Khi các hãng công nghệ toàn cầu đua nhau cung cấp sản phẩm cạnh tranh với ChatGPT, chatbot đình đám của công ty khởi nghiệp OpenAI, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo mật của Trung Quốc cảnh báo rằng sự tăng trưởng không kiểm soát của các dịch vụ như vậy sẽ làm gia tăng mối lo về an ninh mạng.
Theo đại diện của công ty bảo mật trực tuyến Huorong có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), hacker và các nhóm lừa đảo trực tuyến đã sử dụng ChatGPT viết mã độc hại có thể được sử dụng trong thư rác và email lừa đảo.
Người này cho biết: “Chúng tôi đã nhận thấy các trường hợp ChatGPT được sử dụng để tạo mã độc. Việc này đang làm giảm rào cản các cuộc tấn công trực tuyến”.
Đại diện của Huorong nói thêm rằng dù ChatGPT giúp các cuộc tấn công trực tuyến dễ dàng thực hiện hơn, nhưng không hẳn làm tăng hiệu quả của chúng.
“ChatGPT có thể trích dẫn các mã backdoor độc hại hoặc trojan nguồn mở có sẵn trực tuyến, nhưng sẽ không thể nâng cao chức năng của các mã để làm cho chúng hiệu quả hơn”, đại diện của Huorong nhận định.
Tuy nhiên, việc sở hữu một công cụ khác có thể hỗ trợ và phổ biến các trò gian lận trên internet không phải là điềm lành với người Trung Quốc, vốn đã gặp rủi ro trước nhiều loại gian lận trực tuyến, từ rò rỉ quyền riêng tư đến phần mềm quảng cáo độc hại.
Tiến sĩ You Chuanman, Giám đốc Trung tâm Quy định và Quản trị Toàn cầu của Viện Kiểm toán nội bộ quốc tế (IIA) thuộc Đại học Trung văn Hồng Kông (cơ sở ở thành phố Thâm Quyến), cảnh báo rằng khi công nghệ phát triển, nó có khả năng tạo thêm nhiều thách thức hơn cho lĩnh vực bảo mật trực tuyến.
You Chuanman cho hay: “Đã có trường hợp ChatGPT được sử dụng cùng một số dịch vụ được mã hóa khác, chẳng hạn như Telegram hoặc WhatsApp, khiến các hoạt động tội phạm trực tuyến trở nên bí mật hơn và khó phát hiện hoặc theo dõi hơn”.
Ông nói thêm rằng chatbot AI cũng có thể khiến hoạt động của các công ty internet Trung Quốc khó khăn hơn nhiều, do chủ yếu dựa vào đội quân kiểm duyệt là con người để xem xét nội dung trực tuyến. You Chuanman nói các dịch vụ giống ChatGPT có khả năng tạo ra một lượng lớn lừa đảo trực tuyến và nội dung nhạy cảm, đồng nghĩa với việc ngân sách đánh giá nội dung sẽ tăng đáng kể.
Tuy nhiên, sự gia tăng các trò gian lận trực tuyến không phải là vấn đề duy nhất. Các hacker cũng đang tận dụng khả năng ngôn ngữ của ChatGPT để tạo ra các email lừa đảo trông có vẻ thuyết phục hơn.
“Nội dung được cá nhân hóa không có lỗi và lừa đảo trông đáng tin cậy hơn với nạn nhân, đồng thời có khả năng hiệu quả hơn nhờ các công cụ AI”, theo Feixiang He, trưởng nhóm Adversary Intelligence Research (thu thập, phân tích và đánh giá thông tin về các đối thủ tiềm năng) tại nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng Group-IB.
Ông nói thêm: “AI giúp những kẻ lừa đảo tạo ra nội dung, tập lệnh lừa đảo độc đáo và được cá nhân hóa nhắm vào nạn nhân nhanh hơn và rẻ hơn”.
Giữa tháng 2, một công dân đã sử dụng ChatGPT, dịch vụ này không có sẵn chính thức ở Trung Quốc và cần mạng riêng ảo (VPN) để truy cập, để viết một thông báo giả theo giọng điệu của chính quyền Hàng Châu về việc thành phố bỏ chính sách ra đường theo số cuối biển số để tránh kẹt xe.
Thông báo lan truyền nhanh chóng và dẫn đến một cuộc điều tra của cảnh sát địa phương. Đây là ví dụ điển hình đầu tiên về việc ChatGPT được sử dụng để lan truyền tin đồn trực tuyến ở Trung Quốc.
Theo Liang Hongjin, các hãng công nghệ Trung Quốc trong cuộc đua ra mắt các dịch vụ tương tự ChatGPT ngày càng nhận thức được những thách thức bảo mật mà các công nghệ AI có thể gây ra. Liang Hongjin là thành viên hãng tư vấn nhân sự CGL Consulting giúp các công ty Trung Quốc thuê nhân tài AI.
Liang Hongjin nói rằng CGL Consulting đã được một loạt công ty internet hàng đầu Trung Quốc khai thác để tuyển dụng các nhà khoa học hàng đầu chuyên về bảo mật liên quan đến AI.
Thế nhưng, so với sự cạnh tranh nóng hổi để tìm kiếm những người có thể phát triển và ra mắt các dịch vụ tương tự ChatGPT, các công ty Trung Quốc đang đứng sau về mặt bảo mật để kiểm soát chatbot này. "Về tổng thể, đây là một xu hướng chung (bỏ qua nhu cầu để kiểm soát tốt hơn các công nghệ AI) trên toàn cầu", Liang Hongjin nhận định.
Tham vọng tạo chatbot giống ChatGPT của Trung Quốc bị đe dọa do thiếu chip AI tiên tiến
Để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cần thiết cho các chatbot AI như ChatGPT, Trung Quốc có thể phải dựa vào số lượng thay vì chất lượng GPU (đơn vị xử lý đồ họa) sau khi bị Mỹ chặn mua các chip tiên tiến nhất, theo các doanh nhân và các kỹ sư trong nước.
Đề cập đến LLM là động cơ hơi nước của kỷ nguyên hiện đại, doanh nhân công nghệ AI trong hội đồng của Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo Trung Quốc cho biết ở cuộc hội thảo kín gần đây rằng Mỹ dẫn trước Trung Quốc về sức mạnh điện toán chủ yếu nhờ ưu thế về các GPU, theo trang SCMP. GPU có lợi thế độc đáo trong học máy so với CPU (đơn vị xử lý trung tâm) do cách sử dụng tính toán đồng thời một cách hiệu quả.
“Chúng ta không có GPU mạnh như A100, nhưng có thể tập hợp các GPU kém mạnh hơn để giành chiến thắng nhờ số lượng. Tôi nghĩ rằng sức mạnh tính toán vẫn là một yếu tố rất quan trọng, mang tính quyết định để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh sau này”, doanh nhân này nhận xét. A100 là chip AI cho trung tâm dữ liệu của Nvidia mà Mỹ đã chặn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Doanh nhân trên, giống như những người khác được trích dẫn trong câu chuyện này, yêu cầu không nêu tên vì tính nhạy cảm của chủ đề.
Kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022, mức độ phổ biến đáng kinh ngạc của chatbot này dẫn đến cuộc chạy đua giữa các hãng công nghệ lớn để phát triển các phiên bản sản phẩm generative AI của riêng họ. Điều này đã mở rộng sang Trung Quốc, nơi công ty tìm kiếm internet Baidu, chủ sở hữu ứng dụng TikTok - ByteDance, gã khổng lồ về truyền thông xã hội và game Tencent Holdings và hãng khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đều tham gia cuộc đua.
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng Trung Quốc phải đối mặt với một số trở ngại lớn trong việc tạo ra chatbot tương tự như ChatGPT. Sản phẩm này có thể bị cản trở bởi sự kiểm duyệt hoặc các hạn chế ngày càng tăng với việc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến. Khi nói đến chip được sử dụng để đào tạo AI, GPU là thành phần chính.
Theo TrendForce (công ty nghiên cứu thị trường và dự báo xu hướng công nghệ trụ sở tại Đài Loan), việc triển khai một số lượng lớn GPU hiệu suất cao giúp rút ngắn thời gian đào tạo generative AI, đòi hỏi phải sàng lọc lượng dữ liệu khổng lồ.
Trong trường hợp mô hình GPT (Generative Pre-training Transformer) cung cấp sức mạnh cho ChatGPT, số lượng tham số đào tạo tăng từ khoảng 120 triệu vào năm 2018 lên gần 180 tỉ vào năm 2020, TrendForce ước tính. GPT là một mô hình tạo văn bản AI do Alec Radford (nhà nghiên cứu AI) viết, sau đó được OpenAI phát triển.
“Số lượng GPU cần thiết để thương mại hóa mô hình GPT (hay ChatGPT) dự kiến sẽ trên 30.000”, TrendForce cho biết trong ghi chú, đưa ra ước tính giả định việc sử dụng A100 của Nivida.
CPU và GPU tiên tiến của các nhà phát triển hàng đầu như Intel, AMD và Nvidia được sử dụng rộng rãi trong số các nhà cung cấp dịch vụ đám mây AI của Trung Quốc.
Tại Hội nghị các nhà phát triển AI toàn cầu ở thành phố Thượng Hải tuần trước, một số chuyên gia lo ngại tham vọng tạo chatbot AI tương tự ChatGPT của các hãng công nghệ lớn Trung Quốc có thể bị cản trở do thiếu chip cung cấp sức mạnh tính toán khổng lồ cần thiết để hỗ trợ các mô hình AI tinh vi.
“Nếu Trung Quốc muốn tạo ChatGPT của riêng mình, chúng ta cần hàng chục ngàn chip Nvidia A100 để cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết”, Zheng Weimin, giáo sư Đại học Thanh Hoa trực thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho hay.
Theo Yang Fan, đồng sáng lập và Phó chủ tịch của SenseTime (công ty phần mềm AI hàng đầu Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt thương mại kể từ năm 2019), giá chip A100 đã tăng 50% trong hai tuần qua do sự náo nhiệt xung quanh ChatGPT.
“Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất chip và phần mềm có thể hỗ trợ ít nhất 50 đến 70% công suất tính toán cần thiết để chạy ChatGPT”, Yang Fan nhấn mạnh.
Vào tháng 8.2022, Mỹ đã cấm Nvidia bán A100 và H100, hai GPU trung tâm dữ liệu mạnh mẽ, cho các khách hàng ở Trung Quốc nếu không có giấy phép, như một phần trong nỗ lực từ Mỹ nhằm giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các chip tiên tiến.
Nvidia sau đó cho biết có một dòng sản phẩm thay thế với thông số kỹ thuật thấp hơn dành cho khách hàng Trung Quốc. Đó là A800 với hiệu suất đã được hạ thấp để đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Chip đó có đủ sức mạnh tính toán để đáp ứng nhu cầu của hầu hết khách hàng, theo Giám đốc bán hàng tại Sitonholy, đối tác của Nvidia tại Trung Quốc chuyên cung cấp các giải pháp cho máy chủ AI và các thiết bị điện toán công suất cao khác.
“Hệ sinh thái GPU của Trung Quốc không đủ mạnh. Nhiều nhà cung cấp GPU vẫn đang đánh giá hiệu suất các sản phẩm của họ so với Nvidia V100”, ông nói. V100 là GPU trung tâm dữ liệu mà Nvidia đã phát hành vào năm 2017.
Ngay cả khi các hãng chip Trung Quốc có thể thiết kế GPU phức tạp như A100, việc sản xuất chúng là trở ngại khác do các lệnh trừng phạt hiện tại của Mỹ.
Một giám đốc tại Xi’an UnilC Semiconductors Co, công ty con của tập đoàn chip Tsinghua Unigroup (Trung Quốc), cũng lưu ý về những thách thức trong việc tiếp cận các công nghệ sản xuất chip tiên tiến.
“Tape-out (quá trình chế tạo thử nghiệm trước khi sản xuất hàng loạt) có thể phải đối mặt với những hạn chế nếu sức mạnh tính toán của một số chip AI và GPU nhất định vượt quá giới hạn được thiết lập bởi Mỹ. Trước đây, Trung Quốc có cơ hội nâng cấp quy trình sản xuất chip của mình lên 5 nanomet hoặc 7 nanomet, nhưng những hạn chế với các công cụ tiên tiến khiến điều này trở nên rất khó khăn”, ông cho hay.
Vào tháng 10.2022, Mỹ đã tăng cường đáng kể các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của mình với mục đích hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Trung Quốc với một số chất bán dẫn cao cấp và công cụ sản xuất chip tiên tiến giúp sản xuất chip trong nước.
Mỹ cũng sử dụng "quy định cánh tay dài" để ngăn các nhà máy bán dẫn dùng các công nghệ nguồn gốc từ Mỹ để sản xuất các chip có thể thực hiện hơn 4.800 ngàn tỉ phép tính mỗi giây cho khách hàng Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm, công cụ và công nghệ nhập khẩu khác để thiết kế và sản xuất chip trong nước, gồm cả phụ thuộc vào cả quy trình sản xuất nút trưởng thành và tiên tiến khó giảm trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, một kỹ sư cấp cao của Nvidia cho biết việc phát triển GPU không phải là "ma thuật đen tối", nên Trung Quốc có cơ hội bắt kịp các công nghệ giống ChatGPT.