Báo New York Times ngày 10.3 viết rằng dưới mắt phe bảo thủ, ứng viên Tổng thống Hàn Quốc chống Mỹ, thân Triều Tiên và là một người ngây thơ.

Hàn Quốc bầu Tổng thống mới: Ứng viên sáng giá có xu hướng chống Mỹ, thân Triều Tiên

11/03/2017, 14:19

Báo New York Times ngày 10.3 viết rằng dưới mắt phe bảo thủ, ứng viên Tổng thống Hàn Quốc chống Mỹ, thân Triều Tiên và là một người ngây thơ.

Ứng viên Tổng thống Moon Jae-in xuống đường đòi phế truất bà Park Geun-hee - Ảnh: EPA

Ngày 10.3, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc có phán quyết lịch sử, ủng hộ việc Quốc hội nước này luận tội và phế truất nữ Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên, bà Park Geun-hee, về nhiều cáo buộc, nghiêm trọng nhất là bà để người bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vào công việc quốc gia, cấu kết lợi dụng quyền hạn để tống tiền các tập đoàn lớn. Bà Choi không hề có chức vụ nào trong chính phủ.

Bà Park còn bị cáo buộc thiếu trách nhiệm nghiêm trọng trong vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến hơn 300 người chết.

Như vậy, sau gần 10 năm không được nắm quyền lực, phe đối lập có tư tưởng thoáng đang có thể làm chủ Nhà Xanh (Phủ tổng thống Hàn Quốc) ở cuộc bầu cử tổng thống có lẽ sẽ tổ chức ngày 9.5.2017.

Người Hàn Quốc phải học “nói không” với người Mỹ

Ứng viên sáng giá nhất của chức Tổng thống Hàn Quốc là ông Moon Jae-in, người muốn thay đổi sâu sắc mối quan hệ căng thẳng Hàn - Triều, thúc đẩy đối thoại và kết thân. Ông cũng phản đối quan điểm “diều hâu” đối với Bình Nhưỡng của phe bảo thủ và của Mỹ, “đồng minh số 1” của Hàn Quốc từ 70 năm qua.

Ông Moon và các đối tác đặc biệt lo ngại việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Ông dẫn việc Trung Quốc phẫn nộ về động thái này và cảnh cáo một vụ căng thẳng tương tự vụ khủng hoảng tên lửa ở Cuba.

Theo tờ báo Mỹ, đã có nhiều thay đổi từ khi phe tự do nắm quyền lực ở Hàn Quốc: Triều Tiên có vũ khí hạt nhân (VKHN) và tuyên bố sẵn sàng lắp đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn phá Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Bình Nhưỡng đã phóng nhiều tên lửa vào lãnh thổ Nhật và sẽ sớm hoàn thiện các kiểu tên lửa có thể bắn tới Mỹ.

New York Times còn viết “Triều Tiên có vị lãnh đạo 33 tuổi không dễ lường trước Kim Jong-un, người tự tạo hình ảnh như một vị thánh theo gương ông nội của ông, nhà lập quốc Kim Nhật Thành. Ông Kim Jong-un cũng được cho là “nghiện” sở hữu VKHN hơn cả người tiền nhiệm là cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il. Ông đã dọa tấn công phủ đầu bằng VKHN vào Hàn Quốc và đồng minh của nước này.

Các thách thức cho ông Moon và những đối tác sẽ là làm thế nào để kết thân với Triều Tiên ngày càng trở nên nguy hiểm, đồng thời duy trì quan hệ với Mỹ và sửa chữa quan hệ với Trung Quốc vốn ngày càng nghi ngờ những ý đồ quân sự của Mỹ.

Ông Moon tự nhận ông là “bạn của Mỹ”, cảm ơn Mỹ đã bảo vệ Hàn Quốc và hỗ trợ Hàn Quốc tăng trưởng kinh tế và dân chủ hóa. Trước khi bà Park bị phế truất, ông nói liên minh với Washington là “cột trụ trong chính sách ngoại giao của chúng tôi”.

Nhưng ông Moon cũng nói người Hàn Quốc phải học “nói không” với người Mỹ.

Ứng viên Tổng thống Hàn Quốc muốn đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên

Nếu ông Moon “lên ngôi” tổng thống, điều này sẽ gây phức tạp nghiêm trọng cho việc Mỹ thúc đẩy hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Ông và các đối tác đã đặt dấu hỏi về sự triển khai hệ thống này, nói đó là sự leo thang căng thẳng không cần thiết ở bán đảo Triều Tiên.

THAAD hiện đại sẽ đặt ở cửa ngõ Trung Quốc, khiến người dân nước này phẫn nộ, tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc, và Bắc Kinh nay sẽ không sẵn sàng dùng đòn bẩy kinh tế để kềm cương Triều Tiên.

Chính phủ bà Park từng xem THAAD là sự phòng thủ chủ lực trước mối đe dọa tên lửa hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng ông Moon “thề” sẽ xem lại việc triển khai THAAD nếu ông trúng cử tổng thống. Ông nói: “Tôi không thể hiểu tại sao lại vội vã triển khai hệ thống này. Tôi nghi ngờ rằng họ muốn tạo ra chuyện đã rồi, biến nó thành một vấn đề chính trị để sử dụng trong cuộc bầu cử”.

Ngày 10.3, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump không có tuyên bố nào về việc bà Park bị phế truất cùng hệ lụy của mối quan hệ Mỹ - Hàn. Nhưng đặc phái viên Mỹ ở Liên Hợp Quốc Nikky Haley đã khẳng định sẽ không có chuyện đối thoại với lãnh đạo Triều Tiên “không có lý trí”, và bà nói THAAD được triển khai không nhắm vào Trung Quốc.

Ông Moon nói ông lo ngại “chế độ độc tài tàn nhẫn ở Triều Tiên”. Nhưng ông cũng nói lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Mỹ cùng phe bảo thủ ở Hàn Quốc áp đặt suốt 10 năm qua đã không thể ngăn chặn chương trình VKHN của Triều Tiên, nên đã đến lúc phải thử cách không đối đầu với Bình Nhưỡng. Ông Moon nói: “Chúng tôi phải ôm lấy nhân dân Triều Tiên như một một phần của quốc gia, và để làm thế, dù chúng tôi thích hay không thích, chúng phải thừa nhận Kim Jong-un là lãnh đạo và là đối tác đối thoại của chúng tôi”.

“Phe bảo thủ chỉ giỏi nói xấu Triều Tiên”

Ý tưởng này không mới. Lần gần đây nhất phe tự do nắm quyền lực ở Hàn Quốc (từ 1998 đến 2008) đã thúc đẩy Chính sách Ánh Dương để cổ động giúp đỡ và trao đổi với Triều Tiên, trong hy vọng xây dựng được sự tin tưởng lẫn nhau, hướng Triều Tiên đến sự mở cửa và giải trừ VKHN.

Kết quả là một giai đoạn quan hệ thư giãn chưa từng có ở bán đảo Triều Tiên bị chia rẽ. Nhưng Triều Tiên vẫn theo đuổi chương trình VKHN, thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên hồi năm 2006, tiếp theo là 4 lần thử nữa. Triều Tiên cũng khoe công nghệ tên lửa khiến Mỹ và các nước trong khu vực Đông Bắc Á - gồm Trung Quốc - phải lo ngại, dẫn đến việc Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ra nhiều nghị quyết trừng phạt Triều Tiên.

Các nhà phân tích nói chủ trương làm thân với Bình Nhưỡng nay có nhiều rủi ro hơn do các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, và nhiều khả năng tốn kém hơn vì Triều Tiên đã có nhiều VKHN.

Nhưng ông Moon nói chiến lược của phe bảo thủ đã không hiệu quả: “Họ đã làm được gì ngoài việc nói xấu Triều Tiên? Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ phải tăng cường cấm vận, nhưng mục đích trừng phạt phải là đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán”. Khả năng ông Soon trở thành Tổng thống Hàn Quốc được bày ra lúc chính phủ Mỹ đang tính chính sách mới đối với Triều Tiên. Ông Moon nói: “Tôi hy vọng ông Trump cũng sẽ có kết luận giống tôi”.

Để làm thân với Triều Tiên, ông Moon nói sẽ cho mở lại khu phức hợp xí nghiệp liên doanh Hàn - Triều ở thành phố Kesong (Triều Tiên). Sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân hồi đầu năm 2016, chính phủ của Tổng thống Park đã đóng cửa liên doanh này và nói rằng nó vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.

DNA của Triều Tiên là chống lại các cường quốc

Từ 10 năm qua, phe bảo thủ nắm quyền lãnh đạo Hàn Quốc có quan điểm hết mình ủng hộ liên minh với Mỹ và muốn lật đổ chế độ Kim Jong-un. Nhưng các đối thủ của họ sẽ đem lại một tinh thần mới.

Theo New York Times, ông Moon lớn lên trong một gia đình có cội nguồn ở miền bắc Triều Tiên nhưng thù ghét chế độ. Ở cuộc nội chiến Triều Tiên (1950-1953), cha mẹ ông đã cùng hàng chục ngàn người sơ tán lên tàu chiến Mỹ để đến cảng Hungnam (Hàn Quốc) hồi mùa đông 1950.

Nhưng ông Moon cũng thuộc thế hệ Hàn Quốc chia sẻ quan điểm đánh Triều Tiên của các nhà độc tài quân sự Hàn Quốc như cố Tổng thống Park Chung-hee: cha bà Park đã nắm quyền lực từ năm 1961 đến 1979.

Vào những năm 1970, chàng sinh viên đại học Moon chịu ảnh hưởng sâu đậm từ nhà báo Rhee Young-hee, người từng viết một cuốn sách chỉ trích Mỹ - Hàn tham chiến ở Chiến tranh Việt Nam. Chế độ quân sự Hàn Quốc đã cấm cuốn sách này và bắt giữ tác giả.

Năm 2011, trong cuốn hồi ký “Định mệnh”, ông Moon viết: “Cho đến lúc đó, chúng tôi được dạy rằng mọi điều Mỹ làm đều là công lý, là sự thật và những ai phản bác chính là bọn quỷ cần phải đẩy lui. Cuốn sách của Rhee đã tháo cởi những tư tưởng sai trái”.

Ngày nay, những cựu sinh viên như ông Moon đang tham gia phe đối lập. Họ không muốn đất nước bị lôi vào một cuộc đấu đá quyền lực giữa các cường quốc, trong khi phe bảo thủ chẳng ngại về phe với Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Vụ triển khai THAAD cho thấy những tư tưởng khác biệt này. Vào lúc Mỹ thúc đẩy nhanh vụ triển khai THAAD trong tuần này - như muốn triển khai trước khi có chính phủ mới, Trung Quốc đã buộc các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Trung Quốc đóng cửa, và cấm du khách Trung Quốc đến Hàn Quốc.

Kim Ki-jung, nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Yonsei ở Seoul, cũng là cố vấn chính sách đối ngoại của ông Moon, nói: “Mỹ đang thúc đẩy chúng tôi nghiêng về phương Tây một cách không cần thiết, và Trung Quốc cũng kéo chúng tôi về phương Đông một cách không cần thiết. Họ không nên thúc ép chúng tôi qua. Một phần DNA của người Triều Tiên là chống lại những cường quốc”.

Kim Hương (theo New York Times)

Bài liên quan
Loa phát thanh Triều Tiên ảnh hưởng sức khỏe người dân vùng biên giới
Trang The Korea Herald cho biết cư dân vùng biên giới liên Triều phải chịu tiếng ồn từ loa phát thanh của CHDCND Triều Tiên suốt nhiều tháng, khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc bầu Tổng thống mới: Ứng viên sáng giá có xu hướng chống Mỹ, thân Triều Tiên