Mỗi khi muốn phát hiện ai đó nói dối, chúng ta thường cho rằng nhìn vào mắt và quan sát nét mặt hoặc thái độ của kẻ nói dối là đủ. Tuy nhiên, theo giáo sư Amy Cuddy – nhà tâm lý đến từ Đại học Harvard, cách thức trên chẳng mấy giúp được bạn đâu.
Trong cuốn sách mới mang tên "Presence" (tạm dịch: Sự hiện diện), giáo sư này cho rằng thay vì tìm kiếm một phát hiện lớn, bạn nên tận dụng các kỹ năng để quan sát sự thiếu nhất quán trong một chuỗi cách giao tiếp của đối phương như nét mặt, điệu bộ cử chỉ hay cách nói năng.
"Nói dối là một việc rất khó khăn. Chúng ta kể một câu chuyện và phải kiềm chế một phần sự thật. Nếu như đó chưa là gì phức tạp, đa phần chúng ta đều có cảm giác tội lỗi mỗi khi nói dối. Chúng ta phải kiềm chế cả sự tội lỗi này. Con người không có đủ sức mạnh trí não để làm từng ấy việc trong một lúc mà không để lộ ra sơ hở", giáo sư Cuddy nói.
Theo bà, cách tốt nhất để tìm ra "khe hở" là tìm ra điểm khác biệt giữa những gì đối phương nói và những việc đối phương làm. Cảm xúc mâu thuẫn, chẳng hạn như giọng nói hạnh phúc nhưng khuôn mặt đau buồn... những dấu hiệu này sẽ cho bạn biết ai đang nói dối.
Mặc dù vậy, vị giáo sư này vẫn phải thừa nhận rằng việc phát hiện ra kẻ nói dối không dễ dàng gì. Chúng ta thường phát hiện kẻ nói dối thành công nhờ vào suy đoán. Nhưng vấn đề ở đây là hầu như chúng ta chỉ tập trung vào nội dung câu chuyện của người nói dối mà quên mất những cử chỉ cũng như thái độ của họ khi nói dối.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Giáo sư Cuddy cũng cho thấy những người gặp vấn đề về phân tích ngôn ngữ (hay còn gọi là người chậm hiểu) lại có khả năng phát hiện kẻ nói dối tốt hơn người bình thường. Lý do là bởi vì họ không để tâm tới nội dung người kia nói.
"Khi chúng ta cố gắng phân tích và tìm kiếm xem một người đang nói dối hay nói thật, chúng ta tập trung quá nhiều vào từ ngữ mà quên quan sát tổng thể mọi thứ đang diễn ra. Sự thật tiết lộ bản thân nó rõ ràng hơn thông qua hành động chứ không phải qua lời nói", giáo sư Cuddy kết luận.
Theo Thời Đại