Chuỗi cung ứng công nghệ khiến Apple khó chia tay Trung Quốc.

Lý do Apple khó chuyển mọi dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam

Sơn Vân | 30/09/2022, 23:19

Chuỗi cung ứng công nghệ khiến Apple khó chia tay Trung Quốc.

Các công ty Mỹ ngày càng có nhiều lý do để hạ cấp quan hệ với Trung Quốc trong những năm gần đây. Thuế quan của cựu Tổng thống Donald Trump. Các vụ phong tỏa nghiêm ngặt ở Trung Quốc. Mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng do vấn đề Đài Loan... Song việc Apple chia tay Trung Quốc rất khó để thực hiện.

Kết luận đó bắt nguồn từ phân tích của trang Bloomberg Intelligence về Apple, công ty đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Gã khổng lồ công nghệ có trụ sở tại thành phố Cupertino, bang California, Mỹ đã bắt đầu sản xuất một số mẫu iPhone 14 ở Ấn Độ, động thái sớm hơn bình thường.

Foxconn, nhà cung cấp lớn nhất của Apple, gần đây đã đồng ý đầu tư thêm 300 triệu USD vào các cơ sở sản xuất của mình tại Việt Nam.

Thế nhưng, Bloomberg Intelligence ước tính sẽ mất khoảng 8 năm để chỉ chuyển 10% năng lực sản xuất của Apple ra khỏi Trung Quốc, nơi có khoảng 98% iPhone đã được sản xuất.

Ưu điểm của các nhà cung cấp linh kiện địa phương - chưa kể đến nguồn cung cấp điện, thông tin liên lạc, giao thông hiện đại và hiệu quả - khiến việc rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên đặc biệt khó khăn.

Với việc Trung Quốc chiếm 70% tổng sản lượng smartphone toàn cầu và các nhà cung cấp hàng đầu Trung Quốc chiếm gần một nửa số lô hàng xuất xưởng toàn cầu, khu vực này có một chuỗi cung ứng phát triển tốt, sẽ rất khó để tái tạo. Apple có thể mất quyền truy cập nếu rời đi”, báo cáo từ nhà phân tích Steven Tseng và Woo Jin Ho của Bloomberg Intelligence.

ly-do-apple-kho-chuyen-tat-ca-day-chuyen-san-xuat-tu-trung-quoc-sang-an-do-va-viet-nam1.jpg
Khoảng 98% iPhone, gồm cả dòng iPhone 14, được sản xuất tại Trung Quốc

Các hãng công nghệ Mỹ đã đầu tư hơn 2 thập kỷ hàng chục tỉ USD, thiết lập các chuỗi sản xuất phức tạp để cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho sự bùng nổ thương mại điện tử. Việc tháo gỡ những mối quan hệ đó có thể sẽ mất nhiều thời gian và dẫn đến thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu.

Tất nhiên, những sự kiện không lường trước được - như việc châu Âu và Mỹ trừng phạt Nga - cung cấp lời nhắc nhở mạnh mẽ về cả những rủi ro hệ thống của hội nhập kinh tế sâu rộng và khả năng phân tách có thể xảy ra.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung trị giá 615 tỉ USD đã trở thành cuộc chiến tranh lạnh sau những căng thẳng thương mại dưới thời Trump dẫn đến việc áp thuế với hàng hóa song phương trị giá 360 tỉ USD, cùng các lệnh trừng phạt của Mỹ với các hãng công nghệ chủ chốt của Trung Quốc như Huawei.

Sau đó, đại dịch mở ra các chính sách ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2 nghiêm ngặt của Trung Quốc, về cơ bản cấm đi lại và khiến các khu vực sản xuất chính bị phong tỏa trong một thời gian dài. Căng thẳng gia tăng khi Mỹ tăng hỗ trợ Đài Loan và các cuộc tập trận quân sự quy mô chưa từng có của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan trở thành tâm điểm dẫn đến khả năng phân tách.

Các công ty Mỹ đầu tư trực tiếp 90 tỉ USD vào Trung Quốc cuối năm 2020 và bất chấp tất cả cuộc đàm phán về việc phân tách, đã tăng thêm 2,5 tỉ USD nữa vào năm 2021, theo dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc tổng hợp.

Tổng số thực tế có thể thậm chí còn cao hơn, bởi một số doanh nghiệp chuyển các khoản đầu tư qua Hồng Kông hoặc thông qua các thiên đường thuế như Cayman và Quần đảo Virgin.

Chuỗi cung ứng công nghệ của Mỹ tại Trung Quốc phụ thuộc vào các hãng từ Đài Loan và các nơi khác cũng như các công ty địa phương, làm tăng mức độ phụ thuộc hơn nữa.

Mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc

Các đối tác quan trọng của Mỹ như Singapore đã cảnh báo với chính quyền Biden rằng việc cô lập Trung Quốc có thể gây mất ổn định nền kinh tế toàn cầu và có khả năng đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc xung đột nguy hiểm.

Những hành động như vậy đã chặn đứng con đường phát triển và hợp tác trong khu vực, làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các quốc gia và có thể dẫn đến những xung đột mà tất cả chúng ta hy vọng sẽ tránh được”, Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long cho biết sau chuyến thăm khu vực Đông Nam Á của ông Biden vào tháng 5.

Điều đó không có nghĩa là việc gỡ rối các chuỗi cung ứng công nghệ liên kết Mỹ với Trung Quốc chưa xảy ra ở một mức độ nào đó. Một báo cáo ngày 23.9 từ ngân hàng đầu tư Goldman Sachs Group cho thấy tỷ trọng nhập khẩu công nghệ của Mỹ đến trực tiếp từ Trung Quốc đã giảm 10 điểm % kể từ năm 2017, “chủ yếu là do kiểm soát xuất khẩu điện thoại di động của Trung Quốc”.

Mức độ tiếp xúc của Apple với Trung Quốc cũng lớn hơn đáng kể so với nhiều hãng khác. Amazon, HP, Microsoft, Cisco Systems và Dell Technologies cũng phụ thuộc vào Trung Quốc để sản xuất phần cứng cho máy chủ, sản phẩm lưu trữ và mạng, nhưng mức độ phụ thuộc của họ thấp hơn nhiều so với Apple.

Bloomberg Intelligence nói rằng sự phụ thuộc vào ngành công nghệ tổng thể có thể giảm 20% - 40% trong hầu hết các trường hợp vào năm 2030. Các nhà sản xuất phần cứng và điện tử có thể giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc xuống 20% ​​- 30% trong thời gian tới thập kỷ, Bloomberg Intelligence tính toán.

Chính quyền Biden đang thực hiện một cách tiếp cận hai hướng nhằm làm suy yếu quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các công ty chuyển sản xuất thông qua trợ cấp và trừng phạt việc đầu tư vào Trung Quốc thông qua thuế quan, kiểm soát xuất khẩu.

Mùa hè năm nay, ông Biden đã ký hai đạo luật - Chips and Science (Chip và Khoa học) và Giảm lạm phát - bao gồm các điều khoản giúp thúc đẩy sản xuất trong nước với một số mặt hàng chiến lược như chất bán dẫn, ô tô điện, pin và dược phẩm.

Đạo luật cấm các công ty nhận được khoản tài trợ liên bang trị giá tổng cộng 52,7 tỉ USD mở rộng sản xuất chip tiên tiến hơn 28 nanomet ở Trung Quốc hoặc một quốc gia đáng ngại như Nga trong 10 năm.

Cũng trong năm nay, chính quyền Biden đã mở rộng hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn của Mỹ đến Trung Quốc, với các yêu cầu giấy phép mới để bán thiết bị sản xuất chip cho các nhà máy sản xuất chip 14 nanomet trở lên.

Các quan chức ngành công nghiệp Mỹ đang phát triển các kế hoạch dự phòng với dự đoán sẽ có thêm rào cản với thương mại Mỹ-Trung và dự báo chính quyền Biden sẽ kích hoạt một loạt các hạn chế xuất khẩu bổ sung vào mùa thu năm nay.

Dù có khả năng thiết lập lại mối quan hệ chính trị giữa ông Biden và Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhà lãnh đạo G20 sắp tới ở Bali (Indonesia), nhưng kỳ vọng về sự thay đổi lớn vẫn ở mức thấp.

Wendy Cutler, cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ và Phó chủ tịch tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết: “Tôi không thấy bất kỳ đột phá nào xuất hiện từ cuộc gặp Biden – Tập”.

Trong khi đó, tâm lý khu vực tư nhân cũng xấu đi.

Một cuộc khảo sát gần đây từ Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung cho thấy sự lạc quan của các công ty Mỹ về Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và những thách thức đang gia tăng - như chính sách Zero COVID của Trung Quốc, cắt giảm điện và căng thẳng địa chính trị - đã khiến hơn một nửa số công ty được khảo sát trì hoãn hoặc hủy bỏ các khoản đầu tư đã lên kế hoạch ở Trung Quốc.

Gần 1/4 số công ty trả lời khảo sát cho biết đã chuyển các phân đoạn trong chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc vào năm qua.

Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói tại một sự kiện hôm 29.9 rằng ngay cả một số công ty sản xuất ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ - mà việc rời khỏi nước này sẽ rất khó khăn - đang thực hiện các kế hoạch về điều này.

Thế nhưng đó không hẳn là một cuộc di cư khỏi Trung Quốc. Một cách tiếp cận phổ biến là “Trung Quốc cộng một”. Theo đó, Trung Quốc vẫn là cơ sở sản xuất cốt lõi và bất kỳ công suất bổ sung nào cũng được thêm ở các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á như Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Năm ngoái, các công ty Mỹ đã cam kết đầu tư khoảng 740 triệu USD vào Việt Nam, nhiều nhất kể từ năm 2017 và hơn gấp đôi so với 2020.

Bản thân Đài Loan vẫn là một thành phần quan trọng nhưng dễ bị tổn thương trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Với TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới), Đài Loan hiện sản xuất hơn 90% chip tiên tiến nhất thế giới được sử dụng cho quân sự và các dịch vụ máy tính công ty.

Apple, MediaTek và Qualcomm kiểm soát hơn 85% thị trường chip thiết bị cầm tay toàn cầu, nhưng đều dựa vào nguồn cung của TSMC.

ly-do-apple-kho-chuyen-tat-ca-day-chuyen-san-xuat-tu-trung-quoc-sang-an-do-va-viet-nam.jpg
Các công ty chip Trung Quốc dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng doanh số trung bình trong bốn quý qua

Theo báo cáo của Bloomberg Intelligence, Đài Loan sẽ vẫn là trung tâm sản xuất quan trọng với các chip tiên tiến trong vòng 5 năm tới.

Thị trường đang bùng nổ của Trung Quốc cũng nhấn mạnh chi phí cơ hội cho các nhà cung cấp Mỹ. Khoảng 19 trong số 20 công ty chip phát triển nhanh nhất thế giới trong ngành 4 quý qua, có trụ sở tại Trung Quốc, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Bài liên quan
Apple vỡ mộng, bỏ kế hoạch tăng sản xuất dòng iPhone 14 do nhu cầu giảm
Apple đang từ bỏ kế hoạch tăng sản lượng dòng iPhone 14 trong năm nay sau khi dự đoán nhu cầu tăng vọt không thành hiện thực, theo những người quen thuộc với vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lý do Apple khó chuyển mọi dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Việt Nam