Hai tuyến metro số 1 và số 2 của TP.HCM hiện đang mắc kẹt về vốn và cần phải tháo gỡ gấp.

Hai tuyến metro số 1, số 2 của TP.HCM 'mắc kẹt' vốn thế nào?

Tuyết Nhung | 06/09/2021, 23:00

Hai tuyến metro số 1 và số 2 của TP.HCM hiện đang mắc kẹt về vốn và cần phải tháo gỡ gấp.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về vốn để đảm bảo tiến độ xây dựng 2 tuyến metro số 1 và số 2.

Phản hồi trước kiến nghị này của TP, Bộ Tài chính ngày 6.9 cho biết đối với dự án tuyến metro số 1, dự án có vướng mắc vì căn cứ quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán phần vốn cấp phát cho dự án theo VNĐ tại thời điểm phê duyệt quyết định đầu tư dự án ban đầu, nay áp dụng đồng tiền vay là JPY (đồng Yên) có chênh lệch.

img-bgt-2021-metro-so-1-tphcm-1630921448-width1004height565.jpeg
TP.HCM kiến nghị tháo gỡ về vốn đối với hai tuyến Metro số 1 và 2 đến các Bộ ngành liên quan - Ảnh: Internet

Về vấn đề tỷ lệ cấp phát, cho vay lại, căn cứ ý kiến đồng thuận của TP.HCM, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về tỷ lệ cấp phát dự án là 67,5%/ tổng vốn vay theo tổng mức đầu tư ban đầu, phần tổng mức đầu tư tăng thêm áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ.

Để thúc đẩy giải quyết dứt điểm vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, UBND TP.HCM cần thống nhất với Bộ KH-ĐT xác định số vốn cấp phát cho dự án phù hợp với cơ chế tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Ngay khi dự án được giao kế hoạch vốn cấp phát và có đề nghị rút vốn, Bộ Tài chính sẽ thực hiện rút vốn", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Đối với dự án tuyến metro số 2, Bộ Tài chính cho biết đã ký các Hiệp định vay từ các nguồn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cho dự án.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện của dự án là rất chậm, phần lớn giá trị vốn vay đã cam kết phải hủy và mới chỉ giải ngân cho chi phí tài chính (khoảng 40,34 triệu USD), chưa giải ngân cho xây lắp, mua sắm thiết bị. Đến nay, toàn bộ các Hiệp định vay tài trợ dự án đều đã hết hạn giải ngân/đã hủy.

Đối với việc gia hạn thời gian giải ngân dự án (nguồn vay KfW), phía KfW chỉ đồng ý gia hạn thời hạn giải ngân của phần vốn viện trợ không hoàn lại (đến ngày 30.12.2026). Đối với phần vốn vay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được ý kiến đồng thuận của KfW về việc gia hạn và điều chỉnh lịch trả nợ gốc.

Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM cập nhật về tiến độ triển khai dự án đến nay, có ý kiến về các đề xuất của KfW nêu tại thư ngày 5.8.2021.

Đặc biệt là đề xuất ý kiến trao đổi với KfW về trách nhiệm trả phí cam kết đối với phần vốn vay theo quy định của thỏa thuận vay trong giai đoạn từ khi hết hạn giải ngân vào ngày 30.12.2020 đến khi KfW đồng ý tiếp tục gia hạn thời hạn giải ngân (ở mức 0,25%/năm tính trên số vốn chưa rút) trong trường hợp KfW đồng ý việc gia hạn đối với phần vốn vay.

"Căn cứ ý kiến trả lời của UBND TP.HCM, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục trao đổi với KfW về việc gia hạn thời hạn giải ngân khoản viện trợ và khoản vay. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là Ban Quản lý dự án và UBND TP.HCM chậm trễ trong việc triển khai dự án và trả lời các kiến nghị của nhà tài trợ", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Dự án metro số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức), với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao. Toàn dự án hiện đạt hơn 87% khối lượng, dự kiến khai thác thương mại năm 2022.

Còn tuyến metro số 2 dài khoảng 11,2km, trong đó có 9,2km đi ngầm trong lòng đất từ chợ Bến Thành qua các đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh và 2km đoạn đi trên cao. Toàn tuyến xây dựng 10 nhà ga, trong đó 9 nhà ga ngầm và 1 nhà ga trên cao.

Tổng vốn đầu tư xây dựng của tuyến metro số 2 sau điều chỉnh khoảng 2,093 tỉ USD (tương đương 47.890 tỉ đồng).

Bài liên quan
Hơn 2,4 km đường ray metro Sài Gòn được lắp hoàn thành
Sau hơn 2 tháng thi công, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã lắp được hơn 2,4km đường ray trên cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai tuyến metro số 1, số 2 của TP.HCM 'mắc kẹt' vốn thế nào?