Ngày 9.3.2022, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết vừa phối hợp Bệnh viện Hậu Giang cứu sống cụ bà có bệnh lý tim mạch nặng kèm choáng nhiễm trùng do sỏi mật trong 10 phút.

Hai bệnh viện phối hợp cứu cụ bà bị tim mạch nặng, nhiễm trùng do sỏi mật

Phong Phạm | 09/03/2022, 11:09

Ngày 9.3.2022, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết vừa phối hợp Bệnh viện Hậu Giang cứu sống cụ bà có bệnh lý tim mạch nặng kèm choáng nhiễm trùng do sỏi mật trong 10 phút.

Bệnh nhân là bà N.T.B. (77 tuổi, ngụ TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) được tuyến trước chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) vào lúc 9 giờ 50 phút ngày 28/2/2022 với chẩn đoán sốc tim nhồi máu cơ tim bán cấp, suy tim độ 4, loạn nhịp tim nặng, sỏi ống mật chủ.

e-kip-bac-si-dang-thuc-hien-noi-soi-mat-tuy-nguoc-dong-cap-cuu-.jpg
Các bác sĩ đang cấp cứu cho bà cụ - Ảnh: Phong Phạm

Bệnh nhân được sử dụng vận mạch liều cao và đặc biệt do rối loạn nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động (huyết áp thấp do loạn nhịp nhanh) nên tuyến trước đã xử trí sốc điện 2 lần để điều trị rối loạn nhịp và nhanh chóng chuyển đến BVĐKTƯCT.

Tình trạng lúc nhập viện: bệnh nhân lơ mơ, tình trạng nhiểm trùng nặng, vàng da, vàng mắt, huyết áp thấp, mạch nhanh nhẹ.

Kết quả siêu âm ghi nhận bệnh nhân bị sỏi ống mật chủ gây giãn đường mật trong và ngoài gan. Hội chẩn nhiều chuyên khoa chẩn đoán: choáng nhiễm trùng do sỏi đoạn cuối ống mật chủ; nhồi máu cơ tim cũ; suy tim độ III; loạn nhịp nhanh thất.

Bệnh nhân được hồi sức nội khoa tích cực, điều trị suy tim, loạn nhịp và để giải quyết nguyên nhân choáng nhiễm trùng, giải quyết yếu tố nhiểm trùng làm nặng suy tim và rối loạn nhịp. Phương pháp tối ưu là nội soi mật tụy ngược dòng (NSMTND), dù nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao do có loạn nhịp tim, suy tim nặng, tuổi cao, sốc nhiễm trùng nặng…

Các bác sĩ thống nhất vừa hồi sức, khi tình trạng bệnh nhân cho phép sẽ thực hiện NSMTND. Ê-kíp BS.CK2 Bồ Kim Phương, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học truyền máu, BS.CK1 Lý Thị Trăng Thanh, khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức thực hiện và ghi nhận có 1 viên sỏi kẹt ở đoạn cuối ống mật chủ, kích thước khoảng 10 mm, ống mật chủ dãn 12 mm, có nhiều dịch mủ trắng.

Sau đó các bác sĩ dùng Ballon (bóng kéo sỏi) lấy thành công viên sỏi, kiểm tra cẩn thận thấy hết sỏi. Thời gian thủ thuật là 10 phút.

Sau can thiệp, toàn trạng bệnh nhân ổn định dần. Quá trình hồi sức đối với bệnh nhân này rất khó khăn. Tuy nhiên bằng năng lực chuyên môn của đội ngũ gây mê hồi sức, sau 5 ngày điều trị tích cực bệnh nhân đã ngưng thở máy, ngưng được thuốc vận mạch.

Bệnh nhân hiện tỉnh táo, sinh tồn ổn bụng mềm, không sốt, tình trạng suy tim và rối loạn nhịp tim đã ổn định.

benh-nhan-on-dinh-khong-sot-bung-mem-.jpg
Bệnh nhân đã ổn định, không sốt, bụng mềm - Ảnh: Phong Phạm

BS.CK2 Bồ Kim Phương thông tin: “Sỏi đường mật thường kết hợp với nhiễm trùng đường mật. Bệnh nhân sỏi đường mật đến bệnh viện muộn khi có nhiễm trùng nặng, viêm mủ đường mật, sốc nhiễm trùng, hay biến chứng thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc mật, viêm tụy cấp… dễ dẫn đến tử vong.

Sốc nhiễm trùng đường mật do sỏi chiếm tỷ lệ 2-10% bệnh sỏi đường mật. Để làm giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng cần hồi sức nội khoa tích cực, đồng thời thực hiện các biện pháp giải áp mật và lấy sỏi nếu được cho bệnh nhân. Tắc mật là yếu tố quan trọng trong bệnh sinh của viêm đường mật do sỏi do vậy giải áp đường mật là một mục đích quan trọng trong điều trị”.

Trước đây, điều trị sỏi ống mật chủ tại Việt Nam hầu hết bằng phẫu thuật hở, mở ống mật chủ lấy sỏi và dẫn lưu đường mật với ống Kehr. Cùng với sự tiến bộ của y học, cũng như sự phát triển của kỹ thuật nội soi chụp mật tụy ngược dòng và cắt cơ vòng để lấy sỏi rất được phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Vì đây là kỹ thuật ít xâm lấn nên kỹ thuật này đã được ứng dụng để xử trí cấp cứu bệnh nhân sỏi ống mật chủ khi có biến chứng nội khoa nặng như: viêm tụy cấp, nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy thận cấp, rối loạn đông máu.

Nhận định thêm về ca cấp cứu trên, BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc BVĐKTƯCT cho biết, có nhiều yếu tố mang lại sự thành công của ca cấp cứu trên. Trước hết là xử trí cấp cứu rối loạn nhịp tim ban đầu, chuyển viện kịp thời, an toàn từ tuyến trước.

Đặc biệt, ngay khi tiếp nhận bệnh, các khoa chuyên môn của bệnh viện đã rất nhanh chóng xử lý đồng bộ, nhịp nhàng. Ngoài ra, bên cạnh năng lực của các bác sĩ thì cũng phải kể tới việc được trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại đang phát huy hiệu quả rất tốt.

Chính việc đầu tư và khai thác hiệu quả các trang thiết bị hiện đại đã giúp các bác sĩ cũng như bệnh viện triển khai tốt các kỹ thuật chuyên sâu. Càng triển khai được nhiều kỹ thuật khó, cứu sống được những ca bệnh nặng sẽ càng giúp cho ê-kíp thêm tự tin và công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai bệnh viện phối hợp cứu cụ bà bị tim mạch nặng, nhiễm trùng do sỏi mật