiến, nhanh chóng tiếp cận những thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cùng với đó, trước sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp cần cải tiến, đổi mới công nghệ và định hướng phát triển sản phẩm để thích ứng với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng.

Giám đốc đối ngoại cấp cao Tiki miền Bắc - Hoàng Quốc Quyền cho rằng, các dự đoán đã bị thay đổi khi COVID-19 xảy ra, tiêu dùng online đã giúp con người tiện dụng và dễ dàng hơn…

"Xu hướng cho thấy, các sản phẩm thuần tự nhiên, liên quan tới sức khỏe được phát triển nhiều hơn và các sản phẩm nội địa được tìm kiếm nhiều hơn. Sự tiện lợi về thời gian, không gian trong tiêu dùng online cũng giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn", doanh nhân này nêu.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty dịch vụ số Viettel - Trương Quang Việt chia sẻ rằng, người tiêu dùng dễ dàng được trải nghiệm toàn bộ quá trình mua sản phẩm, không chỉ muốn mua hàng trực tiếp mà còn muốn tiếp cận thông tin mua hàng online và trở lên gần gũi hơn với các thương hiệu.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Logistics Startlink - Nguyễn Việt Thắng, người tiêu dùng thông minh có 3 yếu tố “tin cậy, tin tưởng và trung thành”.

Logistics Startlink đã kết hợp giữa tiêu dùng online và chuỗi cung ứng hiện tại. Năm 2020, Việt Nam đã tăng trưởng 14-16% về logistic và vươn lên đứng thứ nhất về tiêu chí giải phóng hàng trên tàu ở Đông Nam Á, qua đó chứng tỏ công nghệ về logistics của Việt Nam đã rất tối ưu nhờ vào đổi mới sáng tạo và Việt Nam đang được hướng tới trở thành một trọng điểm về logistics của khu vực.

Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam - Guru Mallikarjuna đánh giá, quá trình chuyển đổi số là rất cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp không kể ngành nghề, quy mô, hình thái kinh doanh.

Bosch định nghĩa chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số một cách toàn diện vào hoạt động kinh doanh nhằm thay đổi để làm mới, sáng tạo và định hình lại các hoạt động kinh doanh của mình để phù hợp nhất với quá trình phát triển của thị trường.

Theo đó, bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số là cần xác định một tầm nhìn chung, một tầm nhìn có thể chia sẻ đủ sâu và mạnh để thúc đẩy quá trình hành động chuyển đổi số.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp nên lấy con người và khách hàng làm trung tâm, ngoài ra cần hỗ trợ các thành viên, các nhân viên của mình hiểu được sự thay đổi này là cần thiết và tạo ra các giá trị lớn hơn giúp họ sẵn sàng thay đổi tạo ra những giá trị mới trong tương lai.

Tổng giám đốc công ty Panel Phương Nam - Giáp Văn Thanh cũng cho rằng chiến lược chuyển đổi số là rất rộng. Chuyển đổi số là tính tất yếu hiện nay của mọi doanh nghiệp, việc chuyển đổi số sẽ tạo nên những giá trị mới.

Doanh nhân này nói chuyển đổi số trong sản xuất đầu tiên là cần phải bắt đầu từ công nghệ và bắt đầu từ cấp lãnh đạo, hợp tác với các nhà cung cấp, các đối tác đã có sự chuyển đổi số và sản xuất theo mô hình số hóa sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn.

Bài liên quan
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các lãnh đạo công ty lớn ở Việt Nam tiết lộ thói quen mua sắm của khách hàng thời COVID-19