Vào lúc 13 giờ 30 ngày 14.8, tại số 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có cuộc bàn giao và tiếp nhận căn biệt thự nơi GS-TS Trần Văn Khê đã cư ngụ và sinh hoạt nghệ thuật suốt 9 năm qua.

Nhà của GS-TS Trần Văn Khê sẽ thành nhà lưu niệm

Một Thế Giới | 15/08/2015, 06:41

Vào lúc 13 giờ 30 ngày 14.8, tại số 32 Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) có cuộc bàn giao và tiếp nhận căn biệt thự nơi GS-TS Trần Văn Khê đã cư ngụ và sinh hoạt nghệ thuật suốt 9 năm qua.

Về tiền sử của ngôi nhà, chúng tôi xin lược trích từ cuốn Hồi ký Trần Văn Khê: "Tại Festival Huế - 2002, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Trương Ngọc Thủy hỏi tôi có ý định lưu trữ những tư liệu nghiên cứu của mình ở đâu chăng? Tôi tâm sự có nhiều tư liệu quý hiện đang cất giữ bên Pháp, chờ cơ hội sẽ trao lại toàn bộ cho các cơ quan chức năng trong nước... Giám đốc Trương Ngọc Thủy đã thay mặt Sở VH-TT hứa tìm cách giúp đưa về nước, để lưu trữ trong một căn nhà, sau này sẽ là Nhà lưu niệm Trần Văn Khê".
Sau đó, bà Thủy giao việc tìm nhà lại cho cấp phó của mình là bà Nguyễn Thế Thanh. Một thời gian sau, Sở VH-TT TP.HCM tìm được một căn biệt thự cũ ở số 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, tiến hành sửa chữa và chính thức bàn giao cho GS-TS Trần Văn Khê vàó tháng 10.2005.
Biệt thự gồm 2 khối nhà, tiền sảnh là nhà khách, cũng là nơi sinh hoạt nghệ thuật của GS-TS Trần Văn Khê (hòa đàn, diễn thuyết, văn nghệ bỏ túi...). Dãy nhà ngang phía sau có một tầng lầu. Tầng trệt là nơi sinh hoạt thường ngày. Trên lầu là kho chứa các tư liệu, hiện vật. Những hiện vật này được GS Khê đưa về nước bằng tàu thủy hồi tháng 12.2003 với 465 kiện hàng. Trong đó, có những bộ sách ghi chép về lịch sử âm nhạc VN, những đĩa hát đầu tiên của một vài nghệ nhân VN và các nước châu Á mà ngay cả ở nước sở tại cũng khó tìm được. Hơn 100 cuốn từ điển bách khoa của Anh, Mỹ, Ý, Pháp; gần 200 cuốn sổ đi đường ghi chép hành trình GS Khê tham dự hơn 200 hội nghị ở khoảng 70 quốc gia trên thế giới, hơn 2.000 sách, tạp chí nghiên cứu âm nhạc và nhạc kịch VN, một kho hình ảnh cùng 800 băng cassette ghi lại nội dung gặp gỡ nghệ nhân trong các chuyến điền dã khắp VN và một số nước trên thế giới...
Sở VH-TT TP.HCM đã phân công cho 2 đơn vị trực thuộc, tiếp nhận và bảo quản: Trung tâm bảo tồn di tích tiếp nhận mặt bằng (toàn bộ khu biệt thự), Bảo tàng TP.HCM tiếp nhận phần hiện vật, tư liệu...
Trong buổi bàn giao, phía gia đình có ca sĩ Bạch Yến (con dâu GS Khê, vợ GS-TS Trần Quang Hải, trưởng nam), các ông Hồ Thủy Tinh, Trần Bá Thùy (được GS Khê ủy quyền đại diện), bà Nguyễn Thế Thanh và Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan (2 người thân cận với gia đình GS Khê). Đại diện Trung tâm bảo tồn di tích, Bảo tàng TP.HCM. Các bên đã thỏa thuận là Sở VH-TT sẽ tạo điều kiện để tiếp tục hoàn tất việc “số hóa” các cuốn du ký.
Giải thích về việc “Sẽ trở thành Nhà lưu niệm Trần Văn Khê”, bà Nguyễn Thế Thanh (nguyên Phó GĐ Sở VH-TT-DL TP.HCM) cho rằng đó chỉ là “bản ghi nhớ” cách đây 10 năm giữa Sở VH-TT với GS Khê chứ không phải là bản hợp đồng nên không ràng buộc về pháp lý. Theo bà Thanh, suốt 9 năm ở địa chỉ trên, GS Khê đã biến ngôi nhà của mình trở thành một “địa chỉ văn hóa” tầm vóc và đáng tin cậy trong bối cảnh bản sắc văn hóa dân tộc đang bị xâm hại và có nhiều biến tướng. “Do đó, chúng ta phải tin rằng di nguyện của GS Khê (Nhà lưu niệm) sẽ được chính quyền xem xét và thực hiện, bởi GS Khê xứng đáng được như thế”; bà Thế Thanh nói. Cũng theo bà Thế Thanh, đề án “Nhà lưu niệm Trần Văn Khê” cũng đang được Ban Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM đương nhiệm đánh giá là “để án có nhiều ý tưởng hay” và đang xúc tiến thực hiện. 
Theo Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà của GS-TS Trần Văn Khê sẽ thành nhà lưu niệm