Lãnh đạo xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) cho biết đến nay đã phá dỡ 3 công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng ở thôn Lâm Trường.

Hà Nội: Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn

Báo TN | 25/04/2019, 13:03

Lãnh đạo xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội) cho biết đến nay đã phá dỡ 3 công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng ở thôn Lâm Trường.

Ông Nguyễn Văn Hân, Chủ tịch UBND xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn), cho biết việc phá dỡ công trình vi phạm trên đất rừng tại thôn Lâm Trường bắt đầu từ ngày 23.4. Trong khi đó, một số công trình vi phạm khác, người dân cũng đã tự tháo dỡ.

Đến nay, lực lượng cưỡng chế đã phá dỡ được 3 công trinh vi phạm xây dựng trên đất rừng với tổng diện tích khoảng hơn 100m2. Trong những ngày tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cưỡng chế những công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn.

Như vậy, sau khi Thanh tra TP.Hà Nội ban hành kết luận thanh tra hơn 1 tháng, huyện Sóc Sơn đã triển khai kế hoạch phá dỡ công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng. Dù gần đây, gần 20 hộ dân ở thôn Lâm Trường đã có đơn khiếu nại về kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố chỉ ra nhiều điểm không thỏa đáng.
Một số hộ dân ở thôn Lâm Trường cho biết, trước khi chính quyền đưa máy móc, phương tiện đến phá dỡ, người dân cũng nhận được các thông báo và đã chủ động di chuyển những đồ dùng, tài sản của gia đình.

Một số người dân cũng tự tháo dỡ công trình vi phạm trên đất rừng ở thôn Lâm Trường

Theo quyết định cưỡng chế do ông Đỗ Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn ký thì các cơ quan như Đội Quản lý trật tự xây dựng, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Quản lý đô thị, Công an huyện… sẽ cùng phối hợp tổ chức cưỡng chế.
Kết luận thanh tra của Thanh tra TP.Hà Nội chỉ rõ từ năm 2006 đến nay, địa bàn huyện Sóc Sơn có gần 1.000 công trình vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng, riêng ở xã Minh Phú và xã Minh Trí có 659 công trình vi phạm.

Trong đợt tổ chức xử lý đầu tiên, sẽ có 68 công trình bị xử lý. Tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú có gần 20 công trình vi phạm xây dựng trên đất rừng sẽ bị xử lý trong đợt đầu.
Chiếu theo 2 kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội, danh sách những cá nhân phải chịu trách nhiệm về vi phạm ở Sóc Sơn suốt hơn 10 năm qua lên tới con số cả trăm người.

Sau khi ban hành kết luận thanh tra, UBND TP.Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Trong đó, ngoài yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân có liên quan, Hà Nội yêu cầu chính quyền huyện Sóc Sơn phải tổ chức cưỡng chế ngay đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý trong các năm 2017 - 2018 trên địa bàn 10 xã (Minh Trí, Minh Phú, Phù Linh, Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Nam Sơn và Tân Minh) và thị trấn Sóc Sơn, trả lại nguyên trạng ban đầu; xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đối với các chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Lập kế hoạch và thiết lập hồ sơ, phương án xử lý, khắc phục đối với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006 - 2018 tại Sóc Sơn, đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất...

Đối với tất cả các trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên địa bàn, UBND huyện phải làm rõ các trường hợp đã cấp không đúng quy định để có phương án xử lý.
Tất cả những nội dung công việc trên phải được UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, báo cáo Thường vụ Huyện ủy trong quý 2 năm nay, gửi kế hoạch cho Thanh tra thành phố, các sở, ngành để giám sát, phối hợp thực hiện.

Thanh tra thành phố giao chuyển Công an thành phố các hồ sơ liên quan đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch đất rừng Sóc Sơn từ năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Báo Thanh Niên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn