Giá nước sạch ở Hà Nội được đề xuất tăng từ ngày 1.7. Điều này sẽ tác động đến cuộc sống người dân thủ đô.

Hà Nội tăng giá nước sạch từ ngày 1.7, cần theo dõi biến động thu nhập của người dân

Tuyết Nhung | 30/06/2023, 11:18

Giá nước sạch ở Hà Nội được đề xuất tăng từ ngày 1.7. Điều này sẽ tác động đến cuộc sống người dân thủ đô.

Theo dự thảo quyết định của UBND TP.Hà Nội về phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP, giá nước được tăng theo lộ trình trong năm 2023 và 2024, bắt đầu từ ngày mai 1.7.

tang-gia-nuoc-sach.jpg

Cụ thể, giá bán lẻ nước sinh hoạt ở mức 10m3/hộ/tháng sẽ tăng từ 5.973 đồng/m3 lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7.2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024; từ trên 10 - 20m3/hộ/tháng tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7.2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024; từ trên 20 - 30m3/hộ/tháng tăng từ 8.669 đồng/m3 lên 12.000 đồng/m3 từ tháng 7.2023 và lên 16.000 đồng/m3 vào năm 2024. Đến năm 2024, mức giá cao nhất với nước sinh hoạt sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3/hộ/tháng.

Theo lý giải của Sở Tài chính, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giá nước còn có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho người dân thủ đô.

Giới chuyên gia cho rằng việc TP.Hà Nội dự kiến điều chỉnh tăng giá nước sạch sinh hoạt từ ngày 1.7.2023 chắc chắn sẽ tác động đến cuộc sống của người dân. Song, những tác động đó sẽ là rất nhỏ so với việc tạo động lực để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch cho thủ đô.

PGS-TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng việc điều chỉnh giá nước sạch tại thời điểm này là cần thiết nhằm nâng cao năng lực, chất lượng cung cấp nước sạch trên địa bàn thủ đô, nhất là trong những ngày nắng nóng.

Còn ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng: "Qua nghiên cứu các phương án giá của Hà Nội, chúng tôi thấy phương án đã được tính toán, áp dụng về nguyên tắc, phương pháp xác định giá, thẩm quyền quyết định giá theo đúng quy định tại Thông tư số 44/2021/TT-BTC quy định về khung giá, nguyên tắc, phương án xác định giá. Tuy nhiên, tăng giá nhưng vẫn phải cam kết triển khai tốt các giải pháp đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân. Điều chỉnh giá nhưng phải cung ứng nước sạch đáp ứng liên tục, đủ nhu cầu cũng như chất lượng nước phải đảm bảo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phải làm thật tốt chính sách phục vụ khách hàng, chống gian lận trong đo đếm lượng nước sử dụng và tính tiền nước".

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Thành viên Dân chủ - Pháp luật (Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội) nhấn mạnh tăng giá nước sạch nhưng cũng cần quan tâm đến việc kiểm tra, thanh tra toàn bộ các khâu trong đầu tư xây dựng các nhà máy, các trạm sản xuất nước sạch trên địa bàn TP và khu vực, đảm bảo chất lượng nước sạch đúng tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực.

Ở góc độ khác, TS Đinh Hạnh, Chủ nhiệm Hội đồng Thành viên về Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hà Nội) lại cho rằng cần theo dõi biến động về tiền lương, thu nhập của các đối tượng trong thời gian tới để kịp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, vừa đảm bảo ổn định đời sống của người dân, vừa khuyến khích thu hút đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh nước sạch, nâng cao hơn nữa sản lượng nước sạch ở cả thành thị và nông thôn.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội cho rằng phương án tăng giá nước đã tính đến yếu tố đảm bảo cho việc cung ứng sản xuất nước sạch và hài hòa cho người tiêu dùng. Các mức giá đã được phân loại cho từng đối tượng và có mức giá ưu tiên cho gia đình chính sách, gia đình nghèo, cận nghèo. Theo thống kê tại Hà Nội, số hộ sử dụng nước sinh hoạt dưới 10m3/tháng chiếm 31%, dùng 10 - 20m3 chiếm 59%, dùng từ 20m3 và 30m3 trở lên đều tới 5%.

Dự thảo quy định giá bán lẻ đồng nhất trên toàn TP không phân biệt ngoại thành và nội thành là hợp lý, bởi lẽ mức giá còn phụ thuộc vào sự điều tiết để đảm bảo chi phí phân phối, mật độ dân cư, suất đầu tư cho các khu vực, nhất là với các vùng hiện khó khăn về cơ sở.

Đại diện công ty nước sạch khẳng định: "Sau khi dự thảo điều chỉnh giá nước sạch được thông qua, công ty cấp nước sẽ khắc phục được những khó khăn, đổi mới công nghệ và phát triển hệ thống cấp nước. Từ đó chất lượng nước được nâng cao, đảm bảo việc cấp nước ổn định đến người tiêu dùng trong quá trình vận chuyển mạng lưới lưu thông".

Bài liên quan
Hà Nội: 149 xã chưa có nước sạch, nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai dự án
Hiện TP.Hà Nội còn 149 xã chưa có nước sạch, trong đó 121 xã đã giao nhà đầu tư nhưng chưa thực hiện, 28 xã chưa có nhà đầu tư đề xuất dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
một giờ trước Thị trường và chính sách
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội tăng giá nước sạch từ ngày 1.7, cần theo dõi biến động thu nhập của người dân