Ngày 31.8, tác giả Hà Huy Thanh – một người con Hà Tĩnh đã có buổi ra mắt cuốn sách mang tựa đề “Tình thương” tại Hà Nội.

Hà Huy Thanh và định nghĩa đầu tiên trên Google về 'tình thương'

01/09/2017, 09:47

Ngày 31.8, tác giả Hà Huy Thanh – một người con Hà Tĩnh đã có buổi ra mắt cuốn sách mang tựa đề “Tình thương” tại Hà Nội.

Tác giả Hà Huy Thanh (bên phải) cùng GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam (ngồi giữa) và Th.S Nguyễn Hằng Thanh, Trưởng ban Đối ngoại Hội Kiều học Việt Nam trong buổi ra mắt sách

Tác giả Hà Huy Thanh cho rằng, để hóa giải những bi kịch hãi hùng sẽ diễn ra trong nay mai thì chỉ có tình thương và duy nhất tình thương mà thôi. Tất nhiên, muốn thương người thì trước hết phải thương mình, thấu hiểu mình. Nếu không, liệu rằng người ta có thể yêu thương ai được? Lúc đó có thể chỉ như một sự làm phiền hoặc làm hại người khác mà thôi.

Bởi vậy, cuốn sách nhỏ gọn với dung lượng 13 chương thì có tới 5 chương nói về nguyên lý của tình thương, mà theo tác giả đó chính là “thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp”. Anh cho rằng phạm trù tình thương tưởng chừng rất đỗi quen thuộc trong đời sống nhưng nếu tìm kiếm từ khóa “tình thương” trên Google hay trên bách khoa toàn thư mở Wikipedia đều không có một định nghĩa nào cụ thể. Thì qua cuốn sách này, người đọc sẽ được tiếp cận một định nghĩa của riêng Hà Huy Thanh về tình thương – một từ ngữ không thể dịch sang tiếng Anh mà tác giả có tham vọng khiến người nước ngoài sẽ phải dùng đến nó.

Tác giả Hà Huy Thanh cho biết anh viết những dòng đầu tiên về cuốn sách này khi vừa đọc xong một bản tin về người đàn ông đã đâm chết vợ mình khi thấy cô ấy đi cùng người đàn ông khác trên phố Hàng Bông.

“Chàng trai đã tự biến mình thành kẻ giết người, đau đớn hơn là giết chính vợ mình. Nhiều người cho rằng người đàn ông đó là ghen tuông, tàn ác nhưng tôi nghĩ rằng người đàn ông đó đã thiếu đi tình thương. Có thể, chúng ta sẽ gặp nhiều con người, nhiều câu chuyện như thế trong xã hội. Và để hóa giải những đau khổ, bi kịch đó có lẽ chỉ có thể là tình thương mà thôi”, Hà Huy Thanh chia sẻ và cũng tiết lộ rằng bản thân mình hoàn thành cuốn sách chỉ trong 3 tháng và trên chiếc smartphone.

Anh chia sẻ rằng, vì không phải là một triết gia nên nguyên lý tình thương anh đưa ra không phải là một học thuyết, mà nó là một hành thuyết, một nguyên lý để mọi người có thể thực hành trong từng hơi thở.

Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, PGS.TS Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch Sabeco kể câu chuyện hết sức cảm động của bản thân. Đó là khi ông sinh con trai vào ngày 18, ông đã ghi một số thông tin về con vào tờ lịch ngày hôm đó rồi cất đi. Cứ vậy, đến ngày 18 hàng tháng ông lại thực hiện điều này tận 28 năm. Khi con trai chuẩn bị cưới vợ thì đã có 343 tờ lịch được ghi chép rất đầy đủ mọi thông tin về con trai tôi, về gia đình, về đất nước và chút ít thông tin về quốc tế. Ông bất ngờ tặng con trai trong ngày cưới trước sự ngỡ ngàng và thán phục của mọi người.

Tuy nhiên, ông Tuất phải thú thật rằng: “Cho đến cách đây 3 ngày, khi Hà Huy Thanh tặng tôi cuốn “Tình thương”, tôi đọc ngấu nghiến trong liền 2 tiếng và giật mình… Đến bây giờ tôi mới hiểu được trọn vẹn hai chữ “Tình thương”.

Theo ông Tuất, tình thương mà Hà Huy Thanh lý giải, cắt nghĩa và khu trú vào những nội dung gần gũi, giản dị và sâu đậm đến độ sẽ chẳng còn hoài nghi gì. “Tôi đã từng bi quan rằng khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường thì các quan hệ về tình thương sẽ ít đi rất nhiều và ở đó chỉ còn sự ganh đua, cạnh tranh, sát phạt nhau. Nhưng không phải vậy! Hà Huy Thanh đã thổi vào tôi một niềm tin, rất dễ tin rằng tình thương là vĩnh cửu, có trong từng hơi thở, có trong từng hành vi của con người dù ở bất kỳ cơ chế kinh tế hay thể chế nào”.

“Tôi đặc biệt chia sẻ với Hà Huy Thanh rằng tình thương như một cấu thành của văn hóa, nó tồn tại như một phần của tâm linh, của sự cao thượng vốn có trong sâu thẳm mỗi con người. Tôi thán phục người viết trẻ Hà Huy Thanh ở cả tính triết lý cao, sự thành thục và chất phác trong các chuyện kể đã làm cho tình thương đi từ thực tiễn nhẹ nhàng qua sự đúc kết của logic triết học và quay lại thực tiễn tinh tế và rất đỗi giản dị”, ông Tuất nêu.

Có mắt tại buổi ra mắt sách, GS Phong Lê cho biết đây là một cuốn sách dễ đọc và có ích, bởi những trình bày ngắn gọn như công thức, các nội dung hoặc điểm nhấn: Sau 3 nguyên lý của tình thương là 4 nền móng quyền lực: thân thể khỏe mạnh, tình cảm cân bằng, trí tuệ sáng suốt, tâm linh mạnh mẽ; là 2 mục tiêu: ban tặng và biết ơn; là 8 nhu cầu của con người (theo Maslow); là quy trình 5 bước: suy nghĩ, hành động, thói quen, tính cách, số phận; là 6 phẩm chất của dân tộc Việt: khả năng thích ứng, tôn trọng quy luật, đạo trung dung, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần hy sinh, đoàn kết…

“Đọc Tình thương, tôi tin tưởng ở một thế hệ trẻ am hiểu lịch sử để không bao giờ cắt đứt với lịch sử; có cái nhìn tỉnh táo trong mọi so sánh, từ vi mô đến vĩ mô, cả hai đều là vô cùng, cũng vô cùng như chính con người - một sản phẩm vĩ đại của tự nhiên, hoặc tạo hóa”, GS Phong Lê nói.

Ông cũng cho biết thêm, đọc cuốn sách này ông có được niềm an ủi, hoặc bù đắp cho những bi quan về thực trạng hôm nay với các suy thoái và băng hoại thế đạo nhân tâm gần như trước đây ít có hoặc chưa có.

Hoài Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Huy Thanh và định nghĩa đầu tiên trên Google về 'tình thương'