Đại biểu quốc hội Lê Thanh Hoàn cho rằng cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua.

Cần chấm dứt tình trạng mua nhà ở xã hội kiểu 'bốc thăm trúng thưởng’

Sơn Lam | 29/08/2023, 16:10

Đại biểu quốc hội Lê Thanh Hoàn cho rằng cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua.

Chấm dứt việc mua kiểu “bốc thăm”

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho biết thực tế việc phát triển nhà ở còn hướng đến quyền sở hữu nhà ở dưới góc độ là tài sản hơn là vai trò mấu chốt của nhà là để ở.

Đại biểu Hoàn đề nghị cần nghiên cứu thấu đáo, tiếp cận theo hướng nhà là để ở không phải là để đầu cơ với kỳ vọng sinh lời trong tương lai.

"Từ đó, cần có một chính sách lớn về nhà ở đầu tiên nhằm ưu đãi những người mua nhà lần đầu. Hạn chế cấp tín dụng với ngôi nhà thứ hai, đánh thuế chuyển nhượng tài sản và nhà ở theo các mức tăng dần và theo tỷ lệ nghịch với thời gian sở hữu", ông Hoàn nói.

Ngoài ra, ông Hoàn cũng đề nghị miễn thuế thu nhập từ cho thuê nhà ở xã hội cũng như cho thuê nhà với giá nhà ở xã hội. Cần hạn chế đến mức tối đa tình trạng người mua nhà ở xã hội sau thời gian mua 5 năm và bán thì giá trị tăng đến 2 đến 3 lần so với lúc mua.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh phải xác định rõ là Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người có thu nhập thấp có chỗ ở, không phải để tạo ra thu nhập cao trong tương lai cho người mua nhà ở xã hội; cũng như nhà ở xã hội không phải cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ dưới mọi hình thức.

dat-coc-3.jpeg
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) 

Trước những thách thức đối với thị trường nhà ở trong thời gian tới về tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị và già hóa dân số, ông Hoàn đề nghị trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và trong chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh cần căn cứ về quy mô dân số, tỷ lệ di cư dân di cư để phát triển nhà ở cho phù hợp, đặc biệt là nhà ở xã hội. Từ đó xác định sẽ dựng xây dựng nhà ở xã hội đến khi nào, đáp ứng cho ai và ai sẽ là người cung cấp.

Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Thanh Hoàn tán thành với quy định giao Tổng liên đoàn Lao động tham gia phát triển nhà ở lưu trú cho công nhân; đồng thời, cần có chủ trương khuyến khích các tổ chức hoạt động phi lợi nhuận khác tham gia tích cực hơn vào việc phát triển nhà ở xã hội.

“Cần có chính sách cụ thể để chấm dứt tình trạng mua nhà xã hội kiểu “bốc thăm trúng thưởng” trong thời gian vừa qua”, ông Hoàn đề nghị.

Quy định về đặt cọc còn lộn xộn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) góp ý về vấn đề đặt cọc trong kinh doanh nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai được quy định tại khoản 6 điều 23.

Bà Nga cho biết hiện nay được đặt cọc mua nhà ở công trình xây dựng hình thành trong tương lai đang rất lộn xộn. Điều này dẫn đến việc chủ đầu tư dự án chiếm dụng vốn của người mua, có những dự án huy động tiền cọc 30 - 50% tổng trị giá của công trình…

Đại biểu Nga nói rằng nhà ở là tài sản lớn đối với người dân, nếu không quy định rõ ràng về tiền đặt cọc thì người mua sẽ mất một khoản tiền lớn.

dat-coc-1.jpeg
Hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách

Về thời điểm đặt cọc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhất trí với phương án 1 theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Kinh tế về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo đó, thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng và số tiền đặt cọc không vượt quá 10% giá bán cho thuê, mua nhà ở, công trình xây dựng. Thời điểm cho phép thu tiền đặt cọc là khi dự án với thiết kết cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định, chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Đại biểu Nga cho rằng với những ràng buộc pháp lý như vậy vừa đảm bảo chắc chắn dự án sẽ được triển khai; không có trở ngại về pháp lý, tránh việc thu tiền cọc quá sớm khi dự án chưa đảm bảo các yêu cầu thủ tục, chưa được thẩm định. Điều này cũng tránh tính trạng chủ đầu tư huy động vốn trái phép, lừa lấy tiền cọc của người mua hoặc mất cả năm thanh toán trả lại tiền cọc cho người mua…

Nếu quy định thời điểm đặt cọc như phương án 2 thì người mua không bị tác động nhiều nhưng về phía chủ đầu tư, phía người bán sẽ gặp trở ngại, khó khăn trong tính toán kinh doanh. Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thời điểm đặt cọc như phương án 1 là hợp lý.

dat-coc-2.jpeg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị bổ sung thêm quy định cụ thể về khoản tiền bảo lãnh (đặt cọc) đối với nhà ở hình thành trong tương lai để xử lý những trường hợp hủy hợp đồng khi mà bên mua và bên bán không thể tự thỏa thuận được với nhau.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm bày tỏ đồng tình điều đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đã phân tích. Tuy nhiên đại biểu Tâm còn băn khoăn về quy định mức đặt cọc, do đó đề nghị ban soạn thảo nên quy định mức tối thiểu đặt cọc từ 5 - 10%.

“Nếu số tiền đặt cọc quá thấp thì khách hàng sẽ dễ dàng bỏ cọc nêu không có nhu cầu nữa, thực tế điều này đã xảy ra”, đại biểu Tâm nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần chấm dứt tình trạng mua nhà ở xã hội kiểu 'bốc thăm trúng thưởng’