Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phối hợp, cấp cứu thành công 2 bệnh nhân đột quỵ do tắc hoàn toàn động mạch não giữa, thông qua thực hiện quy trình báo động đỏ liên viện.

Hai bệnh viện phối hợp cứu sống hai bệnh nhân bị đột quỵ

Phạm Phong | 26/07/2019, 11:57

Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ đã phối hợp, cấp cứu thành công 2 bệnh nhân đột quỵ do tắc hoàn toàn động mạch não giữa, thông qua thực hiện quy trình báo động đỏ liên viện.

Sáng 26.7, đại diện Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, đã điều trị thành công 2 bệnh nhân nhồi máu não do tắc động mạch não giữa, nhờ sự phối hợp quy trình báo động đỏ liên viện.

Bệnh nhân thứ nhất là Trần Văn Vui (57 tuổi, ngụ H.Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), có tiền sử tăng huyết áp đang điều trị. Rạng sáng 24.7, bệnh nhân đột ngột ngất và không nói chuyện được, liệt nửa người trái nên được chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng.

Tại đây, bệnh nhân được chụp CT scanner sọ não và MRI mạch máu não và chẩn đoán nhồi máu não và có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết (Alteplase). Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã liên hệ với Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần thơ để phối hợp cấp cứu bệnh nhân.

Nhận được tin báo, bác sĩ CK2 Ông Văn Mỹ, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Đơn vị can thiệp đột quỵcủa Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ lập tức bố trí đội cấp cứu đột quỵvà kích hoạt đội can thiệp mạch máu não trong tư thế sẵn sàng.

7 giờ 15 phút ngày 24.7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, khó tiếp xúc. Do đã có kết quả chẩn đoán hình ảnh từ tuyến trước, bệnh nhân nhanh chóng chuyển sang phòng DSA. Ê kíp can thiệp đột quỵđã chụp và xác định bệnh nhân còn tắc gần như hoàn toàn động mạch não giữa phải.

Êkíp đã thực hiện can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ. Kết quả chụp kiểm tra sau can thiệp đã tái thông hoàn toàn động mạch não giữa phải. Từ lúc vào viện đến tái thông mạch máu não là 90 phút. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến lúc can thiệp là dưới 6 giờ. Sáng 26.7, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, còn yếu nửa người bên trái, thực hiện tốt các y lệnh.

Vào ngày 25.7, cũng nhờ sự phối hợp quy trình báo động đỏ giữa 2 bệnh viện này, cũng đã giúp cứu sống bệnh nhân Võ Ngọc Chợ (83 tuổi, ngụ H.Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp - rung nhĩ, đang điều trị. Khoảng 6 giờ 30 sáng 25.7, bệnh nhân đang tập thể dục đột ngột không nói chuyện được, liệt nửa người phải và được chuyển vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng.

Tại đây bệnh nhân được chụp CT scanner sọ não và CT mạch máu não, sau đó chẩn đoán nhồi máu não do huyết khối động mạch não giữa trái giờ thứ hai và có chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã liên hệ với Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ để phối hợp cấp cứu bệnh nhân.

Tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, ê kíp đã thực hiện can thiệp thành công lấy huyết khối động mạch não giữa trái trong thời gian vàng của đột quỵ (thời gian từ lúc khởi phát bệnh đến lúc lấy huyết khối là dưới6 giờ). Sau can thiệp, bệnh nhân ổn định và tri giác cải thiện rõ, thực hiện được các y lệnh.

Theo TS.BS Hà Tấn Đức - Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ:“Bệnh nhân đột quỵcó tỷlệ tử vong và tàn tật cao. Nhập viện trong những giờ đầu sau đột quỵcó ý nghĩa quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong và gia tăng cơ hội hồi phục. Đột quỵcó thể chia thành 2 loại là xuất huyết não và nhồi máu não. Nhồi máu não có tỷlệ cao hơn, chiếm khoảng 80-85%, xảy ra do tình trạng tắc mạch não.

Bệnh nhân nhồi máu não nếu đến viện trong "giờ vàng" là 3 giờ kể từ khi xuất hiện bệnh thì có thể được áp dụng các liệu pháp điều trị tái thông mạch máu. Khi đó, có thể tái thông bằng thuốc, thất bại có thể chuyển sang can thiệp nội mạch lấy huyết khối nếu không quá 6 giờ. Phương pháp điều trị đột quỵ hiện nay chỉ áp dụng cho bệnh nhân đến trong 6 giờ kể từ lúc bắt đầu có triệu chứng khởi phát.

Hiện tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần thơ đã triển khai điều trị can thiệp đột quỵbằng cả 2 phương pháp: truyền thuốc tiêu huyết khối qua đường tĩnh mạch và can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ từ năm 2016.

Số lượng bệnh nhân can thiệp là trên 200 trường hợp, trong đó có 150 trường hợp thành công bằng thuốc tiêu huyết khối và trên 50 trường hợp thành công bằng can thiệp. Nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ được cứu sống nhờsự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 bệnh viện trong quy trình báo động đỏ liên viện…

Phong Phạm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chốt lịch nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các ngày lễ năm 2025
5 giờ trước Sự kiện
Công chức, viên chức được nghỉ Tết Nguyên đán 2025 từ ngày 25.1 - 2.2.2025 (26 tháng chạp năm Giáp Thìn đến mùng 5 tháng giêng năm Ất Tỵ).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai bệnh viện phối hợp cứu sống hai bệnh nhân bị đột quỵ