Gió phía hồ Tây thổi về lồng lộng, dường như trong gió còn có cả mùi hương sen. Từ ngôi biệt thự có vẻ đẹp cổ kính, thấp thoáng vọng lên tiếng đàn dương cầm thánh thót bởi 10 ngón tay quý phái. Nàng đâu biết là mình đang dìu linh hồn của chàng trai học trường Abert Sarraut lên cõi địa đàng. Chàng ngây ngất chìm trong suối nguồn trong trẻo. Chàng nằm dài bên bãi cỏ ven đê, lắng nghe tiếng đàn du dưong ấy... Đó chính là chàng trai si tình Đoàn Phú Tứ

Hai mối tình sâu đậm trong đời nhà thơ Đoàn Phú Tứ

Một Thế Giới | 17/08/2015, 07:50

Gió phía hồ Tây thổi về lồng lộng, dường như trong gió còn có cả mùi hương sen. Từ ngôi biệt thự có vẻ đẹp cổ kính, thấp thoáng vọng lên tiếng đàn dương cầm thánh thót bởi 10 ngón tay quý phái. Nàng đâu biết là mình đang dìu linh hồn của chàng trai học trường Abert Sarraut lên cõi địa đàng. Chàng ngây ngất chìm trong suối nguồn trong trẻo. Chàng nằm dài bên bãi cỏ ven đê, lắng nghe tiếng đàn du dưong ấy... Đó chính là chàng trai si tình Đoàn Phú Tứ

Từng ngày trôi qua, bất kể những mưa phùn hay nắng đẹp, cứ mỗi chiều chàng trai si tình Đoàn Phú Tứ lại lảng vảng từ phía ngoài biệt thự (nay số 15 phố Thụy Khuê) để cầu mong được một lần chiêm ngưỡng nhan sắc của nàng. Nhưng chàng đã thất vọng. Đêm nay, bóng tối chập chùng buông xuống. Vầng trăng nõn nà đã giăng huyền ảo tơ vàng quanh khu biệt thự và tiếng đàn vẫn ngân vang... Nàng là con gái của một nhân vật nổi tiếng nhất thời bấy giờ: Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) và cũng là chị của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 - 1938) tác giả bài thơ Chùa Hương bất tử. Nàng tên Vân, học trường đầm, dáng mảnh mai, đôi mắt bồ câu đen nhánh như thiên thần.

Mỗi chiều tan học, nàng cùng người bạn gái là Mộng Chi thong dong bước lên xe tay nhà. Tà áo tím phất phơ trong nắng nhạt, những lúc ấy chàng cũng lầm lũi theo sau...

Nhưng nói như nhà thơ Leiba (Lê Văn Bái) thì: “Người đẹp vẫn thường hay chết yểu”. Nàng Vân đã sớm nhuốm bệnh phổi và mất lúc mới 25 tuổi (1938). Khi nghe nàng ốm nặng, chàng đánh liều xin được vào thăm nhưng rất tiếc nàng đã từ chối. Trong đau đớn tột cùng, khi biết nàng vĩnh biệt trần gian, chàng đã viết một mạch trong cơn say chếnh choáng của một người mộng du:

“Sáng nay tiếng chim thanh ,

Trong gió xanh

Dìu vương hương ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa Tần phi

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian

Màu thời gian không xanh

Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng

 Hương thời gian thanh thanh”

Viết đến đây chàng chợt sực nhớ tới tích xưa, lúc Dương Quý Phi mới vào cung, tính hay ghen tị bị Đường Minh Hoàng đưa ra một nơi. Sau nhà vua nhớ nàng quá sai Cao Lực Sĩ ra thăm. Nàng cắt tóc dâng vua. Vua trông thấy tóc thương quá lại mời nàng vào cung. Chàng lại nhớ tới chuyện xưa là có cung phi Lý phu nhân, lúc sắp mất nhất định không cho vua Hán Võ Đế xem mặt, sợ vua trông thấy nét mặt tiều tụy sẽ hết yêu. Kết hợp cả hai chuyện ấy, chàng đặt bút viết tiếp:

Tóc mây một món chiếc dao vàng

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngát”

Theo lớp sóng của thời gian, từ đó, bài thơ Màu thời gian đã vĩnh cửu đi vào văn học sử Việt Nam với tên Đoàn Phú Tứ. Và để có tuyệt tác Màu thời gian không thể quên đi người thổi hồn, nguồn cảm hứng dệt nên giai phẩm này: mối tình đầu câm lặng của thi sĩ. Tên tuổi chàng được nhiều người bắt đầu biết đến - không chỉ qua thơ khi tham gia thành lập “Xuân Thu nhã tập" mà ông còn viết những vở kịch như: Những bức thư tình, Mơ hoa, Ghen, Ngã ba... Có thể ghi nhận đây là một trong những nhà viết kịch tiên phong của sân khấu nước nhà...

Và cũng như nhiều trí thức khác, sau cách mạng tháng Tám, Đoàn Phú Tứ hào hứng đi theo cách mạng, ông là đại biểu Quốc hội khóa 1 của  nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và hoạt động sôi nổi ở lĩnh vực văn nghệ trong kháng chiến. Ngoài ra với bút danh Tuấn Đô, ông đã dịch hầu hết những tác phẩm văn học cổ điển Pháp. Ông còn là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Cho đến cuối tháng 7.1951, Đoàn Phú Tứ trở về Hà Nội sống bằng nghề dạy học. Khâm phục tài năng và học thức uyên bác của ông, một cô nữ sinh đã yêu cho dù nàng kém “thầy Tứ” đến 21 tuổi! Nàng tên Nguyễn Thị Khiêm, nhà ở số 55 Lãn Ông, sinh trưởng trong gia đình gia giáo nghiêm khắc, từ năm 15 tuổi (1946) nàng đã làm liên lạc cho các lực lượng chiến đấu ở Liên khu 1, rồi cho Trung đoàn Thủ đô, tiếp đó làm công tác giao liên, tuyên truyền cho Ủy ban kháng chiến khu 11 Hà Nội. Mối tình này chắc chắn bị gia đình ngăn cấm nhưng với cá tính mạnh mẽ, nàng tuyên bố: “Không cho cưới sẽ tự sát!”. Sự quyết liệt của người con gái càng khiến sự cảm mến lẫn cảm phục dâng lên trong lòng thi sĩ. Cuối cùng, trời không chịu đất, thì đất phải chịu trời, rốt cuộc, gia đình cô Khiêm đành phải chấp nhận chàng rể. Hôn lễ của hai người đã diễn ra vào ngày 16.8.1952 tại Hà Nội giản dị, đầm ấm với những người bạn văn thực sự gắn bó, gần gũi.

Cuộc sống vợ chồng son tràn ngập hạnh phúc, nhưng khoảng thời gian bay bổng, lâng lâng trong men say tình mới ấy không kéo dài bởi cuộc sống phức tạp, âu lo của cơm áo gạo tiền kéo họ xuống khỏi chín tầng mây. Đủ thứ tiền phải lo liệu, từ con cá, lá rau, cho tới hạt muối, củ khoai... lặng lẽ bào mòn sự lãng mạn, êm đềm trong họ. Có giai thoại kể lại rằng năm 1976, trong lúc khó khăn nhất, có lần xe của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dừng ở Hàng Da và ông trông thấy Đoàn Phú Tứ. Ông cho thư ký đến nhắn là: Chiều mai mời ông Tứ đến nhà riêng ăn cơm. Trong câu chuyện thân mật sau bữa ăn, Thủ tướng bảo: “Tôi biết anh rất giỏi tiếng Pháp và có đọc một số tiểu thuyết cổ điển Pháp mà anh đã dịch ra tiếng Việt, không những dịch được ý mà còn giữ được cả văn nữa. Sao anh không dịch cho các nhà xuất bản. Ông lặng lẽ đáp: “Hoàn cảnh của tôi... dịch thì ai in?”. Thủ tướng trầm ngâm rồi quả quyết: “Tôi sẽ đảm bảo chuyện đó cho anh”. Nhờ vậy, đời sống của vợ chồng Đoàn Phú Tứ khấm khá và dễ thở hơn. Cuối năm 1983, ông được Bộ Văn hóa - Thông tin trao tặng Huân chương Chiến sĩ văn hóa và Hội Nhà văn trao thưởng về văn học dịch.
Thật trớ trêu, khi vinh quang trở lại với ông thì người vợ thủy chung đảm đang đã lặng lẽ bỏ ông để đi về cát bụi. Bà Khiêm bị bệnh nan y phải giải phẫu, đến tháng 7.1989 bà mất, không một lời trăn trối. Những người bạn văn thơ của ông kể lại, kể từ sau vợ qua đời, nhà thơ của Màu thời gian trầm ngâm, tóc bạc đi bội phần, da sậm màu, gương mặt nhuốm màu tang chế. Họ thường thấy ông ngồi lặng lẽ trong phòng làm việc, nín lặng hóa đá như pho tượng cổ, nhìn về khu bếp, nơi bà Khiêm khi sống thường lúi húi mỗi ngày nấu nướng, thu dọn, bày biện... Phải đối diện với cuộc chia ly lớn nhất của đời người, Đoàn Phú Tứ không để bà Khiêm phải chờ đợi lâu. Hai tháng sau, ông cũng nhẹ bước theo bà và ai nấy đều tin, họ có một cuộc đoàn viên êm đềm, hạnh phúc ở thế giới bên kia. Hiện nay phần mộ của hai người nằm trên phần đất của xã Đại Kim, thôn Đại Từ (Thanh Trì) xum xuê bóng mát đã gợi một không gian êm ả “Sáng nay tiếng chim thanh/ Trong gió xanh” của thuở nào... tuyệt nhiên không nhuốm màu bụi trần ai, toan tính của vật chất tầm thường.

Theo Hôn nhân & pháp luật


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai mối tình sâu đậm trong đời nhà thơ Đoàn Phú Tứ