Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) vừa thông tin về kết quả cuộc khảo sát từ hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực địa ốc.

Góc nhìn khác về các giải pháp “cứu” doanh nghiệp bất động sản

Ngọc Đại | 01/09/2023, 23:59

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) vừa thông tin về kết quả cuộc khảo sát từ hơn 500 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực địa ốc.

bds.jpg
Các dự án BĐS sở hữu vị trí “vàng” trên đường Võ Nguyên Giáp (TP.Thủ Đức, TP.HCM)

Qua cuộc khảo sát, các doanh nghiệp BĐS cho biết những chính sách mới của Nhà nước chỉ đang dừng lại ở giai đoạn “tiếp cận” và tháo gỡ “lớp ngoài”, đồng thời đánh giá những vấn đề mà các doanh nghiệp đang gặp là bài toán khó không thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Cụ thể, có 57% doanh nghiệp đánh giá các cơ chế, chính sách mới chỉ có tác động ở mức bình thường đối với nguồn cung. Và chỉ có 21% doanh nghiệp đánh giá các cơ chế, chính sách mới thực sự có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Đáng chú ý, cuộc khảo sát cho biết 50% doanh nghiệp đánh giá các cơ quan quản lý địa phương đã bắt đầu tổ chức thực hiện những cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. 14% doanh nghiệp cho biết các chính sách, văn bản của Chính phủ đã mang lại kết quả cụ thể. Tuy nhiên, vẫn có tới 36% doanh nghiệp cho rằng chính quyền địa phương mới dừng ở mức tiếp nhận thông tin, chưa có động thái hỗ trợ cụ thể.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, 50% doanh nghiệp cho biết đang gặp khó khăn lớn nhất về giao dịch, tiếp đến là những vướng mắc về pháp lý đất đai. Xếp sau là các vấn đề về trái phiếu và tín dụng.

Theo VARs, một vấn đề lâu nay của thị trường BĐS là nguồn vốn. Đây là khó khăn đã đeo bám nhiều doanh nghiệp BĐS trong suốt thời gian qua. Qua cuộc khảo sát, có tới hơn 70% doanh nghiệp cho biết các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy được tác động tới doanh nghiệp.

Lý do được đưa ra là việc gia hạn thời gian trả nợ về cơ bản chỉ chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác. Nếu các vấn đề của thị trường không được giải quyết một cách triệt để, doanh nghiệp sẽ khó có thể tiếp cận cũng như hấp thụ nguồn vốn mới.

“Việc số lượng doanh nghiệp BĐS giải thể tiếp tục xu hướng tăng là minh chứng rõ nhất về những khó khăn, thách thức mà các đơn vị đang phải trải qua”, VARs thông tin.

Số liệu khảo sát trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, VARs còn nhận định việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án BĐS còn nhiều hạn chế do những vướng mắc đã tồn tại từ lâu, tình trạng kinh tế của các doanh nghiệp cũng đã dần cạn kiệt. Không chỉ vậy, tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của một số cán bộ địa phương cũng là một nguyên nhân.

“Các doanh nghiệp còn lại đều cho rằng, sau một thời gian quan sát và theo dõi, họ không thấy được sự chuyển biến thực sự và rõ rệt của thị trường. Vì vậy, khách hàng và nhà đầu tư sau khi ổn định tâm lý, vẫn xác định "chậm mà chắc", vô cùng thận trọng trước các quyết định của mình”, các chuyên gia của VARs thông tin.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay: “BĐS có sự liên quan chặt chẽ đến sự ổn định thị trường tài chính. Nguyên nhân dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính vừa qua là sự ngưng trệ của thị trường trái phiếu, như hiện tượng không thể huy động vốn, khan dòng tiền, thị trường không có thanh khoản… làm mất đi lòng tin, không chỉ của các bên tham gia trực tiếp vào thị trường BĐS, trái phiếu mà cả các bên liên quan. Nếu không giải quyết được những vấn đề khó khăn trước mắt thì đầu tư không thể tăng trưởng được”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn khác về các giải pháp “cứu” doanh nghiệp bất động sản