Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Nhịp đập khoa học

Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội

Lam Thanh 17:34 22/11/2024

Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.

Chuyển đổi số là chuyển đổi toàn diện

Theo báo cáo, năm 2024, thủ tục hành chính được giải quyết qua cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỉ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn đạt trên 90%. Thành phố đã tích hợp 1.579/1.937 dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia, đạt tỷ lệ 81,5%; kho dữ liệu dùng chung đã khởi tạo được 192 bộ dữ liệu, 1.941 trường thông tin, 437.621 bản ghi, do 18/20 đơn vị sở/ngành cung cấp; cổng dữ liệu mở đã có 50/98 bộ dữ liệu mở do 7 đơn vị sở/ngành cung cấp.

Ngoài ra, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối liên thông giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử lên Cổng Giám định BHYT; triển khai mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kios tự phục vụ, mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VneID; số hóa thuyết minh hình ảnh 25 điểm du lịch, gắn mã QR tra cứu thông tin cho 290 điểm di tích trên địa bàn thành phố; ký số sổ điểm, học bạ điện tử ở các cấp học; số lượng doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử đạt trên 80%, nộp thuế điện tử đạt 99%; thúc đẩy công nghệ 5G phục vụ sản xuất, logistics, cảng biển.

Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, thành phố trong top đứng đầu cả nước trên nhiều phương diện: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR index) xếp thứ 2; Chỉ số 3 hài lòng đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng thứ 5; Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) xếp thứ 3. Thành phố tiếp tục được vinh danh Địa phương top công nghiệp 4.0…

anh-man-hinh-2024-11-22-luc-17.02.04.png
Ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng

Ông Cường cho hay, năm 2024 TP.Hải Phòng xác định thực hiện 81 nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi số, với kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 400 tỉ đồng.

“Chuyển đổi số là chuyển đổi toàn diện. Chủ đề của Diễn đàn “Chuyển đổi số xanh - Động lực phát triển kinh tế, xã hội” ngày hôm nay nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng và then chốt nhất của quá trình chuyển đổi, đó là chuyển đổi xanh. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, động lực của sự phát triển”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng nhấn mạnh rằng Hải Phòng xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển thành phố, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu phát triển công nghệ, ứng dụng và dữ liệu số đã có, đi đôi với đổi mới, sáng tạo.

Dữ liệu là tài nguyên mới

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp công nghệ khuyến nghị Hải Phòng tập trung vào bổ sung các giải pháp dữ liệu, giải pháp AI trong các lĩnh vực trọng yếu như quy hoạch, bất động sản, cảng biển, logistics; hoàn thiện các hạ tầng số (dữ liệu, kết nối - nhất là 5G, hạ tầng xanh…) để thu hút nhà đầu tư.

Cụ thể, xây dựng và hoàn thiện các hạ tầng số (hạ tầng dữ liệu, hạ tầng kết nối - nhất là 5G, hạ tầng xanh…), trong đó đặc biệt là hạ tầng giải pháp chuyển đổi số - có được từ lựa chọn, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để phổ biến thúc đẩy ứng dụng trong tất cả các cơ quan, doanh nghiệp.

Tiếp theo, dữ liệu số là thành phần quan trọng trong xây dựng và phát triển chính quyền số của các địa phương và là tài nguyên mới giá trị. Hải Phòng cần liên tục tạo lập các kho dữ liệu số, đảm bảo “đúng - đủ - sạch - sống”; huy động doanh nghiệp cùng sử dụng, cùng khai thác, cơ chế khai thác tài nguyên dữ liệu, thúc đẩy phát triển kinh tế.

cds-hp.jpg
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Ngoài ra, nguồn nhân lực luôn là nền tảng để thúc đẩy mọi sự phát triển. Hải Phòng cần chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực số, phát triển nguồn nhân lực công nghệ mới, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng như AI, bán dẫn, để không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn đủ khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Chuẩn bị hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để đón những doanh nghiệp “đại bàng”

Không chỉ chuyển đổi số, trong bối cảnh các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng, TP.Hải Phòng xác định chuyển đổi số xanh là động lực quan trọng để phát triển các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp, cảng biển, du lịch và y tế.

TP.Hải Phòng hiện có 14 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động. Tầm nhìn đến năm 2050, TP.Hải Phòng quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích tối đa 15.777ha. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn Hải Phòng tăng hơn 13% và đứng trong tốp đầu các địa phương có quy mô lớn về công nghiệp. Hải Phòng cũng là địa phương có số lượng bến cảng lớn nhất cả nước với 49 bến cảng.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang được thế giới tìm đến như công xưởng tiếp theo, tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, việc định hướng chuyển dịch theo hướng xanh – thông minh cần được thực hiện nhanh, mạnh mẽ để tạo lợi thế cạnh tranh.

anh-man-hinh-2024-11-22-luc-16.57.37.png
Đại diện lãnh đạo TP. Hải Phòng cho rằng chuyển đổi số xanh vừa là thách thức, vừa là cơ hội

Theo đó, các KCN cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng KCN. Không chỉ dừng lại ở quy hoạch, xây dựng hạ tầng cơ bản, hạ tầng pháp lý sẵn sàng, vì những lợi thế cạnh tranh này sẽ biết mất trong thời gian tới, Hải Phòng cần đi đầu trong phát triển theo xu hướng và tiêu chuẩn khu phát triển công nghiệp xanh – thông minh.

Cụ thể, các KCN cần phát triển hạ tầng xanh sẵn có để hấp dẫn nhà đầu tư như điện xanh, nước sạch, môi trường xanh, xử lý rác thải xanh; hạ tầng các nhà xưởng có sẵn, xanh - thông minh với các hệ thống kiểm soát; tài chính xanh; phát triển các hạ tầng số (dữ liệu); hạ tầng truyền dẫn (cáp quang, 5G); hạ tầng các giải pháp số (các nhà cung cấp công nghệ số sẵn sàng tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho doanh nghiệp/nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi xanh)…

Đáng chú ý, Hải Phòng cũng cần có chiến lược săn đón và sự chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm đủ lớn để đón những doanh nghiệp “đại bàng” của thế giới, thay vì chạy theo các chỉ tiêu “lấp đầy”.

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội